Nhân cũng là một trong số gần 100 sinh viên đầu tiên chuyên ngành an ninh mạng đang học tại Trường CĐ Nghề CNTT iSpace theo hướng chuyên sâu thực hành.
Thực hiện đúng 65/75 câu hỏi trong phần thi năm nay, Nhân đạt kết quả 87%. Còn đôi chút tiếc nuối, Nhân chia sẻ, lượng kiến thức trong đề thi năm nay trải dài và liên quan đến nhiều mảng. Điều này đòi hỏi thí sinh phải có vốn kiến thức nhất định để hoàn thành trọn vẹn. Nhân tự nhận, kiến thức của mình còn có phần hạn hẹp, nhiều chỗ chưa thật vững lắm nên vẫn chưa đạt được điểm số tối đa như mong muốn.
Đánh giá khác cũng cho rằng, đề thi năm nay khó hơn các năm trước và bao gồm nhiều phần mở rộng, lượng kiến thức trải dài, bao quát. Để đạt được kết quả như trên, Nhân đã trải qua quá trình ôn luyện dài ngày cùng các chuyên gia, giảng viên và thử thách với nhiều lần thi không thành công trước đó. “Cao điểm, em phải ôn luyện liên tục từ sáng đến chiều trong suốt 3 tháng trời. Có lúc quá căng thẳng và áp lực vì lo lắng, tuy nhiên, em đã tự tìm mọi cách lấy lại tinh thần, tự động viên mình tiếp tục cố gắng”, Nhân thổ lộ. Đối với Nhân, đây lần đầu tiên “đấu” tại cuộc thi có tầm cỡ quốc tế nên sức ép khá lớn. Không chỉ trong khi thi, thậm chí, tối về Nhân vẫn còn thấy… run vì căng thẳng.
Thích lĩnh vực an ninh mạng từ lâu nhưng chưa có điều kiện để học, phải đến năm 2011, Nhân mới có thể bắt tay thực hiện. Em cho rằng, ở lĩnh vực này, các thầy cô và chuyên gia chỉ truyền đạt cho sinh viên những kiến thức căn bản, còn lại, điều quan trọng là bản thân người học phải tự chủ động mày mò, tìm tòi để tiếp cận những cái mới. Đồng thời, người học không thể thiếu sự đam mê. Cũng vì cảm thấy những điều mình biết, mình đạt được là chưa đủ, Nhân mong muốn sắp tới, khi tốt nghiệp em có cơ hội được ở lại trường làm việc. Qua đó, em có thể học nâng cao, bổ sung thêm kiến thức.
Được thành lập năm 1989, SANS là học viện hàng đầu thế giới về đào tạo an toàn thông tin. Các chứng chỉ an toàn thông tin của học viện này được xem là tiêu chuẩn đánh giá năng lực của những chuyên gia tại Mỹ và được công nhận trên toàn thế giới. Đến nay, đã có 992 chuyên gia đạt được chứng chỉ GISF như Đinh Đình Nhân. Phần lớn họ là các quản lý cấp cao về an ninh - an toàn thông tin hay các chuyên gia thâm niên về bảo mật của các tập đoàn lớn, các cơ quan Chính phủ.
Tại nhiều nước trên thế giới, người có chứng chỉ SANS luôn được các doanh nghiệp lớn chào mời. Ở Mỹ người có chứng chỉ SANS được ưu tiên tuyển dụng vào quân đội và các cơ quan Nhà nước với mức lương khởi điểm lên đến gần 74.000 USD/năm.