Câu hỏi: Sau khi rút quân về nước, Lý Thường Kiệt đã làm gì để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến?
- Sau khi rút quân về nước, Lý Thường Kiệt đã hạ lệnh cho các địa phương ráo riết chuẩn bị ngay cuộc phòng vệ. Ba chủ trương lớn được ban hành:
- Các tù trưởng dân tộc bố trí lực lượng sẵn sàng chiến đấu.
- Cử một đạo thuỷ binh mạnh đóng ở vùng ven biển Đông Bắc, sẵn sàng đánh tan thuỷ quân của giặc.
- Xây dựng chiến tuyến sông Như Nguyệt với quyết tâm chặn giặc, không cho chúng tiến xuống phía Nam để vào thành Thăng Long.
Câu hỏi: Em biết gì về phòng tuyến Như Nguyệt?
Sông Như Nguyệt là đoạn sông Cầu chảy qua huyện Yên Phong (bờ Bắc là Bắc Giang, bờ Nam là Bắc Ninh ngày nay). Đây là đoạn sông có vị trí rất quan trọng, vì nó án ngữ mọi con đường từ phía Bắc chạy về Thăng Long. Phòng tuyến dài gần 100 km, được đắp bằng đất cao, vững chắc, bên ngoài có mấy lớp giậu tre dày đặc. Dưới bãi sông còn có những hố chông ngầm, tất cả hợp thành một chiến luỹ vững chắc kiên cố. Quân chủ lực do Lý Thường Kiệt chỉ huy, trực tiếp đóng giữ phòng tuyến quan trọng này gồm cả thuỷ binh và bộ binh.
Câu hỏi: Tại sao Lý Thường Kiệt chọn sông Như Nguyệt làm phòng tuyến chống quân xâm lược Tống?
Lý Thưòng Kiệt chọn sông Như Nguyệt làm phòng tuyến chống giặc, bởi vì:
- Sông Như Nguyệt bấy giờ khá sâu, rộng, lại là vị trí quan trọng trên đường Bắc - Nam. Đây là con sông chặn ngang tất cả các ngả đường bộ từ Quảng Tây (Trung Quốc) vào Thăng Long.
- Sông Như Nguyệt là một chiến hào tự nhiên rất khó vượt qua.
- Lực lượng chủ yếu của giặc Tống là bộ binh.
Câu hỏi: Cuộc tấn công của quân Tống vào nước ta năm 1076 với lực lượng như thế nào? Chúng đã gặp phải những tình thế bất lợi gì?
- Cuộc tấn công của quân Tống năm 1076 vào nước ta với hai đạo quân: quân bộ do Quách Quỳ chỉ huy (gồm 10 vạn bộ binh, 1 vạn ngựa chiến, 20 vạn dân phu) quân thuỷ do Hoà Mâu dẫn đầu.
- Tuy nhiên, quân Tống gặp thế bất lợi: Bị phòng tuyến Như Nguyệt chặn lại, Quách Quỳ phải đóng quân bên bờ Bắc, chờ quân thuỷ. Nhưng quân thuỷ bị quân Lý Kế Nguyên chặn đánh không thể tiến sâu vào được. Sức mạnh của quân Tống bị giám sút vì quân thuỷ và quân bộ không liên kết được với nhau.
Câu hỏi: Những nguyên nhân nào khiến tất cả các cuộc tiến công vượt sông Như Nguyệt của quân Tống đều bị quân ta đẩy lùi?
- Quân nhà Lý đã xây dựng được tuyến phòng thủ rất vững chắc dọc theo bờ Nam sông Như Nguyệt.
- Sức mạnh của quân Tống bị giảm sút vì quân thuỷ và quân bộ của chúng không liên kết được với nhau.
- Lý Thường Kiệt tài tình đã có cách đánh giặc độc đáo đẩy giặc vào thế bị động và mở cuộc tổng tiến công khi có thời cơ.
- Tương truyền, Lý Thường Kiệt đã biết cách động viên tinh thần chiến đấu của quân ta và làm khiếp đảo tinh thần quân dịch với bài thơ thần Nam quốc sơn hà.
Câu hỏi: Vì sao Quách Quỳ lại hạ lệnh cho các tướng sĩ rằng “Ai bàn đánh sẽ bị chém”?
Trước tình thế tuyệt vọng, Quách Quỳ đã hai lần liều mạng cho quân vượt sông tấn công ta. Nơi vượt sông là Bến Ngọt (Tam Giang - Yên Phong) và ghềnh Can Vang. Cả hai lần vượt sông chúng đều bị đánh bật trở lại. Quách Quỳ rơi vào tình thế tuyệt vọng hoàn toàn, tiến thoái lưỡng nan, không dám nghĩ đến chuyện vượt sông nữa, vì thế Quách Quỳ hạ lệnh “Ai bàn đánh sẽ bị chém”.
Câu hỏi: Lý Thường Kiệt đã sáng tác bài thơ thần bất hủ trong hoàn cảnh nào? Ý nghĩa của bài thơ đó.
Tương truyền, khi cuộc chiến đang diễn ra quyết liệt, Lý Thường Kiệt đã sáng tác bài thơ thần bất hủ, để khích lệ tinh thần chiến đấu của quân dân ta, đồng thời làm khiếp đảm tinh thần quân địch.
Bài thơ đã khẳng định ý chí quyết tâm đánh giặc xâm lược để báo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, là lời tuyên ngôn hùng hồn của dân tộc, khẳng định chủ quyền, bảo vệ biêm giới lãnh thổ, kẻ thù nào dám xâm phạm sẽ bị đánh tơi bời.
Câu hỏi: Tại sao khi quân ta chiến thắng nhưng Lý Thường Kiệt vẫn chủ động giảng hoà với giặc?
Khi quân ta chiến thắng nhưng Lý Thường Kiệt vẫn chủ động giảng hoà với giặc vì: Đây là một cách kết thúc chiến tranh độc đáo của Lý Thường Kiệt - không tiêu diệt toàn bộ quân thù khi chúng đã ở thế sức cùng, lực kiệt, mà kết thúc chiến tranh bằng cách giảng hoà để bảo đảm mối quan hệ bang giao hoà hiếu giữa hai nước sau chiến tranh; không làm tổn thương danh dự của nước lớn, đảm bảo một nền hoà bình lâu dài. Đó là tinh thần nhân đạo của dân tộc ta.
Câu hỏi: Em hãy nêu những nét độc đáo trong cách đánh giặc của Lý Thường Kiệt.
Những nét độc đáo trong cách đánh giặc của Lý Thường Kiệt:
- Chặn giặc ở chiến tuyến Như Nguyệt.
- Diệt thuỷ quân của giặc, đẩy giặc vào thế bị động.
- Mở cuộc tấn công khi thời cơ đến.
- Giặc thua nhưng lại giảng hoà với giặc.
Câu hỏi: Ý nghĩa của chiến thắng Như Nguyệt.
Chiến thắng Như Nguyệt là trận quyết định số phận của quân Tống xâm lược. Đây là một trong những trận đánh tuyệt vời trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc. Quân Tống buộc phải từ bỏ mộng xâm lược Đại Việt. Nền độc lập, tự chủ của đất nước được bảo vệ.
Lý Thường Kiệt, người chỉ huy trận đánh thực sự là một tướng tài. Tên tuổi của ông mãi mãi là niềm tự hào của dân tộc ta.
Câu hỏi: Em cho biết vai trò các dân tộc ít người trong cuộc kháng chiến chống xâm lược Tống.
Trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Tống, các dân tộc ít người đã đóng góp một phần quan trọng trong cuộc tiến công để tự vệ của nhà Lý: Quân bộ do các tù trưởng như Thâm Cảnh Phúc, Tông Đản chỉ huy dân binh miền núi đánh châu Ung (Quảng Tây - Trung Quốc) khi kháng chiến bùng nổ, các tù trưởng dân tộc ít người đã tập trung lực lượng cho quân mai phục những vị trí chiến lược quan trọng gần biên giới Việt - Tống. Các dân tộc ít người đã đoàn kết chiến đấu dũng cảm kiên cường dưới sự chỉ huy của Lý Thường Kiệt góp phần đánh bại kẻ thù xâm lược.
Câu hỏi: Nguyên nhân thắng lợi và ý nghĩa lịch sử của cuộc kháng chiến chống Tống xâm lược?
- Nguyên nhân thắng lợi:
+ Do ý chí độc lập tự chủ của toàn thể nhân dân Đại Việt.
+ Do sức mạnh đoàn kết to lớn của dân tộc.
+ Do biết kế thừa và phát huy truyền thống đấu tranh bất khuất của dân tộc.
+ Do công lao và tài năng của anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt trong việc sử dụng lối đánh rất độc đáo.
- Ý nghĩa lịch sử của cuộc kháng chiến chống Tống:
+ Cuộc kháng chiến thắng lợi thể hiện tinh thần chiến đấu dũng cảm kiên cường của các tầng lớp nhân dân ta trong sự nghiệp đấu tranh chống xâm lược Tống bảo vệ vững chắc nền độc lập của Tổ quốc, trong đó có đồng bào các dân tộc ít người.
+ Kháng chiến thắng lợi thể hiện tinh thần đoàn kết của nhân dân ta trên dưới một lòng, dưới sự chi huy tài giỏi của Lý Thường Kiệt. Chiến công của ông xứng đáng được sử sách dân tộc lưu mãi muôn đời.
+ Kháng chiến chống Tống thắng lợi đập tan ý chí xâm lược của giặc, buộc nhà Tống từ bỏ hoàn toàn mộng thôn tính Đại Việt. Đất nước bước vào thời kì thái bình.