Lớp học đặc biệt của cô Thông dành cho những học sinh có hoàn cảnh khác nhau. Có những em trí tuệ phát triển chậm, những em vì gia đình nghèo quá không có tiền đi học, những học sinh bị khuyết tật không thể đến trường hay những phụ nữ đã lớn tuổi nhưng không biết chữ… Vì vậy trong lớp học, cô Thông phải dạy kèm các chương trình khác nhau: em thì học chương trình lớp 1, em thì học lớp 3, lớp 4…
Trò chuyện với chúng tôi, cô Thông cho biết: Sinh ra và lớn lên ở vùng biển nghèo, chứng kiến cảnh những trẻ em nghèo nơi đây phải thất học khiến cô luôn trăn trở.
Vì vậy, sau khi nghỉ hưu cô đã quyết định mở lớp học tình thương với mong muốn cho trẻ em nghèo có hoàn cảnh khó khăn bớt thiệt thòi.
Không chỉ dạy cho trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn không thể tới trường, cô Thông còn vận động người dân nơi đây tham gia lớp học chữ để xóa mù.
Từ năm 2002 đến nay, lớp học tình thương của cô đã dạy cho gần 100 em học xong cấp tiểu học để các em hòa nhập tiếp tục học lên THCS và THPT; xóa mù cho 59 người có độ tuổi từ 20 đến 60. Hiện lớp học tình thương có 7 em đang theo học, đến tháng 5/2015 các em sẽ hoàn thành chương trình cấp tiểu học.
Bà Bùi Thị Đức (60 tuổi) ở thôn Thắng Lập (xã Ngư Lộc) tâm sự: Trước đây, nhà tôi nghèo, không có điều kiện đi học. 14 tuổi tôi phải đi làm thêm với bố mẹ để kiếm tiền, nên đến khi lớn tuổi vẫn không biết chữ.
Một lần tôi bắt xe khách về quê, do không biết chữ nên tôi đã bắt nhầm xe vào tận Nha Trang. Lúc đó lại không có tiền, tôi chỉ biết khóc. May mắn tôi được mọi người cho tiền và bắt hộ xe để về nhà.
Cô giáo Thông đang hàng ngày mang cái chữ đến cho những trẻ em nghèo.
Những ngày đầu năm mới, cô Thông vẫn tiếp tục miệt mài với công việc của mình. Cống hiến cả cuộc đời cho công việc dạy học, quên cả việc có một cuộc sống gia đình riêng.
Nhắc đến những học sinh của mình, khuôn mặt cô Thông rạng rỡ, cô nói: “Những ngày lễ tết, cô vui lắm vì có các em học sinh, phụ huynh học sinh của lớp học tình thương, những học sinh trong lớp xóa mù đến thăm.
Cô xem lớp học tình thương đó chính là gia đình của mình. Học sinh của cô là những trẻ em thiệt thòi, thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu người chăm sóc. Vì vậy, cô mong muốn không chỉ dạy chữ mà còn dạy các em nhỏ làm người. Trở thành người chăm sóc, là chỗ dựa tinh thần cho các em”.
Tạm biệt chúng tôi, cô Thông lại tiếp tục bài giảng của mình. Đôi mắt cô đôi lúc phải nheo lại để có thể nhìn rõ chữ trong cuốn sách giáo khoa. Nhưng trong trái tim của cô giáo làng ấy vẫn cháy sáng lòng nhiệt huyết cống hiến để mong cuộc sống những người dân nghèo vùng biển bớt thiệt thòi hơn.