Gương tuổi trẻ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Chủ nhật - 29/11/2020 10:51
Tuổi trẻ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là việc làm hết sức ý nghĩa và đúng đắn. Nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên. Thanh niên muốn làm chủ tương lai cho xứng đáng thì ngay hiện tại phải rèn luyện tinh thần và lực lượng của mình, phải làm việc để chuẩn bị cái tương lai đó.
Gương tuổi trẻ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Trong thư: Gửi thanh niên và nhi đồng toàn quốc nhân dịp Tết sắp đến, 1 – 1946, của Chủ tịch Hồ Chí Minh có đoạn viết:

“... Một năm khởi đầu từ mùa Xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa Xuân của xã hội.
Vậy qua năm mới, các cháu phải xung phong thực hành “đời sống mới”.
Đời sống mới là:
- Hăng hái, kiên quyết, không sợ khó, không sợ khổ.
- Phải siêng học, phải siêng làm, phải tiết kiệm.
- Việc nên làm thì ta không chờ ai nhắc nhủ.
- Việc nên tránh thì ta không đợi ai ngăn ngừa”

Tiếp thu lời dạy đó của Bác, tôi đoàn viên của một thôn nghèo luôn tâm niệm: Phải tự hoàn thiện bản thân trong từng việc, từng ngày, để vươn lên trong cuộc sống để thoát nghèo, đưa thôn nhà phát triển đi lên, giúp cho đời sống bà con nhân dân trong thôn khấm khá hơn.

Thôn của tôi là một thôn thuần nông nghiệp, đời sống người dân quanh năm chủ yếu gắn bó với ruộng đồng và đồi núi. Với những khó khăn mà thôn nhà đang gặp phải là: đường trong thôn vẫn còn là đường đất, mỗi mùa mưa đến mặt đường lầy lội đi lại rất khó khăn, tường rào của mỗi hộ dân là cây tự nhiên mọc um tùm. Thêm nữa là thôn tuy có con kênh nhỏ chảy ngang qua nhưng lại không có cầu, mỗi khi đến mùa vụ hoặc đi làm phải lội bộ qua kênh rất bất tiện, các phương tiện cơ giới như xe bò, xe lôi không qua được.

Hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới kiểu mẫu tôi trực tiếp tham mưu với bí thư thôn và đảng ủy cấp trên quan tâm giúp đỡ cho thôn tôi được làm đường bê tông và xin kinh phí để xây cầu qua kênh. Tuy nhiên vì là xã nghèo nên kinh phí xin được cũng chẳng là bao, bà con trong thôn cũng khó khăn bội phần. Không để mất cơ hội, tôi trực tiếp đi vận động các nhà hảo tâm, các hộ khá giả, về khó khăn, về những vấn đề cấp thiết của thôn. Thật may mắn sau khi nghe tôi trình bày, bà con giúp đỡ nhiệt tình. Và để tiết kiệm kinh phí, tôi vận động bà con góp công xây dựng và đóng góp phần nhỏ của mình cho quê hương.

Và thế là bắt đầu thi công, đoàn thi công đến nhà ai thì nhà đó đãi điểm tâm nửa buổi không khí rất nhộn nhịp, tưng bừng và náo nhiệt. Sau hơn 15 ngày phát dọn, cuốc đất, chặt cây, đóng khung, đóng ván trộn vữa bê tông, con đường đất sình lầy ngày nào đã được thay bằng con đường bê tông cứng cáp, sạch sẽ. Ai ai đi trên con đường do chính bàn tay mình xây dựng cũng thấy vui, phấn khởi hẳn lên. Từ nay các em đi học sẽ không bị chân lấm tay bùn, mọi người đi xe cũng không còn cảnh dắt bộ nữa.

Tiếp đến là thi công cây cầu qua con kênh nhỏ, như tiếp được sức ở thành công con đường bê tông, lần này bà con tham gia đông đảo hơn, còn góp tiền cho đội thi công bồi dưỡng. Và sau hơn 10 ngày cây cầu mơ ước bao đời đã thành hiện thực. Từ nay xe máy, xe đạp, xe bò, xe lôi, … có thể băng qua kênh đem ấm no về cho mỗi nhà rồi.

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã giúp bản thân tôi trưởng thành hơn. Cảm thấy bản thân sống có ý nghĩa và đầy nhiệt huyết. trong Bài nói chuyện với sinh viên và thanh niên trong Lễ khai mạc Trường Đại học Nhân dân Việt Nam ngày 19/11/1955, Bác nói: “Nhiệm vụ của thanh niên không phải là hỏi nước nhà đã cho mình những gì. Mà phải tự hỏi mình đã làm gì cho nước nhà? Mình phải làm thế nào cho ích lợi nước nhà nhiều hơn? Mình đã vì lợi ích nước nhà mà hy sinh phấn đấu chừng nào?”

Thật vậy, thế hệ chúng tôi sinh ra sau chiến tranh, phần nào thấy được những mất mát, hi sinh mà các mẹ, các cô, các chú, các bác, các anh, các chị và các em … đã gánh chịu. Hòa bình đã phải đổi bằng xương máu biết bao thế hệ. Do đó chúng ta phải trân quý và không ngừng rèn luyện phấn đấu làm gì đó để có ích lợi cho nước nhà.

Chủ trương của Đảng đưa ra là phải dồn điền đổi thửa, đổi từ ba vụ lúa sang hai vụ. Thật sự với chủ trương này để thuyết phục bà con trong thôn không phải dễ. Vì bao đời nay bà con trong thôn tôi đã quen sống với ba vụ lúa, với con trâu, với cái cày rồi. Làm thế nào để bà con thay đổi tư duy, mở rộng tầm nhìn chấp thuận chủ trương đó mới là vấn đề.

Tôi nói với đồng chí bí thư thôn trưởng rằng: Anh cứ ra thông báo họp dân, em sẽ thuyết phục bà con. Trong buổi tối họp dân hôm ấy, nhiều tiếng bàn tán xôn xao rằng: ba vụ còn không đủ ăn hai vụ thì có mà chết đói; hay ai làm thì làm, tôi không làm,… Đúng 19 giờ 30 phút buổi họp đầu. Sau phần giới thiệu của đồng chí thôn trưởng, tôi đứng dậy:

Thưa bà con!
Lâu nay bà con làm lúa 3 vụ nhưng không đủ ăn, thứ nhất là do: đất quá mệt mỏi (bà con cười ồ) vì sao? Vì bà con thấy đấy, con người cũng cần phải nghỉ ngơi mới có sức để tiếp tục lao động? Vậy tại sao bà con không cho đất nghỉ?
Thứ hai, giống lúa ngắn ngày năng suất quá thấp, do đó bà con có làm 3 vụ hay 4 vụ thì thu hoạch không bằng hai vụ được. Vì giống lúa dành cho hai vụ đem lại năng suất cao hơn, gạo thơm, cơm ngon hơn.
Thứ ba, hiện nay các đám ruộng của bà con mỗi nơi một đám, rất bất tiện trong việc chăm sóc bón phân, tưới nước, thu hoạch mà cơ giới thì khó tiếp cận. Do đó, chúng ra phải dồn chung lại rồi chia ra, mỗi hộ dân chỉ cần canh tác 1, 2 đám là đủ.
….
Tôi hi vọng bà con thấy được chủ trương của Đảng ta là vì bà con nhân dân, vì cuộc sống của con em chúng ta, vì lợi ích quốc gia dân tộc. Tôi mong bà con suy nghĩ thật kỹ và ủng hộ. Tôi xin cảm ơn bà con rất nhiều. Xin hết!


Sau buổi tối hôm ấy, hầu hết bà con đã đồng ý nhưng có một số hộ vẫn còn bán tín, bán nghi. Tuy nhiên sau một năm áp dụng dồn điền đổi thửa và canh tác hai vụ bà con thấy được sự tiện lợi của cơ giới và năng suất cao của giống lúa mới thì phấn khởi hẳn lên. Không còn cảnh trâu cày, hay gánh lúa nữa mà thay vào đó là máy gặt, máy cày, xe chở lúa về tận nhà. Đôi vai, đôi tay của bà con đã nhẹ hơn đi rất nhiều. Từ đó, trong các buổi hội làng cuối năm ai cũng bắt tay tôi cảm ơn và chúc mừng. Tôi thật thấy cảm động lắm!

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường căn dặn: “Mỗi người tốt, mỗi việc tốt là một bông hoa đẹp, cả dân tộc ta là một rừng hoa đẹp”. Những lời dạy của Người đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Những mong muốn của Người vẫn luôn là động lực để cho tôi phấn đấu vươn lên. Xin cảm ơn đất nước, xin cảm ơn Người – những lời dạy quý báu của Người luôn là kim chỉ nam cho tôi trên bước đường phụng sự nhân dân.

  Ý kiến bạn đọc

THÀNH VIÊN

Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây