Không cần hợp đồng, với tâm huyết giúp các em nắm vững tiếng nói và chữ viết dân tộc, gần 2 năm nay, thiếu úy Thạch Chanh Tha, người chưa từng trải qua nghiệp vụ sư phạm ở sư đoàn CT 23, Bộ chỉ huy quân sự TP Cần Thơ đã làm thầy giáo không lương cho hàng trăm học sinh nơi đây. Người dân trong vùng thường gọi thầy là thầy giáo “2 không”.
Bộ đội làm thầy giáo
Về xã Đông Thắng, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ, nghe tin có một bộ đội đang công tác ở đội CT23 mở lớp học chữ Khmer miễn phí cho con em đồng bào trong vùng, chúng tôi tìm đến người “thầy” vào một ngày cuối tuần se lạnh những ngày giáp Tết. Đến đầu xã Đông Thắng, hỏi thăm lớp học chữ Khmer của thầy Thạch Chanh Tha, đám trẻ con tranh nhau chỉ chúng tôi đến trường tiểu học Đông Thắng - ấp Đông Thắng một cách kính trọng.
Chiều muộn giữa cái nắng xuân ấm áp, Thiếu úy Thạch Chanh Tha đang nắn nót từng nét chữ trên bục giảng, vội cho các em nghỉ giải lao, anh bảo mình vừa ở đội CT23 qua, rồi bắt đầu kể cho chúng tôi nghe về cái duyên làm “thầy” cho các em trong xã bằng giọng trong trẻo.
Kể về tuổi thơ, Thiếu úy Thạch Chanh Tha cho biết anh sinh ra và lớn lên ở xã Đa Lộc, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh. Năm 1990, lúc nông thôn chưa có điện đường, anh cùng mấy anh em trong xóm tập hợp lại đốt đèn dầu học chữ, lúc đó đường đất lầy lội nhưng anh em trong vùng rất siêng năng học tập. “Vì cuộc sống gia đình khó khăn, học hết năm lớp 7 là tôi nghỉ học. Hai năm sau tôi được Ban chỉ huy quân sự huyện Châu Thành chọn làm người phiên dịch tiếng Khmer, nhằm giúp các anh trong quân khu bám sát địa bàn, hiểu hơn về đời sống của đồng bào dân tộc để phát triển kinh tế địa phương”, thiếu úy Tha thổ lộ.
Từ nhỏ, khi còn ngồi trên ghế nhà trường và tu tập tại chùa Hang (huyện Châu Thành) thiếu úy Tha đã sớm có ý thức học tập để trở thành người có ích cho xã hội. Lớn lên, vì điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, năm 2002, anh tình nguyện đăng ký vào bộ độ Quân khu 9 được 2 năm thì anh tham gia vào đội CT23 của TP Cần Thơ. Năm 2011, anh cùng đơn vị CT23 chuyển qua xã Đông Thắng làm công tác tuần tra và cùng xã tham gia xây dựng Nông thôn mới cho đến ngày nay. “Thực ra, tôi chỉ muốn góp một phần nhỏ công tác xã hội. Dạy tiếng mẹ đẻ cho con em đồng bào Khmer cũng là mong muốn của tôi để giúp các em biết giữ gìn văn hóa gốc của mình. Hơn nữa, tôi muốn các em tập trung học tập vào ngày cuối tuần, tránh các tệ nạn xã hội. Mình có chút kiến thức từ thời đi học cho đến khi vào chùa rồi đi bộ đội nên muốn truyền lại cho các em”, anh khiêm tốn nói.
Thứ bảy hàng tuần anh lại say sưa giảng bày cho các em.
Thượng tá Vũ Trung Sơn – đội trưởng đội CT23 cho biết, mười năm gắn bó với đội công tác CT 23, Thạch Chanh Tha luôn có mặt trong công tác vận động quần chúng, cùng đồng đội lao động, giúp nông dân cắt lúa, làm đường giao thông nông thôn, vệ sinh môi trường, tham gia cấp phát thuốc miễn phí, tham mưu với các cấp ủy chính quyền xây dựng cơ sở chính trị trên địa bàn. Riêng tại xã Đông Thắng, một xã thuần nông được bộ chỉ huy quân sự Cần Thơ cùng Ủy ban Nhân dân huyện chọn làm điểm chỉ đạo xây dựng xã NTM. Trong đó, ấp Đông Thắng có khoảng hơn 150 hộ dân Khmer nghèo, chiếm 60% tổng số hộ dân của ấp, tất cả đều sống bằng nghề nông. Sau thời gian ngắn tiếp cận địa bàn, khảo sát người dân, thiếu úy Thạch Chanh Tha mạnh dạn đề xuất với đơn vị tình nguyện đứng ra dạy chữ cho con em đồng bào dân tộc Khmer. “Ban đầu, tôi cùng đồng đội khảo sát các em dân tộc trong ấp, hết 90% trẻ em dân tộc không viết được chữ mẹ đẻ, còn 10% trẻ có đi học chữ ở Chùa số 5 do sư Đào Nho giảng dạy. Sau đó tôi xin ý kiến chỉ huy, rồi phối hợp với cô hiệu trưởng cùng các giáo viên trong trường tiểu học Đông Thắng vận động các em học chữ. Tôi cũng chưa học qua nghiệp vụ sư phạm, nhiều người hỏi tôi dạy được không? Tôi chỉ biết lấy kiến thức mình học được, cộng với tài liệu ôn tập”, anh cho biết.
Giữ gìn bản sắc dân tộc
Là một chiến sĩ của đội CT23, đồng lương eo hẹp, thiếu thốn nhưng thiếu úy Thạch Chanh Tha chưa bao giờ có ý định rời bỏ việc dạy chữ Khmer cho các em nhỏ trong vùng. Vợ anh một y sĩ tại bệnh viện huyện Châu Thành (Trà Vinh), hiện chị đang theo học chuyên tu tại trường Đại học Y Dược Cần Thơ. Dù hai vợ chồng ở cách xa nhau, cuối tuần chỉ gặp ngày thứ bảy, chủ nhật. Vì các em, anh đành dành thời gian ngày thứ bảy để ở lại dạy chữ cho trẻ em nghèo trong vùng.
Nhiều học sinh “mê” nét chữ đẹp của “thầy” bộ đội.
Anh nói, có những lúc đầu tắt mặt tối với công việc, đến buổi đi dạy các em lại nghịch ngợm không chịu học, nhưng anh vẫn đến lớp vào những ngày cuối tuần, làm tròn nhiệm vụ của một người thầy. “Mưa dầm thấm đất”, hiểu được ý nghĩa của việc học chữ Khmer và tình cảm của người “thầy” bộ đội, các em đến lớp ngày một đông hơn, nhiều em là người Kinh vẫn đến đây học chữ Khmer mà còn học rất giỏi nữa. Em Kim Thị Ngọc – lớp 3A trường tiểu học Đông Thắng tự hào: “Em là người Kinh nhưng thấy các bạn học tiếng Khmer em rất thích, em xin thầy cho em học. Bây giờ em có thể viết và nói được bằng tiếng Khmer”.
Không chỉ gánh vác việc của đơn vị giao, hơn một năm qua, thiếu úy Tha chịu khó học hỏi về phương pháp dạy học từ những giáo viên chuyên nghiệp, đọc sách và soạn bài giảng trước khi đến lớp, cứ đến chiều thứ bảy hàng tuần, anh lại cặm cụi đến lớp, đọc và dạy các em tập viết. Thấy việc làm của anh hàng tuần được bọn trẻ say sưa chăm chỉ học tập, biết đọc biết viết, bà con trong ấp ai cũng vui mừng, cảm phục.
Thực tế, việc dạy học chữ Khmer bây giờ cũng phải có sự sáng tạo mới tiếp thêm niềm đam mê cho các em nhỏ. Dạy khô khan quá các em chỉ học vài buổi là không học nữa. Hiểu tâm lý các em, cứ mỗi đầu giờ học, anh thường hay kể cho các em nghe một câu chuyện cổ tích bằng tiếng Khmer, tạo tâm lý thoải mái, đồng thời dạy các em cách đối nhân xử thế. Điều này làm cho các em có ý thức và dạy hiệu quả hơn. Qua cách dạy đó, nhiều em đến đây thường thích cách kể chuyện của anh và nét chữ của anh rất đẹp.
Ông Đào Sơn - ấp Đông Thắng vui vẻ cho biết: “Đối với dân tộc Khmer, tiếng nói thì ai cũng biết mà viết chữ thì rất ít. Vừa qua, ấp Đông Thắng được ông Chanh Tha vào đây dạy tôi rất là mừng, để qua đó các cháu vừa biết nói vừa biết viết tiếng mẹ đẻ, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc”.
Là người Khmer dạy chữ Khmer cho con em dân tộc Khmer, công việc tưởng như đơn giản nhưng không dễ dàng, bởi ở vùng quê nghèo này, cuộc sống của bà con còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn, chuyện học hành của con cái chẳng được các bậc cha mẹ quan tâm và người thầy giáo 2 không (không lương, không hợp đồng), ngoài thời gian cùng đồng đội làm nhiệm vụ chính của đơn vị là tranh thủ đến từng nhà gặp ông bà, cha mẹ nhắc nhở cho con cháu đến lớp học thêm tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình.
Thượng tá Vũ Trung Sơn nhận xét: “Thực hiện học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đối với đội công tác thì thiếu úy Thạch Chanh Tha đã góp phần xây dựng mô hình dân vận khéo trên địa bàn xã Đông Thắng, đặc biệt là tham gia vận động nhân tham gia xây dựng các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới”.
Là bộ đội cụ Hồ, “Đi dân nhớ, ở dân thương, địa phương tín nhiệm”, Thiếu úy Thạch Chanh Tha đã góp viên gạch hồng cho một xã vùng sâu. Ông Nguyễn Trọng Thủy – Phó chủ tịch UBND xã Đông Thắng bày tỏ: “Việc làm của thiếu úy Thạch Chanh Tha có ý nghĩa rất to lớn. Bên cạnh sự đóng góp vào việc duy trì bản sắc dân tộc của người Khmer, thiếu úy đã góp phần to lớn vào mục tiêu xây dựng nông thôn mới của địa phương”.