Sinh viên vùng cao và cây ngô chịu hạn
Hải Bình
2020-02-16T04:33:56-05:00
2020-02-16T04:33:56-05:00
https://sachgiai.com/Guong-sang/sinh-vien-vung-cao-va-cay-ngo-chiu-han-12998.html
https://sachgiai.com/uploads/news/2020_02/pho-thi-thuy-hang-va-cay-ngo-chiu-han.jpg
Sách Giải
https://sachgiai.com/uploads/sach-giai-com-logo.png
Chủ nhật - 16/02/2020 04:32
Xuất thân từ một gia đình nghèo khó, nhưng bằng sự nỗ lực hết mình, cô gái người dân tộc Sán Dìu: Phó Thị Thuý Hằng đã đạt thành tích cao trong học tập và tìm được giống ngô chịu hạn tốt, giúp đồng bào vùng cao ổn định cuộc sống.
Lúc Hằng sắp chào đời, gia đình cô lâm vào cảnh khánh kiệt. Bố Hăng là thương binh, bị bệnh thần kinh. Trong một lần lên cơn thần kinh, ông đã đốt trụi căn nhà. Hằng nhớ lại: “Một mình mẹ tần tảo ngược xuôi nuôi chồng con. Tuổi thơ của mình gắn liền với ngô, khoai. Những ngày giáp hạt, trong nhà cũng không còn ngô, khoai, phải ăn rau lang, bầu bí trừ bữa. Vì không có tiền, các anh chị đều phải nghỉ học từ rất sớm, chỉ có mình may mắn được ưu tiên đi học”. Không phụ lòng người thân, Hằng nỗ lực phấn đấu vươn lên, 12 năm liền cô đều đạt danh hiệu học sinh giỏi.
Yêu thích nghiên cứu khoa học nên khi trở thành sinh viên khoa Sinh Đại học Thái Nguyên, Hằng càng có cơ hội để theo đuổi niềm đam mê. Hằng mạnh dạn đăng kí nghiên cứu đề tài “Chất lượng hạt và khả năng chịu hạn của một số giống ngô địa phương miền núi phía bắc Việt Nam”. Hằng cho biết: “Với đồng bào dân tộc ở vùng cao, cây ngô vần là nguồn lương thực chủ yếu. Vào mùa đông, gặp thời tiết giá lạnh, hanh khô, ngô thường xuyên mất mùa. Với mong muốn bà con có cuộc sống ổn định, từ đó thoát nghèo nên mình đã chọn để tài về cây ngô”. Qua tìm hiểu, Hằng đã chọn 5 giống ngô ta trồng ở vùng cao để nghiên cứu. Để thu thập được những giống ngô đó, Hằng phải lặn lội lên tận Bắc Kạn, Cao Bằng tìm kiếm. Từ nghiên cứu ở phòng thí nghiệm, Hằng đưa giống ngô trồng thử nghiêm ngay trên ruộng nhà. Qua 3 tháng tự tay chăm sóc, Hằng đã thành công, tìm được giống ngô phù hợp, có xuất xứ từ Đông Khê (Cao Bằng). So với ngô lai, khả năng chịu hạn của giống ngô Đông Khê hơn hẳn, hạt thơm ngon và dẻo hơn nhiều. Để tài của Hằng được trao giải nhất Sáng tạo trẻ tỉnh Thái Nguyên.
Phó Thị Thuý Hằng đã được nhận học bổng Nguyễn Thái Bình do báo Thanh Niên trao tặng; giải thưởng Mãi mãi tuổi 20; được tuyên dương là tấm gương sinh viên Việt Nam học tập và làm theo lời Bác. Hằng tâm sự: “Nếu không có quyết tâm, chắc chắn mình không có được thành công như ngày hôm nay. Mình sẽ tiếp tục theo đuổi đề tài nghiên cứu về cây ngô để góp phần bảo tồn giống gen quý và đưa ra giống ngô mới có năng suất cao, giúp đồng bào ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống”.