Mơ ước trở thành cô giáo
Sinh ra và lớn lên ở thôn nghèo Ka La thuộc xã Bảo Thuận (huyện Di Linh) - địa phương chiếm 98% người DTTS gốc bản địa. Chứng kiến bao trẻ em vì gia đình nghèo khó, cha mẹ lam lũ kiếm cái ăn, cái mặc mà bỏ bê việc học hành nên Ka Hiền buồn lắm. Từ lúc còn nhỏ, cô bé đã ấp ủ ước mơ trở thành cô giáo để trực tiếp giúp đỡ trẻ em của buôn làng mình.
Gia đình chẳng khá giả gì và họ hàng cũng không có ai làm nghề giáo, song với nỗi niềm khắc khoải kia, Ka Hiền tha thiết xin cha mẹ cho ăn học và quyết tâm học tập thật giỏi. Học hết THPT, Ka Hiền chẳng do dự nộp hồ sơ và thi đậu vào Trường CĐ Sư phạm Đà Lạt (Khoa Tiểu học mầm non). Năm 1986, tốt nghiệp ra trường, Ka Hiền xin về dạy tại quê nhà và theo nguyện vọng, Phòng GD-ĐT huyện Di Linh đã điều cô giáo trẻ này về công tác tại Trường Mẫu giáo xã Bảo Thuận.
Với tấm lòng yêu nghề cộng với kiến thức học được trong nhà trường, và nhất là được trở về công tác tại buôn làng mình sinh sống nên Ka Hiền như “chim sổ lồng”.
Là người dân tộc địa phương, am hiểu tường tận đời sống, tâm lý, phong tục tập quán của nhân dân; đặc biệt là tâm sinh lý trẻ em người DTTS nên cô giáo Ka Hiền khá thuận lợi trong công tác và trong sinh hoạt. Ngay những năm đầu về trường, cô giáo trẻ đã nhanh chóng khẳng định năng lực bởi tấm lòng yêu nghề, cần mẫn chăm sóc trẻ thơ như một người mẹ hiền.
Có về xã Bảo Thuận mới hiểu cái khó, cái thiếu thốn đang hiện hữu trong đời sống của người dân nghèo. Dù không phải là xã thuộc vùng sâu, vùng xa của huyện Di Linh, song Bảo Thuận đất đai khô cằn, khí hậu khắc nghiệt, còn người dân ở đây bao đời sống dựa vào sản xuất nông nghiệp. Vào mùa nắng Tây Nguyên, tình trạng thiếu nước sinh hoạt diễn ra thường xuyên, trong khi tập tục sản xuất, canh tác nông nghiệp của đồng bào DTTS thụ động, lạc hậu nên phần lớn các gia đình còn gặp rất nhiều khó khăn…
“Do nhận thức về học hành của con cái đối với đa số gia đình người DTTS còn nhiều bất cập nên tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng, nhất là vào mùa thu hoạch cà phê, mùa hái quả điều diễn ra khá phổ biến”, cô giáo Ka Hiền cho biết.
“Mẹ Hiền” giữa đại ngàn
Cô giáo Ka Hiền được đồng nghiệp, phụ huynh và các cháu mẫu giáo của ngôi trường này gọi bằng cái tên rất gần gũi và ẩn chứa nhiều lẽ: “Mẹ Hiền”. Ngoài đồng nghĩa với tên (Ka Hiền), cô giáo này còn có tấm lòng và phong cách của một người mẹ thật sự - người mẹ thứ hai ở trường của bao nhiêu trẻ nhỏ và phụ huynh người DTTS trong vùng.
Cô giáo Ka Hiền (trái) đến từng nhà vận động học sinh ra lớp
Trước thực trạng học sinh bỏ học nhiều tạo áp lực lớn cho ngành giáo dục địa phương nói chung và Trường Mẫu giáo xã Bảo Thuận nói riêng, Ban Giám hiệu nhà trường đã đặt ra quyết tâm vận động các em ra lớp và duy trì sĩ số là mục tiêu hàng đầu. Người tiên phong nhận nhiệm vụ khó và nặng nề này chính là cô giáo trẻ Ka Hiền. Phát huy lợi thế người địa phương am hiểu tâm lý phụ huynh, không quản ngày đêm cô giáo Ka Hiền đến từng nhà dân tuyên truyền, vận động, thuyết phục… Và kết quả đạt được thật bất ngờ, 100% trẻ 5 tuổi trong xã đến trường và được duy trì. Đây là thành tích không hề nhỏ đối với vùng đồng bào DTTS như ở Di Linh.
Ở lớp, cô giáo Ka Hiền chăm sóc, dạy dỗ các cháu từ cách đánh vần từng con chữ, từng nét bút đầu đời, tập cho các cháu làm quen với các trò chơi, sinh hoạt tập thể, chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ… Những buổi tan trường, có cháu cha mẹ đi làm xa không về đón kịp, cô giáo Ka Hiền đã dùng xe máy đưa học trò về tận nhà, tự tay tắm rửa, thay quần áo cho các em như một người mẹ thật sự.
“Những buổi tan trường, có cháu cha mẹ đi làm xa không về đón kịp, cô giáo Ka Hiền đã dùng xe máy đưa học trò về tận nhà, tự tay tắm rửa, thay quần áo cho các em như một người mẹ thật sự”.
Để học sinh người DTTS dễ hiểu và tiếp thu kiến thức, cô đi tìm những quả thông khô tự tay sáng tạo thành các con vật ngộ nghĩnh; sưu tầm những quả bầu, bí để tạo hình những con thú gần gũi; tỉ mỉ làm hình nộm bé trai, bé gái bằng rơm trông rất đáng yêu nhằm kích thích tinh thần ham tìm hiểu của các em…
Đối với đồng nghiệp, nhất là những cô giáo trẻ người Kinh, Ka Hiền trở thành người bạn chân thành, sẵn sàng trao đổi, truyền đạt kiến thức, phong tục, tập quán, thói quen, tâm lý của học sinh và phụ huynh người DTTS để đồng nghiệp làm quen, vận dụng trong công tác giảng dạy, trong giao tiếp với người dân. Đánh giá về sự đóng góp của cô giáo Ka Hiền, bà Nguyễn Thị Đào (chuyên viên Phòng GD-ĐT huyện Di Linh) tự hào nói: “Cô Ka Hiền là một tấm gương mẫu mực của ngành giáo dục huyện trong phong trào “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” bằng năng lực thể hiện trong công việc, tình yêu thương trẻ qua bài giảng, qua cách chăm sóc chu đáo cho học trò. Ở xã Bảo Thuận, hầu như ai cũng biết và yêu mến cô giáo Ka Hiền…”.
Giáo viên mầm non được tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú Hơn 28 năm trong ngành, cô giáo Ka Hiền đã đoạt nhiều giải thưởng cao trong các cuộc thi “Sáng tạo đồ dùng học tập”, chiến sĩ thi đua cấp cơ sở nhiều năm liền; giáo viên giỏi cấp tỉnh năm học 2013-2014; được vinh danh trong Hội nghị điển hình tiên tiến “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”tỉnh Lâm Đồng năm 2013. Đặc biệt, trong dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 vừa qua, trong tổng số 680 nhà giáo trên cả nước được phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú, có 19 nhà giáo là người DTTS; trong đó có cô giáo Ka Hiền ở xã nghèo Bảo Thuận. |