ĐỀ THI
1. Tìm 2 câu tục ngữ, thành ngữ hoặc ca dao có nghĩa tương tự như câu ca dao sau:
Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước thì thương nhau cùng
2. Từ mỗi tiếng cho trước dưới đây, hãy tạo thành 2 từ láy chỉ màu sắc, 2 từ ghép có nghĩa phân loại: xanh, đỏ, vàng.
3. Điền các dấu câu đã học (dấu phẩy, dấu chấm, dấu hai chấm, dấu chấm hỏi, dấu chấm cảm, dấu gạch ngang) vào đoạn văn sau và viết hoa chữ cái đầu câu cho đúng ngữ pháp:
Ông bố đã dắt con đến gặp thầy giáo để xin học, thầy cứ lắc đầu chê Lu-i còn bé quá thầy Rơ-nê đã già mái tóc ngã màu xám da nhăn nheo người hơi gầy và cao thầy hỏi.
Cháu tên gì?
Thưa thầy con là Lu-i Pa-xtơ ạ
Đã muốn đi học chưa hay còn thích đi chơi
Thưa thầy con thích đi học ạ
4. a) Có thể viết các câu như sau đây được không? Vì sao?
- Bạn Lan đang đi xe cộ
- Bố em đang trồng cây cối
- Mẹ em đang cấy cày dưới ruộng
- Bác nông dân đang cày ruộng nương
b) Em hãy sửa lại cho đúng ý nghĩa của câu
5. Trong bài thơ Vườn của nhà thơ Trần Đăng Khoa có đoạn viết:
Vườn em có một luống khoai
Có hàng chuối mật với hai luống cà
Em trồng thêm một cây na
Lá xanh vẫy gió như là gọi chim
Trong đoạn thơ trên em thích nhất hình ảnh nào? Vì sao em thích?
6. Kể về một câu chuyện nói về sự giúp đỡ của em đối với người khác và bộc lộ suy nghĩ của mình (bài viết khoảng 12 - 15 dòng).
------------------------------------
ĐÁP ÁN
1. - Lá lành đùm lá rách
- Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn
2. Từ các từ gốc, tạo thành các từ láy chỉ màu sắc và các từ ghép có nghĩa phân loại:
* Xanh:
- xanh xanh, xanh xao
- xanh thẩm, xanh tươi
* Đỏ:
- đo đỏ, đỏ đắn
- đỏ chói, đỏ rực
* Vàng:
- vàng vàng, vàng vọt
- vàng úa, vàng tươi
3. Đoạn văn đã được điền dấu câu như sau:
Ông bố đã dắt con đến gặp thầy giáo để xin học, thầy cứ lắc đầu chê Lu-i còn bé quá. Thầy Rơ-nê đã già, mái tóc ngã màu xầm, da nhãn nheo, người hơi gầy và cao. Thầy hỏi:
- Cháu tên gì?
Ông Giô- dép không đáp, liếc mắt nhìn Lu- i, có ý bảo Lu- i trả lời:
- Thưa thầy, con là Lu-i Pa-xtơ ạ!
- Đã muốn đi học chưa hay còn thích đi, chơi?
- Thưa thầy con thích đi học ạ!
4. a) Em không thể viết các câu như đã cho trong đề bài. Bởi vì, các từ như xe cộ, cây cối, cấy cày, ruộng nương đều có nghĩa khái quát, không kết hợp được với các động từ mang nghĩa cụ thể ở trước nó.
b) Sửa lại:
- Bạn Lan đang đi xe
- Bố em đang trồng cây
- Mẹ em đang cấy dưới ruộng
- Bác nông dân đang cày ruộng
5. Học sinh thích hình ảnh nào là tùy thuộc vào sở thích riêng, cảm nhận riêng của mỗi em. Nhưng có thể nói hình ảnh gây ấn tượng mạnh cho người đọc là hình ảnh: Lá xanh vẫy gió như là gọi chim. Bằng cách nhận hóa và so sánh, nhà thơ đã tạo nên hình ảnh rất sinh động trong vườn nhà.
6. Gợi ý
- Bài viết có độ dài khoảng 30 dòng viết theo thể loại văn kể chuyện. Nội dung bám sát yêu cầu của đề bài.
- Nêu rõ sự việc giúp đỡ của em đối với người khác thông qua các hành động cụ thể, sinh động, diễn biến hợp lí.
- Bộc lộ được cảm nghĩ của bản thân qua sự việc đã làm.
- Bài viết phải đảm bảo được các yêu cầu: diễn đạt rõ ý, dùng từ, đặt câu đúng ngữ pháp, viết đúng chính tả, trình bày sạch sẽ.
Bài tham khảo
Vào một buổi sáng mùa đông, bầu trời u ám vì cơn mưa cứ rả rích kéo dài. Em rảo bước trên con đường. Bỗng em nhìn thấy một cụ già đang xách một giỏ rau quả nặng, cụ đứng ở bên vệ đường, khuôn mặt thoáng vẻ lo âu.
Em dừng lại hỏi cụ:
- Bà ơi! Sao bà lại đứng ở đây? Bà mang giỏ nặng lắm phải không? Bà cụ tần ngần
đáp:
- Ừ! Bà đi chợ bán rau quả nhưng giỏ xách nặng lắm, đường trơn quá, bà phải đứng nghỉ tay.
Nhìn bà cụ, em cảm thấy ái ngại, rồi em vội vàng đỡ lấy giỏ xách của cụ, tay kia em cầm lấy tay cụ và thưa:
- Bà ơi! Để cháu giúp bà một tay nhé! Cháu sẽ mang hộ giỏ xách cho bà đến ngõ chợ, đường đến trường học của cháu cũng đi qua ngõ chợ đấy ạ!
Nét mặt bà cụ vui vẻ hẳn lên và đưa cho em giỏ xách. Em sánh bước đi cùng cụ, vừa đi vừa trò chuyện vui vẻ. Thỉnh thoảng, em dừng lại để đợi cụ đi qua những đoạn đường trơn. Mãi trò chuyện cùng cụ, em đã quên đi sự nặng nề trên đôi tay bé bỏng của mình. Hai bà cháu đã đến ngõ chợ. Em trao lại giỏ xách cho bà cụ rồi tiếp tục đi học.
Em chào cụ. Vừa đi vừa cảm thấy vui vui vì đã biết giúp người già cả. Bất chợt, em khẽ cất lên tiếng hát trên con đường tới lớp.