Tập đọc
MỘT CHUYÊN GIA MÁY XÚC
1. Anh Thủy gặp anh A-lếch-xây ở đâu ?
Trả lời:
Anh Thủy gặp anh A-lếch-xây trên một công trường xây dựng.
2. Dáng vẻ của A-lếch-xây có gì đặc biệt khiến anh Thủy chú ý ?
Trả lời:
- A-lếch-xây có một vóc người cao lớn, dáng đứng sừng sững. Mái tóc vàng óng ửng lên như một mảng nắng.
- Bộ quần áo xanh màu công nhân, thân hình chắc và khỏe, khuôn mặt to chất phác.
- Tất cả gợi lên ngay từ phút đầu những nét giản dị, thân mật.
3. Cuộc gặp gỡ giữa hai người bạn đồng nghiệp diễn ra như thế nào ?
Trả lời:
Cuộc gặp gỡ giữa hai người bạn đồng nghiệp (Việt Nam và Liên Xô diễn ra rất thân mật, thể hiện ở các chi tiết :
a) Qua lời thoại thân mật :
A-lếch-xây nhìn tôi bằng đôi mắt sâu và xanh, mỉm cười hỏi:
- Đồng chí lái máy xúc bao nhiêu năm rồi ?
- Tính đến nay là năm thứ mười một - tôi đáp.
b) Qua cái bắt tay nồng ấm :
Thế là A-lếch-xây đưa bàn tay vừa to vừa chắc ra nắm lấy bàn tay đầy dầu mỡ của tôi lắc mạnh và nói :
- Chúng mình là bạn đồng nghiệp đấy, đồng chí Thủy ạ !
4. Chi tiết nào trong bài khiến em nhớ nhất ? vì sao ?
Trả lời:
Học sinh tự cảm nhận và nói lên chi tiết đáng nhớ nhất, giải thích nguyên nhân đầy đủ.
* Gợi ý :
- Hỉnh ảnh bàn tay vừa to, vừa chắc của A-lếch-xây nắm lấy bàn
tay đầy dầu mỡ của anh Thủy, lắc mạnh.
- Thể hiện sự thân mật, chân thành.
- Những hình ảnh đầu tiên mà anh Thủy nhìn thấy A-lếch-xây.
- A-lếch-xây hiện ra là một người ngoại quốc thân thiện.
Chính tả
1. Nghe - viết: Một chuyên gia máy xúc (từ Qua khung cửa kính... đến những nét giản dị, thân mật.}
2. Tìm các từ có chứa uô, ua trong bài văn dưới đây. Giải thích quy tắc ghi dấu thanh trong mỗi tiếng em vừa tìm được.
Anh hùng Núp tại Cu-ba
Năm 1964, anh hung Núp tới thăm đất nước Cu-ba theo lời mời của Chủ tịch Phi-đen Cát-xtơ-rô. Người Anh hùng Tây Nguyên được đón tiếp trong tình anh em vô cùng thân mật. Anh Núp thấy người Cu-ba giống người Tây Nguyên mình quá, cũng mạnh mẽ, sôi nổi, bụng dạ hào phóng như cánh cửa bỏ ngỏ, thích nói to và đặc biệt là thích nhảy múa. Tới chỗ đông người nào, sau một lúc chuyện trò, tất cả lại cùng nhảy múa. Bị cuốn vào những cuộc vui ấy, anh Núp thấy như đang sống giữa buôn làng Tây Nguyên muôn vàn yêu dấu của mình.
Theo NGUYỄN KHẮC TRƯỜNG
Trả lời:
Năm 1964, anh hung Núp tới thăm đất nước Cu-ba theo lời mời của Chủ tịch Phi-đen Cát-xtơ-rô. Người Anh hùng Tây Nguyên được đón tiếp trong tình anh em vô cùng thân mật. Anh Núp thấy người Cu-ba giống người Tây Nguyên mình quá, cũng mạnh mẽ, sôi nổi, bụng dạ hào phóng như cánh cửa bỏ ngỏ, thích nói to và đặc biệt là thích nhảy múa. Tới chỗ đông người nào, sau một lúc chuyện trò, tất cả lại cùng nhảy múa. Bị cuốn vào những cuộc vui ấy, anh Núp thấy như đang sống giữa buôn làng Tây Nguyên muôn vàn yêu dấu của mình.
Giải thích quy tắc ghi dấu thanh trong mỗi tiếng em vừa tìm được :
- Trong các tiếng có âm “ua” (không có âm cuối) dấu thanh đặt ở chữ cái đầu của âm chính — chữ “u”.
- Trong các tiếng có “uô” (có âm cuối) dấu thanh dặt ở chữ cái thứ hai của âm chính - chữ “ồ”.
3. Tìm tiếng có chứa uô hay ua thích hợp với mỗi chỗ trống trong các thành ngữ dưới đây :
- ……… người như một.
- Ngang như …………..
- Chậm như ……….
- Cày sâu ……. bẫm
Trả lời:
- Muôn người như một.
- Ngang như cua
- Chậm như rùa
- Cày sâu cuốc bẩm
Luyện từ và câu
MỞ RỘNG VỐN TỪ: HÒA BÌNH
1. Dòng nào dưới đây nêu đúng nghĩa của từ hòa bình ?
a) Trạng thái bình thản.
b) Trạng thái không có chiến tranh.
c) Trạng thái hiền hòa, yên ả.
Trả lời:
Chọn b) Trạng thái không có chiến tranh.
2. Những từ nào dưới đây đồng nghĩa với từ hòa bình ?
- Bình yên - Bình thản
- Lặng yên - Thái bình
- Hiền hòa - Thanh thản
- Thanh bình - Yên tĩnh
Trả lời:
Từ đồng nghĩa với từ hòa bình:
- Bình yên
- Thanh bình
- Thái bình
3. Em hãy viết một đoạn văn từ 5 đến 7 câu miêu tả cảnh thanh bình của một miền quê hoặc thành phố mà em biết :
Trả lời:
Đoạn 1:
Mùa hè, Tâm thường được ba đưa về quê ngoại. Đó là một miền quê thanh bình, yên ả.
Ngoại thường dắt Tâm theo mỗi khi ngoại ra thăm ruộng vào mỗi sáng, sương sớm còn dọng trên ngọn cỏ, làm bàn chân Tâm mát lạnh. Gió từ bờ sóng thổi về mát rượi. Mặt trời chưa nhô lên hẳn, còn lấp ló nơi rặng cây. Xa xa, trong xóm tiếng gà vịt, tiếng trâu bò rộn lên đòi ăn. Khói từ các chái nhà bốc lên, quyện với vị phù sa theo gió từ sông thổi vào nghe ngai ngái, ấm nồng và thân thuộc. Khi hai ông cháu về đến nhà, mặt trời đã lên đến rặng cau. Tiếng xuồng khua ngoài bờ sông đã rộn ràng, tiếng người gọi nhau í ới. ...
Một ngày mới đã bắt dầu nơi xóm nhỏ ven sông (8 câu).
Đoạn 2:
Quê tôi là một vùng quê tuyệt đẹp nhưng có lẽ cái làm tôi nhớ nhất vẫn là sự thanh bình ở nơi đây.
Vào buổi sáng sớm , những chú gà trống đứng trên đống rơm trước nhà cất tiếng gáy ò…ó...o…Tiếng gáy như một chiếc đồng hồ báo thức quen thuộc gọi mọi người thức dậy chuẩn bị cho một ngày mới bắt đầu.
Từ các ngôi nhà , những làn khói bếp bay ra hòa quyện cùng không khí làm cho mọi người có cảm giác ấm cúng. Xa xa, mặt trời từ từ hiện lên sau lũy tre làng tỏa từng tia nắng ấm áp làm sương tan dần. Lúc ấy, tôi thường đưa tay đón lấy từng giọt sương như đón lấy những điều may mắn, tốt đẹp cúa một ngày mới. Sương đã tan dần, con đường làng trở nên nhộn nhịp bởi các bác nông dân đang ra đồng gặt lúa.
Trên cánh đồng, lúa đã chín rộ báo hiệu cho một vụ mùa bội thu. Những bông lúa nặng trĩu hạt như trả công cho người nông dân sau bao nhiêu ngày tháng vất vả “dãi nắng dầm sương”. Ánh nắng chiếu rọi làm cánh đồng như một thảm lụa vàng khổng lồ. Đó là cảnh thanh bình giản dị ở quê ngoại em
Kể chuyện
KỂ CHUYỆN ĐÃ NGHE, ĐÃ ĐỌC
Đề bài
Kể lại một câu chuyện em đã nghe hay đã đọc ca ngợi hòa bình, chống chiến tranh.
Bài làm:
Tinh thần chống giặc ngoại xâm, bảo vệ nền hòa bình là truyền thống quý báu của dân tộc ta. Tinh thần ấy được thể hiện trong biết bao câu chuyện. Như chuyện về bạn Lai, “Anh hùng nhỏ tuổi diệt xe tăng”, một thiếu niên miền Nam những năm chống Mỹ cứu nước.
Lai là một thiếu niên nghèo ở Châu Đốc, An Giang. Vì căm thù lũ xâm lược, Lai xin gia nhập vào đội du kích bảo vệ xóm làng. Hàng ngày, Lai được phân công trèo lên cây cao ở đầu xóm để canh gác. Nhờ vậy mà nhiều lần Lai đã kịp thời thông báo tình hình địch chuyển quân, giúp đội du kích lập được chiến công.
Một hôm, mới sáng tinh mơ, ngồi trên ngọn cây, Lai nghe rõ tiếng động cơ ầm ầm từ xa vọng lại. Nhìn về phía đó, bụi mù mịt, súng nổ rền vang. Một đoàn xe tăng lội nước của địch đang vượt qua cánh đồng tiến vào xóm. Lai đưa tù và lên miệng rúc liên hồi. Báo động xong, Lai ôm cây tuột xuống đất nhanh như một con sóc. Cũng vừa lúc, đội du kích đã tập hợp xong và bố trí trận địa chặn các nẻo đường. Lai cũng nhận mấy quả thủ pháo đeo bên sườn và trèo lên cây tiếp tục quan sát. Từ trên cây, Lai nói vọng xuống :
- Báo cáo, địch đi tất cả mười hai xe tăng. Chúng dàn hàng ngang. Chiếc kềnh càng ở giữa có lẽ là xe chỉ huy, có cả một giàn ăng ten nhô lên ...
Súng bỗng nổ dữ dội, cắt ngang lời Lai nói. Anh đội trưởng hét lớn :
- Lai, xuống hầm mau ! Xuống hầm mau !
Liền lúc đó, một quả đạn nổ, cày tung đất lên. Mấy cành cây rơi lả tả. Đoàn xe tăng lội nước của địch cứ lùi lũi bò vào, vừa đi vừa bắn loạn xạ. Chúng triển khai thành một vòng cung đế bao vây xóm nhỏ. Chỉ còn cách khoảng hai trăm mét, du kích vẫn nén lòng chờ đợi. Lúc ấy, Lai đã kịp tụt xuống nằm bên cạnh anh đội trưởng. Lai khấn khoản :
- Phần em chiếc xe to đi giữa. Để coi nó có chịu nổi mấy quả thú pháo này không ?
- Cẩn thận, phải bám sát mục tiêu và chờ lệnh.
Tiếng động cơ gầm rú, inh tai nhức óc. Bỗng anh đội trưởng phát lệnh :
- Thủ pháo. Ném !
Ẩm ...Ầm ... Ầm! Những tiếng nổ lớn kế tiếp nhau như sấm rền. Mấy chiếc xe tăng bốc cháy. Lai đuổi theo chiếc xe tăng chỉ huy. Bọn địch bắn ra như mưa nhưng từng lượt đạn lướt qua đầu. Phút chốc, Lai đã đuổi kịp. Lai ném ngay một quả thủ pháo vào gầm xe rồi nằm sát xuống đất. Thủ pháo nổ, khói um, xe vẫn cứ chạy. Lai nghĩ bụng : “Đúng là xe chỉ huy nên kiên cố quá!”. Nghĩ vậy. Lai quyết không để nó chạy thoát. Lai chạy lại gần rồi bám vào gờ xe leo lên. Trên nắp có một lỗ thông hơi. Lai nhét quả thủ pháo vào bên trong nhưng bọn địch hất được ra ngoài. Chỉ còn một quả cuối cùng. Sau vài giây suy nghĩ, Lai nhét nốt quả thủ pháo cuối cùng vào trong xe rồi lấy thân mình bịt kín lỗ thông hơi, không cho kẻ địch hất ra ngoài. Một tiếng nổ dữ dội, chiếc xe tăng to kềnh đứng sững lại, bốc cháy. Những chiếc khác mất chỉ huy, tháo chạy hoảng loạn.
Lai đã anh dũng hi sinh. Lai là một tâm gương sáng ngời trong công cuộc chống giặc ngoại xâm, bảo vệ nền hòa bình.
Bài làm
Ước vọng hòa bình là khát vọng chung của loài người tiến bộ. Khát vọng đó được thể hiện qua nhân vật Tùng trong câu chuyện Con chỉ muốn được sống như các bạn.
Cha Tùng là một người da đen. Nhưng Tùng rất yêu cha và tự hào về cha cho dù bao nhiêu lời khinh bỉ, chê bai của bạn bè.
Có lần, trong giờ ra chơi, Tùng bị một đám bạn ngỗ nghịch trong lớp thụi vào bụng và chỉ vào mặt :
- Mày hãy cút khỏi đất nước này đi ! Hãy trở về quê hương châu Phi của mày mà sống. Ở đây không có chỗ cho những kẻ da đen như mày !
Nghe xong, Tùng giận đến sôi người muốn trả đũa ngay, nhưng đành nín chịu vì chúng nó đông. Trên đường về, Tùng cố kìm nén nhưng nước mắt vẫn cứ trào ra vì ấm ức : “Chẳng lẽ da đen là xấu, là có tội”. Từ đó, Tùng quyết định “trả thù” chúng bạn là cố gắng học thật giỏi. Có vậy, Tùng mới không bị khinh bỉ và bị đánh giá thấp. Thế là Tùng đề ra cho mình một kế hoạch tích cực, cụ thể và quyết tâm bằng được. Tất cả các bài tập thầy ra, Tùng đều chăm chỉ, miệt mài làm hết. Bài nào cũng học thật kĩ, nắm thật chắc. Ngoài ra, Tùng còn đọc thêm sách, nhiều khi mải mê quên ăn, quên ngủ. Quả nhiên, vài tháng sau, Tùng trở thành người giỏi nhất lớp. Thầy giáo khen ngợi và tuyên dương. Tùng lấy làm sung sướng và hãnh diện.
Cho tới một hôm ... trong giờ sinh hoạt lớp, thầy giáo bước vào lớp rồi lấy trong cặp một tờ giấy và nói :
- Thầy đã bàn bạc và quyết định cử ba bạn đại diện lớp dự thi học sinh thanh lịch của trường vào ngày 26 tháng 3. Đó là Nguyễn Thị Hoa, Hà Văn Phong và Lê Thanh Tùng.
Đọc xong danh sách, thầy giáo phải ra ngoài vì có người gặp. Bỗng dưng nhiều tiếng cười vang lên và mấy chục cặp mắt hướng về Tùng. Tiếng bàn tán xôn xao :
- Ha...Ha! Cái thằng da đen mà cũng đòi đi thi học sinh thanh lịch !
- Hừm! Biết đâu nó được giải nhất thì sao ?
Nghe xong, Tùng liền bỏ chạy ra khỏi lớp. Tùng cứ chạy như ma đuôi bởi những tiếng cười và lời xúc phạm danh dự của các bạn. Tùng lao qua đường ...
Tùng tỉnh dậy sau ngày hôn mê. Tùng nhìn đôi mắt lo âu, mệt mỏi lọt trong khuôn mặt vuông vức dưới mái tóc rậm dày, xoăn tít. Đôi môi khô cằn của bố bỗng nhếch cười để lộ hai hàm răng trắng bóc. Tùng cố gượng dậy ôm chầm lấy bố, nước mắt tuôn trào. Bố cũng ôm Tùng vào lòng và cũng khóc. Bố Tùng đã biết mọi chuyện. Ông nhẹ nhàng :
- Ôi! Con trai của bố. Bố rất hãnh diện vì con. Vì con mà bố có thể hi sinh tất cả. Bố chỉ mong con được sống hạnh phúc như các bạn.
- Bố ơi, con yêu bố. Con tự hào về bố. Bố đừng buồn vì con nhé !
- À, bố quên mất. Các bạn con tới thăm con đấy! Các bạn muốn con tha thứ cho tất cả những gì đã qua.
- Con chỉ muốn được sống như các bạn thôi! Đó là ước mơ từ lâu của con.
Các bạn vui vẻ nói :
- Bây giờ bạn đã thực hiện được rồi đây!
Câu chuyện của bạn Tùng có người cha da đen đã để lại cho chúng ta một ý nghĩa : tuy màu da khác nhau nhưng loài người tiến bộ đều yêu hòa bình, mà hòa bình thì không còn chỗ cho sự phân biệt chủng tộc.
Tập đọc
Ê-MI-LI, CON...
1. Đọc diễn cảm khổ thơ đầu để thể hiện tâm trạng của chú Mo-ri-xơn và bé Ê-mi-li.
Trả lời:
Đọc bằng giọng trang nghiêm, kìm nén xúc động đối với lời của chú Mo-ri-xơn và bằng giọng ngây thơ, hồn nhiên đối với bé Ê-mi-li
2. Vì sao chú Mo-ri-xơn lên án cuộc chiến tranh xâm lược của chính quyền Mĩ ?
Trả lời:
Chú Mo-ri-xơn lên án cuộc chiến tranh xâm lược của chính quyền Mĩ vĩ đó là cuộc chiến tranh phi nghĩa : Đem bom B52, bom napan, hơi độc đến Việt Nam để đốt nhà thương, trường học, giết những con người chỉ biết yêu thương, ghét những trẻ em chỉ biết đến trường, giết những đồng xanh bốn mùa hoa lá, giết những dòng sông cửa thơ ca và nhạc họa.
3. Chú Mo-ri-xơn nói vói con điều gì khi từ biệt ?
Trả lời:
Chú Mo-ri-xơn nói với bé Ê-mi-li rằng trời sắp tối rồi nhưng chú không thể bế em về được nữa, chú dặn Ê-mi-li hãy hôn mẹ bé thay chú và nói với mẹ rằng : “Cha đi vui, xin mẹ đừng buồn” chú muốn động viên vợ con hãy bớt đau buồn bởi chú ra đi vì lẽ phải, vì chính nghĩa.
4. Em có suy nghĩ gì về hành động của chú Mo-ri-xơn ?
Trả lời:
Chú Mo-ri-xơn tự thiêu dể phản đối chiến tranh xâm lược Việt Nam của đế quốc Mĩ, em rất khâm phục trước tình cảm và hành động dũng cảm đó. Hành động của chú như một lời kêu gọi, như ngọn lửa đốt lên thức tỉnh lương tâm mọi người, làm cho mọi người nhận ra bản chất tàn bạo của cuộc chiến.
Tập làm văn
LUYỆN TẬP LÀM BÁO CÁO THỐNG KÊ
1. Thống kê kết quả học tập trong tháng của em theo các yêu cầu sau :
a) Số điểm dưới 5.
b) Số điểm từ 5 đến 6.
c) Số điểm từ 7 đến 8.
d) Số điểm từ 9 đến 10.
Trả lời:
a) Số điểm dưới 5: 0
b) Số điểm từ 5 đến 6: 0
c) Số điểm tứ 7 đến 8: 6
d) Số điểm từ 9 đến 10: 10
2. Lập bảng thống kê kết quả học tập trong tháng của từng thành viên trong tổ và cả tổ.
Trả lời:
Số thứ tự (1) |
Họ và tên
(2) |
Điểm
dưới 5 |
Điểm
5-6
(4) |
Điểm
7-8
(4) |
Điểm
9 - 10
(5) |
…… |
Nguyễn An Nhơn |
0 |
0 |
6 |
10 |
…… |
Lê Hoải Thu |
0 |
0 |
5 |
11 |
3 |
Trịnh Văn Khoa |
0 |
1 |
6 |
9 |
4 |
Lý Tùng Dương |
0 |
2 |
6 |
8 |
5 |
Nguyễn Đỗ Bảo |
0 |
1 |
6 |
9 |
6 |
Nguyễn Thái Hòa |
0 |
0 |
5 |
11 |
7 |
Nguyễn Ngọc Dung |
0 |
0 |
4 |
12 |
8 |
Trần Dạ Thảo |
0 |
0 |
4 |
12 |
…… |
|
|
|
|
|
|
Tổng cộng |
0 |
4 |
42 |
82 |
Luyện từ và câu
TỪ ĐỒNG ÂM
I. Nhận xét :
1. Đọc các câu sau đây :
a) Ông ngồi câu cá.
b) Đoạn văn này có 5 câu.
2. Dòng nào dưới đây nêu đúng nghĩa của mỗi từ câu ở bài tập 1 ?
- Bắt cá, tôm,... bằng móc sắt nhỏ (thường có mồi) buộc ở đầu một sợi dây.
Câu a - động từ “câu cá”.
- Đơn vị của lời nói diễn đạt một ý trọn vẹn, trên văn bản được mở đầu bằng một chữ cái viết hoa và kết thúc bằng một dấu ngắt câu.
Câu b - danh từ : “5 câu”.
II. Luyện tập
1. Phân biệt nghĩa của những từ đồng âm trong các cụm từ sau :
a) Cánh đồng - tượng đồng - một nghìn đồng
Trả lời:
Cánh đồng: - Khoảng đất rộng và bằng phẳng, dùng để cày cấy, trồng trọt.
Tượng đồng: - Làm bằng kim loại có màu đỏ, dễ dát mỏng và kéo sợi, thường dùng làm dây điện và chế hợp kim.
Một nghìn đồng: - Đơn vị tiền Việt Nam.
b) Hòn đá - đá bóng
Trả lời:
Hòn đá: - Khoáng vật có thể đặc, rắn, giòn, thường kết thành tảng lớn, hợp phần của vỏ trái đất, dùng lát đường, vật liệu xây dựng nhà cửa, công trình kiến trúc.
Đá bóng: - Đưa nhanh chân và hất mạnh bóng cho xa ra hoặc đưa bóng vào khung thành đối phương.
c) Ba và má - ba tuổi
Trả lời:
Ba và má: - Bố, cha, thầy - một trong những cách xưng hô đối với người sinh ra mình.
Ba tuổi: - Số tiếp theo số 2 trong dãy số tự nhiên.
2. Đặt câu để phân biệt các từ đồng âm bàn, cờ, nước.
M : - Nhà nhà treo cờ mừng ngày Quốc khánh.
- Cờ là một môn thể thao được nhiều người ưa thích.
Trả lời:
a.) - Sau khi học bài xong, em nhớ dọn dẹp sách, vở, bàn ghế lại cẩn thận.
- Nhóm bạn của Lan đang bàn nhau tìm cách giúp đỡ Hoàng học tốt môn toán.
b) Cờ đỏ sao vàng là quốc kì của nước ta.
- Ông nội của Lan và ông ngoại, của Mai thường đánh cờ vào mỗi sáng.
c) Uống nhiều nước rất tốt cho sức khỏe.
- Nước ta có hình dáng như chữ S.
3. Đọc mẩu chuyện vui dưới đây và cho biết vì sao Nam tưởng ba mình đã chuyển sang làm việc tại ngân hàng.
Tiền tiêu
Nam : - Cậu biết không, ba mình mới chuyển sang ngân hàng làm việc đấy !
Bắc : - Sao cậu bảo ba cậu là bộ đội ?
Nam : - Đúng rồi, thư trước ba mình báo tin : “Ba đang ở hải đảo.” Nhưng thư này ba mình nói là ba đang giữ tiền tiêu cho tổ quốc.
Bắc: !!!
Trả lời:
- Nam nhầm lẫn từ “tiêu” trong cụm từ “tiền tiêu” (tiền để tiêu) với tiếng “tiêu” trong từ đồng âm “tiền tiêu” (vị trí quan trọng, nơi có bố trí canh gác ở phía trước khu vực trú quân, hướng về phía địch).
4. Giải các câu đố sau :
a) Trùng trục như con chó thui
Chín mắt, chín mũi, chín đuôi, chín đầu.
(Là con gì ?)
Trả lời:
Con chó thui
b) Hai cây cùng có một tên
Cây xòe mặt nước, cây lên chiến trường
Cây này bảo vệ quê hương
Cây kia hoa nở soi gương mặt hồ.
(Là cây gì ?)
Theo LÊ NHƯ SÂM
Trả lời:
Là cây hoa súng và cây súng
Tập làm văn
TRẢ BÀI VĂN TẢ CẢNH
1. Nghe cô giáo (thầy giáo) nhận xét về bài làm văn của cả lớp.
2. Chữa bài :
a) Tham gia chữa lỗi cùng cả lớp theo hướng dẫn của cô giáo (thầy giáo) : lỗi về bố cục bài, lỗi về ý, lỗi đặt câu, lỗi dùng từ, lỗi chính tả,...
b) Đọc lại bài làm của mình (chú ý đọc kỹ những phần cô giáo (thầy giáo) khen, chê).
c) Tự chữa bài làm của mình :
- Từ chữa lỗi trong bài làm theo yêu cầu của cô giáo (thầy giáo)
- Trao đổi với bạn để kiểm tra kết quả chữa lỗi.
3. Đọc tham khảo các bài văn hay được cô giáo (thầy giáo) khen để học tập và rút kinh nghiệm.