1. TRẮC NGHIỆM (3 điểm)
“Lịch sử đã có nhiều cuộc kháng chiến vĩ đại chứng tỏ tinh thần yêu nước của dân ta. Chúng ta có quyền tự hào vì những trang lịch sử vẻ vang thời đại Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung,... Chúng ta phải ghi nhớ công lao của các vị anh hùng dân tộc, vì các vị ấy là tiêu biểu của một dân tộc anh hùng”.
Câu 1: Đoạn văn trên được trích từ văn bản nào?
A. Sự giàu đẹp của tiếng Việt.
B. Tinh thần yêu nước của nhân dân ta.
C. Đức tính giản dị của Bác Hồ.
D. Ý nghĩa văn chương.
Câu 2: Đoạn văn trên sử dụng biện pháp tu từ nào?
A. So sánh.
B. Ẩn dụ.
C. Liệt kê.
D. Hoán dụ.
Câu 3: Dấu chấm lửng trong đoạn văn trên được dùng để:
A. Còn nhiều sự vật, hiện tượng tương tự chưa liệt kê hết.
B. Thể hiện chỗ lời nói bỏ dở hay ngập ngừng ngắt quãng.
C. Làm giảm nhịp điệu câu văn.
D. Chuẩn bị sự xuất hiện của một từ ngữ biểu thị nội dung bất ngờ.
Câu 4: Dòng nào sau đây thể hiện rõ luận điểm của đoạn văn trên?
A. Chúng ta phải ghi nhớ công lao của các vị anh hùng dân tộc, vì các vị ấy là tiêu biểu của một dân tộc anh hùng.
B. Chúng ta có quyền tự hào vì những trang lịch sử vẻ vang của thời đại Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung,...
C. Lịch sử đã có nhiều cuộc kháng chiến vĩ đại chứng tỏ tinh thần yêu nước của dân tộc ta.
D. A và B đúng.
Câu 5: Câu “Chúng ta có quyền tự hào vì những trang lịch sử vẻ vang của thời đại Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung” có vai trò là:
A. Luận điểm
B. Luận chứng
C. Luận cứ
D. Cả 3 đều đúng.
Câu 6: Nội dung của đoạn văn trên đề cập đến tinh thần yêu nước của nhân dân ta:
A. Trong quá khứ.
B. Trong cuộc kháng chiến chống các thế lực phong kiến phương Bắc.
C. Trong cuộc kháng chiến của nhân dân miền Bắc.
D. Trong cuộc kháng chiến của bộ đội trên khắp các chiến trường.
2. TỰ LUẬN (7 điểm)
Em hãy giải thích nội dung lời khuyên của Lê-Nin “Học, học nữa, học mãi”.
HƯỚNG DẪN TRẢ LỜI
1. TRẮC NGHIỆM (3 điểm) (Mỗi câu trả lời đúng 0,5 điểm).
Câu | 1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 |
Đáp án | B | C | A | C | C | A |
2. TỰ LUẬN (7 điểm)
1. Mở bài
- Dẫn vào phong trào học tập hiện nay.
- Giới thiệu câu nói của Lê-nin “Học, học nữa, học mãi”.
2. Thân bài: Giải thích ý nghĩa lời khuyên của Lê-nin.
- Học nữa: Học thêm, nâng cao để bổ sung vào những điều đã học.
- Học mãi: Học không ngừng, học suốt đời.
- Vì sao phải không ngừng học tập?
+ Kiến thức ở trường chỉ là cơ bản. Muốn hoàn thành tốt công việc phải học mở rộng, nâng cao để có kiến thức sâu rộng hơn.
+ Tri thức của nhân loại là vô hạn mà hiểu biết của con người là nhỏ bé. Để thỏa mãn sự ham hiểu biết, làm cho trí tuệ phong phú, con người phải không ngừng học tập.
+ Xã hội phát triển khoa học kĩ thuật,... ngày một phát triển. Không học sẽ lạc hậu, sẽ ảnh hưởng đến đời sống bản thân sau này.
- Làm thế nào để thực hiện lời khuyên của Lê-nin?
+ Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường phải nắm vững kiến thức cơ bản để có cơ sở học nâng cao.
+ Áp dụng kiến thức đã học vào cuộc sống “Học phải đi đôi với hành”.
3. Kết luận
- Lời khuyên của Lê-nin mang một giá trị to lớn, khích lệ chúng ta rất nhiều trên con đường học tập.
- Mỗi chúng ta hãy coi học tập là niềm vui, hạnh phúc của đời mình.
* Biểu điểm:
- Mở bài: 0,5 điểm.
- Thân bài: 5 điểm
- Kết bài: 0,5 điểm
- 1 điểm dành cho bài viết sạch sẽ, chữ viết rõ ràng, đẹp.
Bài làm tham khảo
Từ thực tế cuộc sống, con người đã đúc kết được vô vàn kinh nghiệm thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Những kinh nghiệm đó được lưu truyền từ đời này sang đời khác qua các hình thức truyền miệng hay sách vở. Muốn tiếp thu được kho tàng kiến thức phong phú, đa dạng của người xưa để lại, chỉ có một con đường duy nhất là học tập. Biển học vô bờ, cho nên chúng ta phải học tập suốt đời để không ngừng bồi bổ, nâng cao kiến thức cho kịp với sự phát triển nhanh chóng của khoa học kĩ thuật trong thời đại ngày nay.
Lê-nin - vị lãnh tụ vĩ đại của phong trào Cách mạng vô sản Nga đầu thế kỉ XX đã có lời khuyên thật sáng suốt cho mọi người: Học, Học nữa, Học mãi! Qua lời khuyên này, Lê-nin khẳng định tầm quan trọng lớn lao của việc học tập và nhấn mạnh rằng việc học tập phải được duy trì suốt đời.
Bên cạnh quyền được sống tự do, con người còn có quyền được ăn no, mặc ấm và được học hành. Học tập vừa là nghĩa vụ, vừa là quyền lợi. Việc học tập tạo nên giá trị tinh thần và mang lại những hiệu quả vật chất lớn lao. Phải trải qua một quá trình học tập lâu dài và gian khổ thì con người mới trở nên hoàn thiện.
Tại sao chúng ta phải học? Câu hỏi thật đơn giản: Có học thì mới tiếp thu được tri thức và có tri thức chúng ta mới làm tốt được mọi việc. Thực tế cho thấy trình độ văn hóa rất quan trọng. Ví dụ như cùng đứng trước một công việc hay một vấn đề nào đó thì người có trình độ cao hơn sẽ có cách giải quyết nhanh chóng và hợp lí hơn. Cho nên, muốn mọi việc đạt được hiệu quả tốt, bắt buộc chúng ta phải học. Lí thuyết sẽ soi sáng thực tế, giúp ta tiết kiệm công sức, rút ngắn được thời gian mò mẫn, thử nghiệm. Tất nhiên, khi đó chất lượng công việc cũng sẽ được nâng lên.
Trong thời đại khoa học kĩ thuật phát triển mạnh mẽ như hiện nay thì việc học tập lại vô cùng quan trọng. Nếu dễ dàng thỏa mãn với những gì đã có thì điều đó chứng tỏ rằng ta đã lạc hậu, không đáp ứng được yêu cầu của xã hội. Quy luật cuộc sống là tiến về phía trước. Nó sẽ đào thải tất cả những cái thấp kém, lỗi thời và có như vậy thì cuộc sống của nhân loại mới ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Học, Học nữa, Học mãi ! Học trong sách vở, học ngoài cuộc đời. Học để làm giàu tri thức và vốn sống thực tế. Việc học không bị hạn chế bởi tuổi tác và hoàn cảnh mà tùy thuộc vào ý thức của mỗi người. Ông Giám đốc một cơ quan, xí nghiệp nào đó muốn điều hành và quản lí tốt mọi hoạt động của đơn vị mình thì phải học. Người công nhân muốn nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm cũng phải thường xuyên học hỏi, rút kinh nghiệm. Nông dân muốn đỡ vất vả trong công việc trồng trọt, chăn nuôi và tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống thì đương nhiên cũng phải học tập khoa học kĩ thuật và áp dụng nó vài thực tế. Muốn có một công tình nghiên cứu hay một phát minh nào đó, nhà khoa học phải học tập và làm việc trong một thời gian dài ba năm, năm năm, mười năm, có khi cả đời người... Và khi phát minh ấy có kết quả thì nó sẽ đem lại lợi ích lớn lao cho cả nhân loại.
Xung quanh chúng ta có biết bao tấm gương kiên trì học tập và đã thành công. Tri thức do học tập đem lại là chiếc chìa khóa vàng để chúng ta mở được mọi cánh cửa của cuộc đời.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng có lời khuyên sáng suốt rút ra từ thực tế cuộc sống cách mạng sôi động và phong phú của Người: Học ở trường, Học trong sách vở, Học lẫn nhau và học ở dân. Ngoài trường học còn có trường đời. Nếu có ý chí, có quyết tâm và khiêm tốn, chuyên cần học hỏi, chúng ta sẽ thành công.
Việc học có tầm quan trọng rất lớn, nó quyết định sự thành công hay thất bại của một con người. Tuy vậy, hiện nay vẫn có một số người coi thường việc học với suy nghĩ thiển cận là không cần học cũng kiếm ra tiền, vẫn sống. Họ không biết rằng thất học là sự thiệt thòi, là nỗi bất hạnh của con người và nếu dân trí thấp thì đất nước khó có thế phát triển về mọi mặt.
Thấu hiểu ý nghĩa sâu sắc trong lời khuyên của Lê-nin, tuổi trẻ cần phải cố gắng học tập để nâng cao hiểu biết, hoàn thiện bản thân. Học và học không ngừng, như vậy chúng ta mới có thể trở thành người có đủ khả năng đáp ứng nhu cầu của thời đại, xứng đáng là chủ nhân của đất nước giàu đẹp trong tương lai.