I. TRẮC NGHIỆM (5 điểm)
Đọc kĩ đoạn văn và trả lời các câu hỏi dưới đây:
“…Tôi dậy từ canh tư. Còn tối đất, cố đi mãi trên đá đầu sư, ra thấu đầu mũi đảo. Và ngồi đó rình mặt trời lên. Điều tôi dự đoán, thật là không sai. Sau trận bão, chân trời, ngấn bể sạch như tấm kính lau hết mây hết bụi. Mặt trời nhú lên dần dần, rồi lên cho kì hết. Tròn trĩnh phúc hậu như lòng đỏ một quả trứng thiên nhiên đầy đặn. Quả trứng hồng hào thăm thẳm và đường bệ đặt lên một mâm bạc đường kính mâm rộng bằng cả một cái chân trời màu ngọc trai nước biển hửng hồng. Y như một mâm lễ phẩm tiến ra từ trong bình minh để mừng cho sự trường thọ của tất cả những người chài lưới trên muôn thuở biển Đông”.
(Cô Tô, Ngữ văn 6, tập 1)
Câu 1: Đoạn văn trên được viết theo phương thức biểu đạt nào?
A. Biểu cảm
B. Tự sự
C. Miêu tả
D. Nghị luận
Câu 2: Đoạn văn trên trình bày theo thứ tự nào?
A. Theo kết quả trước, nguyên nhân sau.
B. Theo thứ tự không gian, thời gian.
C. Theo vị trí từ xa đến gần.
D. Không theo thứ tự nào.
Câu 3: Biện pháp nghệ thuật được sử dụng nhiều nhất trong đoạn văn trên là:
A. So sánh
B. Hoán dụ
C. Ẩn dụ
D. Điệp từ
Câu 4: Từ nào không phải là từ thuần Việt trong các từ sau?
A. Tròn trĩnh
B. Bình minh
C. Thiên nhiên
D. Trường thọ
Câu 5: Nội dung chính của đoạn văn trên là:
A. Cảnh thiên nhiên Cô Tô sau cơn bão.
B. Cảnh mặt trời mọc ở đồng bằng.
C. Cảnh sinh hoạt của người dân Cô Tô.
D. Cảnh mặt trời mọc trên biển đảo Cô Tô.
Câu 6: Thành phần vị ngữ của câu: “Sau trận bão, chân trời, ngấn bể sạch như một tấm kính lau hết mây hết bụi” có cấu tạo là:
A. Cụm danh từ
B. Cụm động từ
C. Cụm tính từ
D. Danh từ
Câu 7: Nhận định nào sau đây nói đúng về thể loại kí?
A. Kí chủ yếu sử dụng phương thức miêu tả, tự sự, nhưng cũng có thể biểu cảm, thuyết minh và nghị luận.
B. Kí thường có các yếu tố: nhân vật, cốt truyện, lời kể.
C. Câu chuyện, các sự kiện và nhân vật trong truyện do tác giả tưởng tượng, sáng tạo ra, không có thực.
D. Kí chỉ sử dụng phương thức miêu tả và tự sự.
Câu 8: Văn bản “Cô Tô” được viết trong hoàn cảnh nào?
A. Được nghe người bạn kể và ghi chép lại.
B. Một lần tác giả ra thăm 17 hòn đảo xanh ở vịnh Bắc Bộ.
C. Tác giả ngồi trên biển và tưởng tượng về Cô Tô.
D. Tác giả nhìn thấy hình ảnh Cô Tô qua tivi và ghi chép lại bằng trí tưởng tượng.
Câu 9: Đoạn văn trên ngoài miêu tả cảnh còn thể hiện điều gì?
A. Thế hiện tình cảm yêu mến của tác giả dành cho Cô Tô.
B. Thể hiện sức sống mãnh liệt của người dân chài lưới.
C. Thể hiện sự yêu mến của nhân dân Cô Tô đối với quê hương mình.
D. Tất cả các ý trên đều đúng.
Câu 10: Đoạn văn trên có mấy câu?
A. 7
B. 8
C. 9
D. 10
II. TỰ LUẬN (5 điểm)
Dựa vào bài thơ “Lượm” hãy viết bài văn miêu tả kể lại chuyến đi liên lạc lần cuối cùng và sự hi sinh của Lượm.
HƯỚNG DẪN TRẢ LỜI
I. TRẮC NGHIỆM (5 điểm)
Câu | 1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 |
Đáp án | C | B | A | D | D | C | A | B | A | C |
II. TỰ LUẬN (5 điểm)
1. Hình thức: (1 điểm)
- Bài văn đầy đủ 3 phần: Mở bài, thân bài, kết bài
- Bài văn kết hợp hài hoà các yếu tố: miêu tả, tự sự
- Không sai chính tả, dùng từ, lời văn hợp lí, diễn đạt trôi chảy
- Liên kết đoạn, câu logic, chặt chẽ
- Trình bày sạch sẽ, rõ ràng
2. Nội dung (4 điểm)
– Lí do Lượm đi công tác ….
– Lượm yêu thích công việc và hăm hở lên đường…
– Hình ảnh Lượm hiện lên qua các chi tiết:
+ Hình dáng.
+ Cử chỉ.
+ Điệu bộ.
– Hình ảnh Lượm hi sinh trên cánh đồng lúa thơm mùi sữa.
– Hình ảnh Lượm sống mãi…
Bài làm tham khảo
Trong cuộc kháng chiến trường kì, gian khổ của dân tộc ta chống quân xâm lược, có rất nhiều trường hợp hi sinh. Trong số đó, sự hi sinh của chú bé Lượm là hình ảnh dũng cảm và đau thương nhất.
Ngày ấy, khi giặc Pháp đánh đến Huế, Lượm là một chú bé loắt choắt, đeo cái xắc bé xíu. Đặc biệt, thích đội nghiêng chiếc mũ ca lô trên đầu, vừa huýt sáo, vừa nhảy chân sáo trên đường, nom hệt như một chú chim chích. Lượm làm liên lạc cho các anh cán bộ ở Mang Cá. Rất nhiều lần cậu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Nhưng trong lần cuối cùng đưa liên lạc để về chiến khu mới, cậu đã ra đi mãi mãi. Chuyện là thế này:
Bộ đội ta đã chuẩn bị một cuộc hành quân đánh vào cơ quan đầu não của địch, các chú trong ban chỉ huy địa phương họp khẩn để đề ra phương án tác chiến. Sau nhiều giờ căng thẳng, cuộc họp đã hoàn tất, phương án chiến đấu đã được thống nhất, cần phải đưa gấp về trên xin chỉ thị. Như mọi lần công văn lại được giao cho đồng chí Lượm. Khác với mọi lần trước, lần này địch cũng đánh hơi được sự chuẩn bị của ta nên cho canh phòng cẩn mật, các cơ sở liên tục bị phục kích đánh phá. Trên đường đi liên lạc lại phải băng qua đồn dịch, rất nguy hiểm. Nhưng vì công văn "thượng khẩn" nên Lượm không ngần ngại bỏ thư vào xắc, đội mũ ca lô sẵn sàng. Mặc bom, mặc đạn, cứ thế Lượm chạy vụt đi, mà không biết rằng hiểm nguy đang chực chờ phía trước.
Từ xa, mọi người vẫn trông thấy cái mũ ca lô nhấp nhô trên đồng lúa như thể vừa đi vừa nhảy, vừa huýt sáo của Lượm. Bỗng từ phía đồn dịch một chớp đỏ lóe lên, rồi một tiếng nổ “đoòng” vọng lại. Cái mũ ca lô biến mất, Lượm ngã xuống, máu đỏ thấm ướt ngực, nét mặt thanh thản như là đang ngủ. Một tay nắm chặt bức thư như hình ảnh một chiến sĩ quyết tâm bảo vệ đến cùng nền độc lập của dân tộc. Tay kia nắm chặt bụi lúa bên đường. Đồng lúa đang trổ đòng đòng, hương thơm ngào ngạt như ôm ấp cho Lượm say giấc. Lượm đã hi sinh anh dũng. Cái chết của Lượm như một lời thúc dục nhân dân ta quyết tâm chiến đấu, giành lấy độc lập tự do.
Lượm ra đi mãi mãi nhưng đã để lại trong tâm trí lớp lớp các chiến sĩ trẻ về một gương anh hùng nhỏ tuổi gan dạ, “vì nước quên thân” cho hoà bình của Tổ quốc thân yêu.