1. Những thay đổi về mặt xã hộiCâu hỏi: Trong xã hội thời Lý trong xã hội có những tầng lớp cư dân nào? Đời sống của họ ra sao? - Vua quan: Bộ phận chính trong giai cấp thống trị, được hưởng nhiều đặc quyền, đặc lợi.
- Địa chủ: Quan lại, hoàng tử, công chúa, một số ít thường dân có nhiều ruộng đất.
- Nông dân: chiếm đa số. Họ là lực lượng sản xuất chủ yếu của xã hội nhưng bị bóc lột nặng nề.
- Những người làm nghề thủ công, buôn bán: Họ phải nộp thuế và làm nghĩa vụ với vua.
- Nô tì vốn là tù binh hoặc những người bị tội nặng, nợ nần hoặc bán thân, họ phải phục vụ trong cung điện hoặc các nhà quan.
2. Giáo dục và văn hoáCâu hỏi: Những sự kiện nào cho thấy giáo dục thời Lý phát triển hơn giáo dục thời Ngô, Đinh - Tiền Lê? - Năm 1070, Văn Miếu được xây dựng ở Thăng Long để thờ Khổng Tử và đây cũng là nơi dạy học cho các con vua.
- Năm 1075, nhà Lý mở khoa thi đầu tiên để tuyển chọn nhân tài.
- Năm 1076, mở Quốc tử giám cho con em quý tộc đến học.
Câu hỏi: Giáo dục thi cử thời Lý còn những hạn chế gì? - Chế độ thi cử chưa vào nền nếp, quy củ (ví dụ: khi nào Nhà nước có nhu cầu thì mới mở khoa thi).
- Chính sách hạn chế giáo dục, chỉ có con quý tộc và quan lại mới có điều kiện đi học.
Câu hỏi: Em hãy nêu vị trí của đạo Phật ở thời Lý. Đạo Phật thời Lý rất được coi trọng, hầu hết các vua thời Lý như Lý Thái Tổ, Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông đều sùng đạo Phật. Vì thế ở kinh đô cũng như các địa phương, chùa chiền được xây dựng ngày càng nhiều. Các vua nhà Lý đều trọng dụng nhà sư tham gia vào việc nước.
Câu hỏi: Vì sao Phật giáo lại đặc biệt phát triển vào thời Lý? - Sự phát triển của Phật giáo ở thời Lý là sự tiếp tục của các triều đại trước
- Lý Công Uẩn lên ngôi là do thế lực Phật giáo, đứng đầu là sư Vạn Hạnh cùng các triều thần, ủng hộ.
- Các nhà sư có học vấn uyên bác được triều đình và nhân dân rất tôn trọng.
Câu hỏi: Qua hình 26 (trang 49 SGK) “Hình rồng thời Lý”, em có nhận xét gìvề nét độc đáo của hình con rồng thời Lý? Rồng thời Lý có những nét độc đáo riêng. Rồng uốn cong nhiều vòng, uyển chuyển như một ngọn lửa. Rồng có bốn chân, mỗi chân có ba ngón cong nhọn, luôn được tạo trong khung cảnh của nước, của mây cuộn.
Câu hỏi: Hãy so sánh đời sống văn hoá, xã hội thời Lý với thời nhà Đinh - Tiền Lê. Nội dung so sánh | Nhà Lý | Nhà Đinh - Tiền Lê |
Xã hội | - Bộ máy thống trị: Vua quan, quý tộc. - Những người bị trị: Nông dân, thợ thủ công, người buôn bán, nô tì. - Nông dân là lực lượng lao động chủ yếu. | - Bộ máy thống trị: Vua, quan văn, quan võ và một số nhà sư. - Những người bị trị: Nông dân, thợ thủ công, người buôn bán nhỏ và một ít địa chủ, nô tì. - Nông dân là lực lượng lao dộng chủ yếu. |
Văn hoá | - Xây dựng Văn Miếu để thờ Khổng Tử và dạy học cho các con vua. - Tổ chức khoa thi để chọn người làm quan. - Phật giáo rất phát triển, hầu hết các vua thời Lý đều sùng Phật giáo. | - Giáo dục chưa phát triển. - Nho học vào nước ta nhưng chưa ảnh hưởng đáng kể. - Phật giáo phát triển đáng kể. Chùa chiền xây dựng nhiều nơi. |
Câu hỏi: Hãy nêu một số công trình kiến trúc, điêu khắc thời Lý.
Một số công trình kiến trúc, điêu khắc thời Lý: chùa Một Cột, tượng Phật A-di-đà (chùa Phật Tích - Bắc Ninh), tháp Báo Thiên (Hà Nội), tháp Chương Sơn (Nam Định), chuông chùa Trùng Quang (Bắc Ninh).
Câu hỏi: Em có nhận xét gì về nghệ thuật thời Lý?
Nghệ thuật thời Lý phát triển đa dạng: Các công trình kiến trúc và điêu khắc đặc sắc thể hiện trình độ, tài năng của các nghệ nhân đương thời. Ngoài ra, loại hình nghệ thuật ca hát (hát chèo) được phổ biến, nhất là trong các ngày lễ hội, người ta tổ chức múa hát, diễn lại trận đánh của Thánh Gióng, Hai Bà Trưng,... Những lời ca tiếng hát sau nhiều ngày lao động mệt nhọc có tác dụng cổ vũ rất lớn trong đời sống tinh thần của nhân dân lúc bấy giờ.
Như vậy, nghệ thuật thời Lý phát triển đa dạng, độc đáo dánh dấu sự ra đời nền văn hoá riêng biệt của dân tộc.
Câu hỏi: Hãy kể tên 9 đời vua thời Lý và cho biết ai là người trị vì lâu nhất? Ai là người trị vì ngắn nhất?
- 9 đời vua thời Lý là:
Đời vua | Thời gian |
1) Lý Thái Tổ (Lý Công Uẩn) 2) Lý Thái Tông (Lý Phật Mã) 3) Lý Thánh Tông (Lý Nhật Tôn) 4) Lý Nhân Tông (Lý Càn Đức) 5) Lý Thần Tông (Lý Dương Hoán) 6) Lý Anh Tông (Lý Thiên Tộ) 7) Lý Cao Tông (Lý Long Cán) 8) Lý Huệ Tông (Lý Hạo Sảm) 9) Lý Chiêu Hoàng (Lý Phật Kim) | 1010 - 1028 1028 - 1054 1054 - 1072 1072 - 1127 1127 - 1138 1138 - 1175 1175 - 1210 1211 - 1224 1224 - 1225 |
- Người làm vua lâu nhất: Lý Nhân Tông, trong 56 năm.
- Người làm vua ngắn nhất: Lý Chiêu Hoàng, trong 1 năm.