Ở tuổi 61, vừa trải qua một cuộc phẫu thuật nhưng cô giáo Nguyễn Thị Oanh Loan vẫn tiếp tục ngược xuôi để đến với học trò.
“Cô là mẹ, là chị, là cha, là bạn”
“...Cô Loan là người dạy em từ lớp 1. Cô cầm tay em nắn nót từng dòng chữ đến khi em biết đánh vần, biết viết. Em học với cô hết lớp 3 thì cô gửi em sang học lớp bổ túc buổi tối. Mấy năm sau đó, em vẫn học tiếng Anh miễn phí ở đấy.
Em học hết lớp 9, ba em mất, còn mình mẹ với bốn chị em. Em muốn đi học vì như thế mới thay đổi được tương lai. Nhưng thấy mẹ vật lộn kiếm tiền nuôi bốn chị em, em quyết định xin nghỉ học, vì lên lớp 10 học ở trung tâm giáo dục thường xuyên tốn học phí.
Em tìm gặp cô Loan để nói ý định của mình. Cô biết chuyện đã tìm gặp và thuyết phục mẹ để em đến trường, còn lại cô sẽ lo. Em vào lớp 10. Một hôm, cô nói đã xin được học bổng cho em. Mọi giấy tờ, thủ tục một tay cô lo hết.
Sau này em mới biết cô nhờ các anh chị người nước ngoài đang dạy tiếng Anh miễn phí tại lớp học tình thương liên hệ các tổ chức giúp đỡ. Không biết nói tiếng Anh, cô nhờ người làm phiên dịch. Không biết viết tiếng Anh, cô viết đơn bằng tiếng Việt rồi nhờ chuyển ngữ sang tiếng Anh.
Nhờ học bổng của cô, em đã học xong cấp III và bước chân vào cổng Trường ĐH Tài chính marketing. Rồi cô lại xin thêm cho em gái đang học lớp 11 của em một suất học bổng nữa. Học với cô chính thức ba năm, nhưng cô thật sự đã dạy em suốt 13 năm qua. Em vẫn nhớ những lần mẹ mắng, em giận mẹ đi lang thang.
Gọi cho cô, cô nói: “Một mình mẹ phải nuôi bốn đứa con. Mẹ khổ cực nên dễ cáu bẳn, nóng nảy, các con phải thông cảm cho mẹ chứ. Mẹ la mắng thế nào cũng phải ở nhà, con gái lang thang ngoài đường là không được”. Nhờ những lời khuyên nhủ của cô năm xưa em mới được như bây giờ. Với em, cô là mẹ, là cha, là chị và là bạn”.
Đấy là tình cảm của cô học trò Đỗ Thị Cẩm Tiên, 19 tuổi, sinh viên năm 1 Trường ĐH Tài chính - marketing, về cô giáo Nguyễn Thị Oanh Loan.
“Tôi phải dạy các em thành người tốt!”
Cô Loan bước vào tuổi 61 thì quãng thời gian cô gắn với những đứa trẻ ở lớp học tình thương là 21 năm. Bao lứa học trò đi qua, người quên kẻ nhớ, còn cô Loan vẫn ở lại với bộn bề trăn trở. “Buồn vì nhiều em ra đời sa chân vào ma túy. Nhiều em làm gái mại dâm. Có em chết vì bị HIV...” - cô Loan trầm ngâm.
“Học sinh lớp học tình thương mỗi em có một hoàn cảnh riêng, không phải em nào cũng ngoan, cũng nghe lời. Dạy các em rất cực. Tôi không chỉ dạy các em biết đọc, biết viết mà còn phải dạy các em trở thành người tốt trong xã hội” - cô Loan bộc bạch suy nghĩ của mình.
Để các em có nghề trong tay, để không bị dụ dỗ làm việc xấu, cô cất công đi học may. Rồi cô đi khắp nơi xin máy may, xin vải về dạy cho các em. Từ hai chiếc máy may cũ kỹ ban đầu, đến nay phòng học nghề đã có chín máy may.
Rồi sau những giờ lên lớp, cô lại đón xe buýt từ lớp học tình thương (P.9, Q.Phú Nhuận) sang tận Chợ Lớn (Q.5) mua móc khóa kết từ hạt nhựa về, tháo bung ra để coi mẫu. Sau cặp kính dày cộp, đôi mắt cô nheo nheo nhìn theo đường đi của dây cước. Cô giáo mua hạt nhựa về tập làm móc khóa. Khi đã thành thạo, cô Loan dạy lại cho các em.
“Dạy làm móc khóa các em thích hơn may vì có tiền ngay. Nhưng tôi vẫn đi xin vải về để các em học may xen kẽ”. Khổ cực là thế nhưng khi sản phẩm bán được, cô Loan chỉ lấy tiền hạt nhựa. “Dạy các em làm để các em biết quý trọng đồng tiền của mình. Những lúc học nghề là lúc cô trò gần gũi để tâm sự, chia sẻ. Như thế tôi mới hiểu được hoàn cảnh của các em”.
Cả cuộc đời vì học sinh
Trước năm 1993, cô Loan vốn là hiệu trưởng một trường mầm non, nhưng vì duyên nợ đã buộc chặt cô với lớp học này. Cả cuộc đời cô không giữ riêng cho mình chút gì, cũng không nghĩ đến chuyện chồng con.
Trước tết, cô giáo Loan bất ngờ ngã bệnh. Đọc lá thư viết vội của người em kể về chị gái mình mới biết thêm những điều nghẹn lòng về cô: “Cô Loan hiện đang dạy lớp 1 và lớp 3 ở lớp học tình thương, rồi lớp buổi tối ở Trường bổ túc Nguyễn Đình Chính (Q.Phú Nhuận), và lớp dạy nghề. Mỗi tháng lương cô Loan chỉ vỏn vẹn tầm 1,5 triệu đồng. Cô Loan nhập viện mà trong túi không có nổi 200.000 đồng để trả viện phí”.
Đến tuổi 61, cô Loan vẫn chưa tính đến việc thôi đứng lớp. 61 tuổi, giờ nghỉ trưa, cô vẫn cặm cụi ngồi xỏ hạt nhựa với các em.