1. TRẮC NGHIỆM (3 điểm)
Đọc kĩ câu hỏi và tìm phương án trả lời đúng nhất.
Câu 1: Câu nào sau đây không phải là câu tục ngữ:
A. Tháng bảy kiến bò, chỉ lo lại lụt.
B. Một nắng hai sương.
C. Thứ nhất cày ải, thứ nhì vãi phân.
D. Khoai đất lạ, mạ đất quen.
Câu 2: Văn bản “Tinh thần yêu nước của nhản dân ta” được viết theo phương thức biếu đạt nào là chính?
A. Miêu tả.
B. Tự sự.
C. Biểu cảm.
D. Nghị luận.
Câu 3: Cuộc sống của Bác Hồ là cuộc sống thực sự văn minh, vì:
A. Đó là cuộc sống giản đơn.
B. Đó là cuộc sống đề cao vật chất.
C. Đó là cuộc sống phong phú, cao đẹp về tinh thần, không màng vật chất.
D. Tất cả đều đúng.
Câu 4: Nguyễn Ái Quốc đặt nhan đề cho tác phẩm của mình là “Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu” vì:
A. Tác giả tưởng tượng ra chuyến công du của Va-ren sang Việt Nam để đem tự do cho nhà cách mạng Phan Bội Châu.
B. Tất cả chỉ là cái vỏ giả dối để lừa công luận.
C. Tất cả các chặng đường hắn đi qua, hắn như một con rối, diễn những trò lố bịch.
D. Tất cả đều đúng.
Câu 5: Xác định câu in nghiêng:
Mẹ vuốt tóc tôi và nhẹ nhàng dắt tay em Thuỷ:
- Đi thôi con.
A. Là câu đặc biệt.
C. Là câu rút gọn.
B. Là câu bình thường.
D. Tất cả đều sai.
Câu 6: Những hình thức ngôn ngữ nào không được vận dụng trong truyện “sống chết mặc bay”.
A. Ngôn ngữ tự sự
B. Ngôn ngữ đối thoại
C. Ngôn ngữ độc thoại nội tâm
D. Ngôn ngữ biểu cảm
2. TỰ LUẬN (7 điểm)
Hãy giải thích ý nghĩa của câu tục ngữ:
“Thất bại là mẹ thành công”
HƯỚNG DẪN TRẢ LỜI
1. TRẮC NGHIỆM (3 điểm)
Câu | 1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 |
Đáp án | B | D | C | B | C | C |
2. TỰ LUẬN (7 điểm)
1. Mở bài (1,5 điểm):
(Đi thẳng vào điều cần giải thích)
- Câu tục ngữ có giá trị động viên, cổ vũ tinh thần những ai đã từng gặp thất bại trong cuộc sống.
2. Thân bài (4 điểm)
- Câu tục ngữ nêu rõ hai đối tượng mang ý nghĩa tương phản nhau.
- Nếu hiểu theo nghĩa đen, thì “thất bại” có nghĩa là thực hiện một việc làm, thi hành một công tác không đạt hiệu quả, không đi đến thành công, trái lại với “thành công” có nghĩa làm việc đạt kết quả tốt.
- Nói lên câu tục ngữ, người đời xưa nhằm mục đích:
+ Thứ nhất an ủi, động viên người đời thực hiện công việc chưa đạt hiệu quả.
+ Thứ nhì là sự giáo dục óc sáng tạo: từ những thảm bại ê chề, con người sẽ phát sinh sáng kiến mới nhằm khắc phục những thiếu sót, yếu kém...
- Câu tục ngữ chẳng những tổng kết một kinh nghiệm mà còn là một lời khuyên, một lời khích lệ.
3. Kết bài (1,5 điểm)
- Ý nghĩa giáo dục của vấn đề.
- Suy nghĩ.
Bài làm tham khảo
“Người vấp ngã và đứng dậy, mạnh mẽ hơn rất nhiều người chưa bao giờ vấp ngã” đó là chân lý ngàn đời không bao giờ thay đổi. Trong cuộc sống, ai ai cũng ít nhất một lần vấp ngã. Song có người nhanh chóng đứng lên sau cái ngã ấy, cũng có người ngã quỵ đầu hàng than thở về sự thất bại của mình. Cùng với những suy nghĩ đó, ông cha ta cũng có câu: “Thất bại là mẹ thành công”.
Thất bại và thành công là hai khái niệm đối lập nhau. Những kẻ thất bại sẽ không thành công và ngược lại. Nhưng câu tục ngữ dường như có ý nghĩa khác. Thất bại là mẹ thành công? Liệu rằng có thể như thế được không?.
Chúng ta luôn ấp ủ những ước mơ và không ngừng phấn đấu để đạt được nó. Tuy nhiên, con đường đi đến thành công không bao giờ bằng phẳng như bạn nghĩ. Đó là những trở ngại buộc chúng ta phải vượt qua, dù có thể ngã gục, mất hết ý chí nhưng đó chưa phải là kết quả cuối cùng. Nếu như ta biết đứng dậy, biết đấu tranh để vượt qua mọi khó khăn thì thành công sẽ mỉm cười chờ đợi bạn.
Chính những thất bại, cho ta một bài học kinh nghiệm quý báu giúp cho ta bình tĩnh trước mọi khó khăn, không để bản thân bị cám dỗ và vấp ngã lần nữa. Thậm chí thất bại sẽ cho ta bài học xương máu quý trọng và tận dụng mọi thứ một cách hài hoà và hợp lý. Thực tế chứng minh rằng người biết đứng dậy sau vấp ngã sẽ có nhiều bản lĩnh và nghị lực, không ngần ngại đánh đổi, không ngần ngại vất vả, khó khăn vẫn hướng tới mục tiêu để phấn đấu.
Khi đã vượt qua được những trở ngại đó, chúng ta hái quả “thành công” mới cảm thấy có ý nghĩa và thực sự hạnh phúc khi có được nó. Đã bao giờ bạn tự hỏi thành công là gì?, nó có xa xôi không mà bao kẻ theo đuổi. Theo tôi thành công đơn giản là nấu được cho cha mẹ ăn những món ăn ngon, học thuộc bài, làm bài xong để đến lớp….
Sau mỗi mùa thi đại học, có bao “sĩ tử” buồn rầu khi biết mình trở thành “tử sĩ”. Hai bảy điểm, cao thật đấy. Nhưng cao mà làm gì khi nhiệm vụ một lấy tới hai bảy phẩy năm? . Đó thật ra không phải là thất bại, chỉ là khi thành công – bị – trì – hoãn mà thôi. Cuộc sống vẫn chào đón ta với nhiệm vụ hai, nhiệm vụ ba. Quan trọng là ta đã nỗ lực hết sức để khẳng định mình. Đó là ý nghĩa vẹn nguyên của các kỳ thi, và cũng là bản chất của thành công.
Thất bại là cơ sở, là người mẹ để sản sinh ra thành công bởi lẽ không phải bất cứ công việc gì khi bắt tay vào làm cũng thu hái được thành công ngay mà phải trải qua những lần thất bại nhất định. Mỗi lần gặp thất bại là một lần để ta tìm hiểu nguyên nhân. Tìm ra được hướng khắc phục hữu hiệu hơn cho việc thực hiện những lần sau.
Trong cuộc sống không thắng lợi nào mà không gặp những khó khăn, thử thách, không một thành công nào mà không phải bước qua chông gai. Cái chính là mỗi chúng ta có kiên trì, nhẫn nại và quyết tâm vượt qua nó được hay không ?. Nhà thơ Tố Hữu cũng từng nói rằng: “Ai chiến thắng mà không hề chiến bại, ai nên khôn mà không dại đôi lần”. Cho nên đừng vì một vài thất bại trước mắt mà làm trở ngại ta bước đến sự thành công.
Vậy xin chớ lo thất bại. Điều đáng sợ hơn là chúng ta bỏ qua nhiều cơ hội chỉ vì không cố gắng hết mình. Lời khuyên đó giúp ta vững vàng trong cuộc sống. Chúng ta cần phải rèn luyện ý chí, sự kiên trì ngay từ khi còn nhỏ, cả những việc bình thường trong cuộc sống.