1. TRẮC NGHIỆM (3 điểm)
Chọn câu trả lời đúng nhất.
“Đêm đã về khuya. Xa xa bờ bèn kia Thiên Mụ hiện ra mờ ảo, ngọn tháp Phước Duyên dát ánh trăng vàng. Sóng vỗ ru mạn thuyền rồi gợn vô hồi xa mãi cùng những tiếng đàn réo rắt du dương. Đấy là lúc các ca nhi cất lên khúc điệu Nam nghe buồn man mác, thương cảm, bi ai, vương vấn như nam ai, nam bình, quả phụ, nam xuân, tương tư khúc, hành vân. Cũng có bản nhạc mang âm hưởng điệu Bắc pha phách điệu Nam không vui, không buồn như tứ đại cảnh. Thể điệu ca Huế có sôi nổi, tươi vui, có buồn cảm, bâng khuâng, có tiếc thương ai oán... Lời ca thong thả, trang trọng, trong sáng gợi lên tình người, tình đất nước, trai hiền, gái lịch.
Nghe tiếng gà gáy bên làng Thọ Cương, cùng tiếng chuông chùa Thiên Mụ gọi năm canh, mà trong khoang thuyền vẫn đầy ắp lời ca tiếng nhạc”.
Câu 1: Tác giả của đoạn văn trên là ai?
A. Võ Quảng.
B. Minh Hương.
C. Hà Ánh Minh.
D. Nguyễn Tuân.
Câu 2: Đoạn văn trên trích từ tác phẩm nào?
A. Ý nghĩa văn chương.
B. Sài Gòn tôi yêu.
C. Ca Huế trên sông Hương.
D. Sống chết mặc bay.
Câu 3: Thời gian được miêu tả trong đoạn văn là khi nào?
A. Sáng.
B. Trưa.
C. Chiều.
D. Đêm khuya.
Câu 4: Trong câu văn sau, tác giả sử dụng phép tu từ nào?
“Thể điệu ca Huế có sôi nổi, tươi vui, có buồn cảm, bâng khuâng, có tiếc thương ai oán...”
A. Chơi chữ.
B. Nhân hoá.
C. Hoán dụ.
D. Liệt kê.
Câu 5: Trong đoạn văn trên, tác giả kể bao nhiêu làn điệu dân ca Huế?
A. 7.
B. 6.
C. 5.
D. 4.
Câu 6: Nếu viết “xa xa bờ bên kia Thiên Mụ” câu văn mắc lỗi nào?
A. Thiếu trạng ngữ.
B. Thiếu chủ ngữ.
C. Thiếu chủ ngữ, vị ngữ.
D. Thiếu vị ngữ.
2. TỰ LUẬN (7 điểm)
Em hãy chứng minh ca dao dân ca là tiếng nói tình cảm của con người Việt Nam.
HƯỚNG DẪN TRẢ LỜI
1. TRẮC NGHIỆM (3 điểm)
Câu | 1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 |
Đáp án | C | C | D | D | A | C |
2. TỰ LUẬN (7 điểm)
1. Mở bài (1,5 điểm)
- Giới thiệu được vấn đề cần chứng minh.
- Giới hạn của đề.
2. Thân bài (3 điểm)
- Nêu được các luận điểm.
Luận điểm 1: Ca dao dân ca là tiếng nói của tình cảm, của gia đình (1 điểm).
Luận điểm 2: Ca dao dân ca là tiếng nói của tình cảm bạn bè, thầy cô (1 điểm).
Luận điểm 3: Ca dao dân ca là tiếng nói của tình cảm quê hương, đất nước (1 điểm).
3. Kết luận (1,5 điểm):
- Khẳng định vấn đề.
- Cảm nghĩ.
* 1 điểm về hình thức: Chữ viết đẹp, sạch sẽ, viết đúng thể loại, bố cục. Các luận điểm phải rõ ràng, không sai phạm lớn về từ, câu.
Bài làm tham khảo
Ca dao, dân ca thực sự là tiếng nói tình cảm của con người Việt Nam. Qua ca dao, ta thấy được tình cảm yêu thương, gắn bó của người xưa trong cuộc sống. Tình cảm đó thể hiện rõ trong ca dao trữ tình rất phong phú, trong sáng, sâu sắc và chân tình.
Trước hết, ta hãy nói đến tình yêu quê hương đất nước của nhân dân ta. Đây là một tình cảm thiêng liêng, mặn mà, sâu sắc của người lao động đối với Tổ quốc. Quê hương đất nước Việt Nam gắn liền với con người Việt Nam. Chẳng biết từ bao giờ, thiên nhiên và cuộc sống con người đã hài hòa làm một:
Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương
Mịt mù khói tỏa ngàn sương
Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ
Không gian trời đất lắng trải giữa một buổi sáng êm đềm. Những cành trúc la đà trước gió, một tiếng chuông hay một tiếng gà những tưởng như chìm sâu vào cảnh tĩnh mịch đó. Thế nhưng, trong “mịt mù khói tỏa ngàn sương” ấy, cuộc sống thực sự bắt đầu sôi động và lan tỏa như mặt nước Hồ Tây. Trên đường về quê Bác, câu hò xưa lại vẳng vào tâm trí chúng ta:
Đường vô xứ Nghệ quanh quanh
Non xanh nước biếc như tranh họa đồ
Từ tình yêu quê hương trong cảnh trí, ca dao Việt Nam còn ca ngợi những con người xây dựng và làm chủ quê hương ấy. Tình cảm đồng bào trong ca dao Việt Nam rộng lớn vô cùng:
Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước phải thương nhau cùng
hay:
Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn
Tình cảm của người dân Việt Nam mộc mạc như giàn bí, giàn bầu, nhưng lại thiêng liêng cao cả như “nhiễu diều phủ lấy giá gương”. Tình cảm “nhớ” trong ca dao Việt Nam gắn chặt với những gì rất cụ thể. Đây là tiếng lòng thổn thức của trái tim ai đó khi phải đi xa tổ ấm.
Anh đi anh nhớ quê nhà
Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương
Nhớ ai dãi nắng dầm sương
Nhớ ai tát nước bên đường hôm nao
Tình bè bạn của người lao động Việt Nam chí có thể sánh với vầng trăng tròn dịu hiền, với bầu trời cao mênh mông, xanh thẳm:
Bạn về có nhớ ta chăng
Ta về nhớ bạn như trăng nhớ trời
Đứng trước tình cảm làm cha làm mẹ, những thi sĩ quần chúng đã gửi vào gan ruột chúng ta những vần điệu tha thiết:
Nuôi con cho được vuông tròn
Mẹ thầy dầu dãi xương mòn gối cong
Con ơi cho trọn hiếu trung
Thảo ngay một dạ kẻo uổng công mẹ thầy
Thật vô cùng cảm động trước sự mong ước đơn sơ, nhưng chính đáng và sâu sắc của những trái tim làm mẹ, làm cha.
Cuộc sống có thể hết sức vất vả, nhưng tình vợ chồng của người dân vẫn keo sơn:
Râu tôm nấu với ruột bầu
Chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon
Tình yêu chân chính là cội nguồn của sự thủy chung không gì lay chuyển được:
Chồng ta áo rách ta thương
Chồng người áo gấm xông hương mặc người
Tình cảm nam nữ trong tiếng hát của người dân Việt cũng là một tình cảm lành mạnh, trong sáng và dạt dào:
Đôi ta như lửa mới nhen
Như trăng mới mọc như đèn mới khêu
“Lửa mới nhen” nhất định sẽ bùng lên ngọn lửa, trăng mới mọc sẽ còn lên cao, sáng tỏ, “đèn mới khêu” thì nguồn sáng mới bắt đầu. Tất cả những tình cảm lành mạnh ấy đều được “nhắn nhe” từ buổi gặp gỡ ban đầu:
Đường xa thì thật là xa
Mượn mình làm mối cho ta một người
Một người mười chín đôi mươi
Một người vừa đẹp vừa tươi như mình
Ca dao dân ca là tiếng nói tâm tư, tình cảm sâu sắc, mộc mạc mà chân tình thể hiện tình yêu quê hương, đất nước, con người Việt Nam. Những tinh tuý ấy còn được truyền lại đến hôm nay là sự chắt lọc của muôn vàn khó khăn, gian khổ, hi sinh… để cho con cháu đời sau ghi nhớ và noi theo truyền thống đạo hiếu muôn đời.