Căn nhà của Vi nằm khuất trong khu dân cư ngoại thành TP Kon Tum. Mấy chục năm nay, người dân ở khu phố này quen thuộc hình ảnh vợ chồng ông Nguyễn Công Tiến và bà Nguyễn Thị Thanh đi cõng gạch mướn nuôi năm người con trưởng thành.
Kỳ thi đại học vừa qua, Nguyễn Tường Vi - cô con gái út của gia đình nghèo này - đậu thủ khoa vào ngành sư phạm ngữ văn Trường ĐHSP Đà Nẵng với số điểm đáng nể: văn 8,5, địa lý 8,5 và lịch sử 9,25.
Chưa một lần có tiền mua sách
Đó là một căn nhà thấp lè tè ở hẻm 147 Nguyễn Văn Linh (TP Kon Tum). Câu chuyện Vi đậu đại học - thủ khoa đã trở thành niềm vui chung của những người dân nơi đây. “Em đoán mình sẽ đậu, nhưng không nghĩ điểm sẽ cao như thế”, Vi nói đơn giản. Vi cho biết nguyện vọng của em vẫn là được trở thành giáo viên, được đứng trên bục giảng.
Trong ngôi nhà ẩm thấp, suốt câu chuyện kể về con gái, mẹ của Vi cứ ngân ngấn nước mắt: “Vợ chồng tôi gánh gạch thuê từ ngày lấy nhau đến nay, biết con học giỏi đấy nhưng nhiều lúc thấy con thua thiệt quá mà chỉ biết nghẹn lòng”.
Bà Thanh cho biết 12 năm đến trường đến nay con gái bà chưa một lần được bố mẹ sắm cho một bộ sách tham khảo để học hành. Toàn bộ sách học tập của Vi là sách cũ xin được, rồi mượn bạn bè. Thấy cô học trò ham học, nhiều thầy cô giáo cũng góp sách để Vi tiếp tục con đường học hành. Chỉ vào chiếc xe đạp rách bươm, nằm gỉ sét trong góc nhà, bà Thanh nói rằng đó là chiếc xe mà Vi đã sử dụng để đến trường nhiều năm nay, chiếc xe ấy cũng do một người quen cho Vi để đi lại hằng ngày.
Sắp tới, chiếc xe ấy sẽ tiếp tục gắn bó với cô sinh viên nghèo những ngày đi học ở thành phố. Vi kể trong trang lứa đến trường cùng nhau thì em có hoàn cảnh khó khăn nhất khi cả bố lẫn mẹ đều phải đi gánh gạch mướn, thu nhập không ổn định. “Những ngày đến kỳ đóng học phí, biết em không có tiền nên thầy cô tránh không nhắc tên trước lớp. Em thường phải đóng học phí muộn nhất, mỗi lần về xin tiền, thấy cha mẹ gầy rộc, đau yếu vì lao lực em chỉ biết khóc thầm rồi cố gắng học thật giỏi để sau này bù đắp cho cha mẹ” - Vi kể.
Vừa học vừa kiếm việc làm
Gian nhà nhỏ của gia đình Vi được chia làm ba ngăn: nơi người ở, khu bếp và một phần đất ít ỏi được tận dụng để làm chuồng heo, chăn nuôi gà. Trước khi lên đường ra thành phố đi học, Vi vẫn ướt nhèm mồ hôi tất bật cho đàn gà ăn. Đó là những con gà “lộ phí” của Vi bởi mấy tháng nay Tây nguyên mưa kín ngày tháng, ba mẹ của Vi ngồi nhà nhìn ra mà ruột gan nóng như có lửa. Con gái sắp vào đại học, mưa gió liên miên nên gạch không vào lò được, không ai thuê mướn. Thương con, ba Vi dù đã gần 60 tuổi nhưng vẫn phải tranh thủ ra phố kiếm việc làm thuê để lấy tiền cho con đi học, dù đồng tiền làm thuê làm mướn chẳng bao nhiêu.
Bà Thanh cho biết hoàn cảnh gia đình khó khăn vậy nhưng chưa bao giờ ông bà có ý nghĩ cho con cái bỏ học. Cả năm đứa con của ông bà đều học hành đầy đủ. Bà Thanh kể hôm đưa Vi đi thi, ba Vi ứng được một khoản tiền bốc gạch rồi tất tả đưa con về thành phố. Thi xong, biết chắc mình sẽ đậu nên cả Vi lẫn ba tất tả tranh thủ đi kiếm việc làm thêm chuẩn bị tiền lên đường nhập học.
Nói về những ngày phía trước, Vi cắn chặt môi: “Em chưa biết mọi chuyện rồi sẽ thế nào cả, nhưng có lẽ dù thế nào cũng phải cố học, vừa học vừa kiếm việc làm thêm để trang trải cuộc sống, không thể vì khó khăn trước mắt mà mất ý chí được”.
Nghị lực của cô sinh viên khiếm thị
“Em sinh ra trong một gia đình làm nông nghiệp ở một huyện xa xôi, nghèo khó của tỉnh Đắk Lắk. Ngay từ khi vừa chào đời, em đã không được may mắn như bao người bởi thiếu ánh sáng của đôi mắt. Cha mẹ đã đưa em đi nhiều nơi để chữa trị với hi vọng tìm lại ánh sáng cho đôi mắt em. Nhưng tất cả hi vọng đều tan biến vì đi đến đâu các bác sĩ cũng đều lắc đầu, bó tay”.
Đó là lá thư của bạn Nguyễn Thị Thảo (23 tuổi, thôn 4, xã Ea Riêng, M’Đrắk, Đắk Lắk, một người mắc di chứng chất độc da cam), tân sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, gửi cho báo Tuổi Trẻ. Thảo là tân sinh viên được nhận học bổng “Tiếp sức đến trường” lần này.
Thảo và bộ huy chương ở nhiều giải đấu - Ảnh: TR.Tân
Trước đó Thảo được học tại Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu (Q.10, TP.HCM) từ năm 11 tuổi. Là học sinh khiếm thị nhưng Thảo mê cờ vua. Mỗi ngày bạn dành cho môn thể thao yêu thích của mình 30-60 phút. Đến nay Thảo đã có bộ sưu tập khoảng 20 huy chương các loại và rất nhiều bằng khen. Trong đó đáng chú ý là hai huy chương đồng tại đại hội thể dục thể thao dành cho người khuyết tật khu vực Đông Nam Á (năm 2011 và 2014).
“Con đường mình chọn là trở thành cô giáo dạy cho trẻ em khuyết tật để các em có cơ hội được học hành, được hòa nhập xã hội” - Thảo chia sẻ.