PHẦN I: ĐỌC HIỂU (3 điểm)
Đọc bài thơ sau và thực hiện các yêu cầu:
Làng ta ở tận làng ta
Mấy năm một bận con xa về làng
Gốc cây, hòn đá cũ càng
Trâu bò đủng đỉnh như ngàn năm nay.
Cha ta cầm cuốc trên tay
Nhà ta xơ xác hơn ngày xa xưa
Lưng còng bạc nắng thâm mưa
Bụng nhân lép kẹp như chưa có gì.
Không răng.., cha vẫn cười khì
Rượu tăm còn để dành khi con về
Ngọt ngào một chút men quê
Cay tê cả lưỡi đắng tê cả lòng.
Gian ngoài thông thống gian trong
Suốt đời làm lụng sao không có gì
Không răng... cha vẫn cười khì
Người còn là quý xá chi bạc vàng.
Chiến tranh như trận cháy làng
Bà con ta trắng khăn tang trên đầu
Vẫn đồng cạn vẫn đồng sâu
Chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa.
( Về làng - Nguyễn Duy)
1. Đoạn thơ trên sử dụng phương thức biểu đạt nào?
2. Chỉ ra biện pháp tu từ so sánh trong đoạn thơ trên và nêu tác dụng của chúng.
3. Câu thơ Người còn là quý xá chi bạc vàng vận dụng tri thức truyền thống nào của người Việt?
4. Viết đoạn văn cảm nhận về đoạn thơ trên.
Đọc đoạn văn sau và thục hiện các yêu cầu:
Tại thế vận hội đặc biệt Seattle (dành cho những người tàn tật) có chín vận động viên đều bị tổn thương về thể chất hoặc tỉnh thần, cùng tập trung trước vạch xuất phát để tham gia cuộc đua 100m. Súng hiệu nổ, tất cả đều cố lao về phía trước. Trừ một cậu bé, cậu ngã liên tục trên đường đua, cậu bé đã bật khóc. Tám người kia nghe thấy tiếng khóc, giảm tốc độ và ngoái lại nhìn. Sau đó tất cả đều quay trở lại không trừ một ai! Một cô bé bị hội chứng Down dịu dàng cúi xuống hôn cậu bé và nói: “Như thế này em sẽ thấy tốt hơn”. Cô bé nói xong cả chín người cùng khoác tay nhau sánh bước về vạch đích. Tất cả khán giả trong sân vận động đều đứng dậy vỗ tay hoan hô không dứt. Câu chuyện cảm động này đã lan truyền qua mỗi kì Thế vận hội về sau.
(Theo Quà tặng trái tim, NXB Trẻ, 2003)
5. Văn bản trên sử dụng phương thức biểu đạt chính nào?
6. Đặt tiêu đề cho văn bản trên.
7. Tại sao tất cả khán giả trong sân vận động đều đứng dậy vỗ tay hoan hô không dứt.
8. Viết đoạn văn ngắn (6 - 8 câu) nói về sự đồng cảm chia sẻ trong cuộc sống của chúng ta.
PHẦN II: LÀM VĂN (7 điểm)
Câu 1 (3 điểm)
Trong lời bài hát Khát vọng tuổi trẻ của nhạc sĩ Vũ Hoàng có câu: Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta mà hãy thử hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc. Hãy viết bài văn nghị luận xã hội nói về trách nhiệm cống hiến của thế hệ trẻ trong cuộc sống hôm nay.
Câu 2 (4 điểm)
Đoạn trích Hạnh phúc của một tang gia là một trong những cảnh trào phúng đặc sắc của tiểu thuyết số đỏ, lột tả bộ mặt giả dối, trơ trẽn của xã hội thành thị thông qua một tình huống đặc biệt.
Anh/chị hãy phân tích các nhân vật được miêu tả trong đoạn trích để làm sáng tỏ nhận định trên.
ĐÁP ÁN
PHẦN I:
1. Phương thức biểu đạt: biểu cảm
2. Các câu sử dụng biện pháp so sánh:
- Trâu bò đủng đỉnh như ngàn năm nay
- Nhà ta xơ xác hơn ngày xa xưa
- Bụng nhăn lép kẹp như chưa có gì
- Chiến tranh như trận cháy làng
Tác dụng; biện pháp so sánh dựa trên quan hệ liên tưởng giữa các sự vật tạo nên hiệu quả bất ngờ, khiến hình ảnh được miêu tả trở nên sinh động, giàu sức sống: hai dòng so sánh đầu dùng sự vật cụ thể so sánh với cái trừu tượng; ở hai dòng tiếp theo lại dùng cái trừu tượng so với cái cụ thể (bụng nhăn - chưa có gì; chiến tranh - cháy làng) giúp người đọc hình đung về cảnh làng quê của tác giả: một làng quê trở lại yên bình sau trận chiến, tuy nghèo đói nhưng đầm ấm.
3. Câu thơ người còn là quý xá chi bạc vàng vận dụng tri thức truyền thống trong tục ngữ của người Việt về giá trị của con người: Của đi thay người, Người làm ra của chứ của không làm ra người, Một mặt người hơn mười mặt của...
4. Học sinh tự viết đoạn văn.
5. Phương thức biểu đạt: tự sự.
6. Có thể đặt nhiều tiêu đề: Một cuộc thi đặc biệt, Một cuộc thi cảm động, Huy chương vàng cho tấm lòng, Tinh thần đồng đội.
7. Tất cả khán giả vỗ tay hoan hô vì cảm nhận được sự đồng cảm, chia sẻ, lòng vị tha, tinh thần thi đấu cao thượng của các vận động viên khuyết tật.
8. Học sinh tự viết đoạn văn.
PHẦN II:
Câu 1. Đề bài yêu cầu nghị luận về một lí tưởng sống của tuổi trẻ: tinh thần cống hiến cho đất nước, cộng đồng, vấn đề có ý nghĩa quan trọng thiêng liêng, đặc biệt trong đời sống đương đại.
Đề bài cũng yêu cầu gắn vấn đề nghị luận với thời đại, với nhiệm vụ của thế hệ học sinh đương thời, đòi hỏi sự ý thức, trách nhiệm và hành động cụ thể.
Mở bài:
- Giới thiệu: Trong lời bài hát Khát vọng tuổi trẻ, nhạc sĩ Vũ Hoàng có viết: “Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta mà hãy thử hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc.”
- Khái quát vấn đề cần bình luận: Câu hát là một lời khẳng định, một phương châm sống hào hùng, mãnh liệt, khao khát cống hiến của bao thế hệ người trẻ xưa, thúc đẩy bao con tim hăng say làm việc, xây dựng đất nước. Thế hệ trẻ ngày nay cũng cần tìm hiểu và rút ra cho bản thân một lí tưởng sống hợp lí, đúng đắn nhất.
Thân bài:
* Giải thích ý kiến
- Tổ quốc là tên gọi thiêng liêng chỉ đất nước, con người, truyền thống lịch sử văn hoá. Đó là nơi chúng ta sinh ra và lớn lên, nơi chúng ta được sống, vui chơi, học tập cùng bạn bè, quây quần bên gia đình thân yêu.
- Bên cạnh đó, “cống hiến” là sự đóng góp sức lực, mồ hôi xương máu, chất xám vào lợi ích tập thể, vào lợi ích chung của một cộng đồng, góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của xã hội. cống hiến của mỗi con người đều quan trọng, và sự cống hiến càng tốt thì xã hội càng mau tiến bộ, Tổ quốc ta ngày càng trở nên văn minh, hiện đại.
* Bình luận
- Khẳng định tính đúng đắn của luận đề về lí tưởng sống, cống hiến: Con người được hưởng thụ nhiều thứ từ cái ăn cái mặc, phương tiện đi lại, điều kiện y tế, giáo dục, văn hóa nghệ thuật... Những điều kiện sống đó được tạo nên nhờ công sức lao động, sự đóng góp của những người lao động trong cộng đồng. Mỗi người như nông dân, công nhân, bác sĩ, kĩ sư... không phân biệt địa vị, giai cấp đang ngày đêm làm việc, cống hiến.
- Minh chứng trong lịch sử: Vì Tổ quốc, vì độc lập dân tộc mà những tấm gương sáng trong lịch sử đã cống hiến hết mình, thậm chí hi sinh. Từ thời vua Hùng Vương, Bà Trưng, Bà Triệu rồi đến các thời đại Lý, Trần, Lê, Nguyễn,… đều có những anh hùng đã xả thân mình bảo vệ dân tộc khỏi kẻ thù xâm lược, dốc hết sức mình để đề ra những chính sách cải cách hợp lí, giúp bồi đắp nên hình hài lãnh thổ như: Lý Thái Tổ đã dời đô ra Thăng Long, Trần Hưng Đạo ba lần đánh tan giặc Nguyên - Mông, Lê Lợi thành công với cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, Quang Trung với chiến công đại phá 20 vạn quân Thanh,.
- Nhân dân ta đã đổ rất nhiều mồ hôi xương máu để giữ được hình hài, tiếng nói, tư tưởng Việt cho đến nay. Vì vậy, chúng ta phải hết lòng yêu Tổ quốc, hết sức giữ gìn và xây dựng tổ quốc ngày càng phát triển hơn. “Cống hiến” cho Tổ quốc mình là nghĩa vụ, trách nhiệm cao cả nhất của mỗi công dân Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ hôm nay - những người đang đi học, đi làm.
* Bàn bạc mở rộng
- Câu nói trên là động lực cho mọi người, nhất là tầng lớp thanh niên đang ngày đêm làm việc cống hiến cho đất nước, để “Tổ quốc ta có thể sánh vai với các cường quốc năm châu” như lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dặn dò.
- “Cống hiến” giúp cho mọi người sức mạnh, ý chí để sống, để phát triển, để vượt qua những khó khăn, gian khổ.
- Ngược lại, còn rất nhiều bạn trẻ có lối sống, tư tưởng lệch lạc, chỉ muốn hưởng thụ mà không muốn cống hiến, cống hiến ít, không đúng đắn mà muốn hưởng thụ nhiều. Một số người thường có những đòi hỏi về lợi ích, về phúc lợi xã hội, điều kiện làm việc... và thường so sánh những điều kiện đó với nước ngoài tạo nên tâm lí chán nản, ngại dấn thân. Một số người lựa chọn sống ở nước ngoài, làm việc cho nước ngoài thay vì ở Việt Nam, Sự lựa chọn của cá nhân cũng đáng được tôn trọng tuy nhiên chưa phải là cách tốt nhất để đóng góp vào sự phát triển của đất nước. Nhà toán học Lê Bá Khánh Trình đã từng nói: Các bạn trẻ muốn thay đổi thì hãy về nước để thay đổi, nghĩa là cần phải đặt lợi ích quốc gia dân tộc, lợi ích lâu dài lên hàng đầu.
* Phương châm hành động ứng xử
Chúng ta phải cống hiến thiết thực, phải thể hiện qua hành động một cách đúng đắn: “cống hiến” đã đem lại cho chúng ta sự trưởng thành vượt bậc về tư tưởng, tâm hồn, vốn sống, kiến thức và năng lực. “Cống hiến” giúp con người hoàn thiện hơn, xã hội ngày càng phát triển tốt đẹp.
Cần nghĩ đến cống hiến nhiều hơn hưởng thụ. Chúng ta nên biết hi sinh một phần hưởng thụ của cá nhân cho tương lai đất nước và khi cần thì sẵn sàng hi sinh tất cả, lo cho thiên hạ trước, hưởng từ thiên hạ sau.
Có thể yêu cầu “cống hiến” là điều rất to tát, vĩ đại khiến chúng ta ngại ngần nhưng mỗi người, ở vị trí của mình hãy làm việc nghiêm tức, hết công sức, tâm huyết của mình, bằng sự chân thành, trong sáng đóng góp chung sự phát triển của gia đình, xã hội và đất nước.
Kết luận:
- Khẳng định đây là một triết lí sống rất đúng đắn. Ở thời kì nào cũng vậy, sự “yêu thương và dâng hiến” của thế hệ trẻ luôn là nguồn sức mạnh quan trọng cho sự phát triển, vươn lên của đất nước.
- Đó còn là động lực rất mạnh mẽ cổ vũ cho chúng ta trong đường đời.
Lưu ý: Bài viết nên có những dẫn chứng cụ thể tiêu biểu về tinh thần cống hiến, đặc biệt của lớp trẻ hiện nay: Thuyền phó cảnh sát biển 4033 Phạm Khả Đăng, mẹ bị ung thư trong giai đoạn hiểm nghèo nhưng anh vẫn bám trụ với đồng đội, bảo vệ biển đảo quê hương; vận động viên Ánh Viên, 19 tuổi, bằng nghị lực và tài năng phi thường dã đem vinh quang về cho Tổ quốc; những người lính - người dân ở hải đảo, ở biên giới là những nhân chứng, những cột mốc sống bảo vệ đất nước...
Câu 2.
Học sinh cần chỉ rõ tình huống trào phúng của đoạn trích, vai trò của tình huống đó với việc thể hiện các nhân vật, tư tưởng của nhà văn.
Mở bài:
- Giới thiệu tác phẩm và đoạn trích: số đỏ là một trong ba tác phẩm được viết trong năm 1936 của Vũ Trọng Phụng và cũng là tác phẩm gây tiếng vang hơn cả, Tiếng cười sắc nhọn của ông bật ra ở tất cả các chương của cuốn tiểu thuyết.
- Giới thiệu tình huống của đoạn trích: Đặc sắc nhất là đoạn trích Hạnh phúc của một tang gia, nằm ở chương XV. Tình huống trào phúng ở đây là cái chết của cụ cố tổ, nguyên cớ của mọi niềm vui, hạnh phúc cho đám con cháu trong nhà. Thông qua đó, tác giả lột trần bộ mặt giả dối, xấu xa, trơ trẽn của đám người trong xã hội thực dân phong kiến.
Thân bài:
* Tình huống trào phúng thể hiện qua nhan đề đoạn trích
- Mâu thuẫn tạo ra tiếng cười, dựa trên sự đối lập, tương phản giữa bản chất bên trong và hình thức bên ngoài, giữa ý nghĩ và lời nói, lời nói và hành động của nhân vật, giữa nội dung và hình thức. Tình huống trào phúng: Trong đoạn trích, mâu thuẫn trào phúng cơ bản là mâu thuẫn giữa bản chất của xã hội tư sản thành thị với hình thức bên ngoài và biểu hiện của nó. Mâu thuẫn trào phúng này biểu hiện qua một số tình huống khác nhau, xoay quanh sự việc chủ yếu: cái chết và đám tang cụ cố tổ. Nhưng trước hết, tiếng cười - mâu thuẫn trào phúng biểu hiện ngay ở nhan đề chương truyện.
Hạnh phúc của một tang gia đã bộc lộ tình huống trào phúng: “Tang gia” mà lại “hạnh phúc”. Nhà có người chết mà lại vui. Tiếng cười chỉ bật lên khi có mâu thuẫn, những chuyện ngược đời trái lẽ thường của nhân sinh.
- Vũ Trọng Phụng đã phát hiện ra niềm hạnh phúc của đám con cháu cụ cố tổ: cái chết của cụ mang đến niềm vui cho từng người, ai cũng mong được một phần gia sản trong di chúc của cụ và đám ma cung là dịp để họ thể hiện, khoe mẽ.
* Chân dung các nhân vật
- Cụ cố Hồng hiện lên là kẻ rởm đời, học đòi. Mới 60 tuổi mà đã thích người ta gọi là cụ cố. Từ trước tới nay cụ chỉ được diễn cái trò già cả trong gia đình. Thì nay, cái chết của ông bố đã tạo cho cụ cái cơ hội vàng để cụ có dịp khoe già với thiên hạ.
- Ông Văn Minh hiện lên với bộ mặt đăm đăm chiêu chiêu rất phù hợp với cảnh nhà có đám. Tuy nhiên, cái khiến ông mang bộ mặt ấy không phải là nỗi niềm dành cho người đã khuất mà là nghĩ cách làm sao “mời luật sư đến chứng kiến cái chết của ông cụ” để “cái di chúc kia sẽ vào thời kì thực hành chứ không phải là lí thuyết viễn vông nữa”. Thêm vào đó, ông băn khoăn không biết nên đối xử với Xuân Tóc Đỏ thế nào. Với ông Văn Minh, danh dự, gia phong, phẩm giá của gia đình không có giá trị bằng những đồng tiền mà ông sắp được hưởng.
- Cậu Tú Tân thì “điên người lên” vì đã chuẩn bị mấy cái máy ảnh mà chưa được dùng tới. Với cậu, đám ma cụ cố tổ chỉ là dịp được thoả mãn một sở thích, một thú tiêu khiển.
- Ông Phán mọc sừng tuy là người trực tiếp gây ra cái chết của cụ cố nhưng lại tỏ ra rất hạnh phúc. Thậm chí ông còn “trù tính ngay với Xuân một công cuộc doanh thương”. Ông cháu rể quý hoá này lộ rõ là một kẻ hám tiền bất nhân. Hắn không chỉ coi đồng tiền hơn hạnh phúc mà còn coi nó quan trọng hơn cả danh dự bản thân.
- Với bà Văn Minh và ông Typn thì đám tang là cơ hội ngàn năm có một để lăng xê, quảng cáo cho các mốt quần áo của trào lưu Âu hoá.
- Trong đám ma này “ai cũng vui vẻ cả, trừ một Tuyết”. Một mình Tuyết đau khổ đến độ “muốn tự tử được” nhưng không phải vì người chết mà đau khổ vì tình.
- Vũ Trọng Phụng đã lật tẩy nề nếp gia phong của giai cấp tư sản trong công cuộc “Âu hoá”, “Giải phóng”. Qua gia đình này, tác giả đã nói lên một sự thật cay đắng: lối sống Âu hoá đã làm băng hoại đạo đức, tấn công vào những thành trì tưởng kiên cố nhất là tình cha - con, vợ - chồng, ông – cháu.
* Chân dung xã hội số đỏ qua cảnh đưa đám
- Đám tang giống như một đám hội tưng bừng, rộn rã, “đưa đến đâu làm huyên náo đến đấy”. Một đám ma hồ lốn Tây, Tàu, đám ma của kẻ nhà giàu, hơn nữa còn là của những kẻ hợm hĩnh, phô trương, lố lăng, kệch cỡm, thừa tiền nhưng thiếu học.
“ Min Đơ và Min Toa sung sướng tới cực điểm khi được “thuê giữ trật tự cho đám ma” vào giữa lúc “đang buồn như nhà buôn sắp vỡ nợ” vì “không có ai đáng phạt mà phạt”.
- Bạn của cụ cố Hồng: đến đám tang không phải để chia buồn mà là để khoe râu và khoe huân chương. Với ngôn ngữ trào phúng, mỉa mai, tác giả đã tạo dựng trên trang văn những gương mặt nham nhở, kì quái, đầy tính chất biếm hoạ.
- Sư cụ Tăng Phú thì hiện nguyên hình là một kẻ hãnh tiến, thủ đoạn, xấu xa.
- Bộ mặt của đám đông đưa đám: Những diễn viên quần chúng này vào vai rất tài tình, Họ đi đưa ma song không hề có một lời hỏi han tới người nằm xuống mà chỉ thì thào những câu “vui vẻ, ý nhị, rất xứng đáng với những người đi đưa đám ma”.
Học sinh nên có thêm những nhận xét: Qua cách miêu tả từ cụ thể đến khái quát, từ cận cảnh đến viễn cảnh, Vũ Trọng Phụng dã khái quát bộ mặt xã hội đương thời: đâu chỉ có lũ con cháu cụ cố tổ bất hiếu mà cả cái xã hội đương thời cũng là một xã hội bất nhân, đạo đức giả. Đám ma có đầy đủ tất cả, từ vòng hoa, câu đối, tới khăn xô, mũ mẩn nhưng lại thiếu duy nhất một thứ, đó là tình thương.
Kết luận:
- Nội dung: Đám tang hiện lên là một sân khấu cuộc đời. Nó cũng là một tấn trò đời mà đám con cháu chính là diễn viên. Lũ con cháu thì bất nhân, xã hội thì vô đạo, tất cả đều chỉ vì tiền, vì tình, vì danh, vì lợi.
- Thái độ, tư tưởng của tác giả: Đằng sau tiếng cười của Vũ Trọng Phụng, ta thấy được sự phẫn uất cao độ của tác giả đối với xã hội thượng lưu đương thời.