Đến dự tiệc mừng Nhân đỗ ĐH do CLB Khai Tâm (Q.Tân Bình, TP.HCM) tổ chức, không ít người đã rơm rớm nước mắt khi nghe kể về tuổi thơ của em. Bố mất từ khi Nhân còn nhỏ, mẹ lấy chồng khác, nhưng đến năm em học lớp 7 cũng qua đời. Cha dượng lấy vợ mới, Nhân cảm thấy cô đơn, lạc lõng trong ngôi nhà này nên năm học lớp 9, em bỏ nhà ra đi. Nhân kể: “Em ở nhà bạn Hiếu, là bạn học cùng lớp nhưng đã nghỉ học. Lúc đó em làm đủ mọi việc, ai thuê gì làm nấy: Phụ hồ, rửa xe, bốc vác, vá xe…”.
Tuổi thơ dữ dội
Chưa đủ tuổi lao động mà Nhân đã sớm lăn lộn với cuộc sống. Nhân có nhà mà như không, không dám đến trường vì đi học thì ai sẽ nuôi sống em... Mỗi khi nhớ lớp, nhớ bạn bè, Nhân đứng ngoài cổng trường lặng lẽ nhìn vào. Cũng may, thầy cô ở Trường THCS Điện Biên (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) tuy còn nhiều khó khăn nhưng lại rất thương yêu học trò nên đã tìm mọi cách để giúp đỡ em.
Cô Nguyễn Thị Việt Tú, Phó trưởng phòng GD-ĐT Q.Bình Thạnh - lúc bấy giờ mới về trường đảm nhiệm chức vụ Hiệu trưởng, xúc động cho biết: “Thấy Nhân vắng học hơn nửa tháng mà bao nhiêu lần nhà trường gửi giấy về gia đình không có hồi đáp. Sau khi biết được hoàn cảnh éo le của Nhân, tôi nói với các thầy cô bằng mọi giá phải đưa em quay trở lại trường học. Vì thế, chúng tôi kêu gọi tất cả học sinh, em nào biết nơi Nhân hay đến thì báo tin cho thầy cô. Vậy mà cả tháng trời chúng tôi mới tìm được em…”. Nhớ lại ngày cô Hiệu trưởng đến tìm, Nhân bồi hồi: “Em xúc động lắm vì từ lúc em bỏ nhà đi có ai tìm em đâu. Em cứ tưởng mọi người đã lãng quên mình rồi. Lúc đó là khoảng cuối tháng 10-2009”.
Ngày Nhân trở lại trường học, mọi người đều xúc động, có cô giáo len lén lau nước mắt khi thấy em gầy trơ xương, cao nhồng, mặt mũi đen nhẻm. Còn tài sản của em chỉ có chiếc ba lô cũ với hai bộ đồ rách bươm. Thế là không ai bảo ai, các thầy cô lẳng lặng mua đồ mới cho em mặc. Tuy nhiên, vấn đề khó khăn nhất là sắp xếp cho em chỗ ở. Đưa Nhân về nhà cha dượng thì em nằng nặc không chịu. Cô Tú đành chở Nhân đến nhà ông bà ngoại em ở Q.4 nhưng ông bà cũng nghèo, nghèo lắm nên không chịu nhận nuôi em. Vạn bất đắc dĩ, bà ngoại Nhân phải lên phường làm giấy chứng nhận giao em cho nhà trường quản lý. Cầm tờ giấy chứng nhận trên tay, hai cô trò nhìn nhau, không nói lời nào mà nước mắt rưng rưng… Vậy là từ đây, Trường THCS Điện Biên là gia đình của em, các thầy cô là bố mẹ của em nhưng điều khiến em đau đáu nhất vẫn là tại sao những người ruột thịt lại khước từ mình...
“Cá chép vượt vũ môn”
Không thể phó mặc Nhân cho số phận, các thầy cô tìm cách để em vừa có chỗ ăn ở, vừa được đến trường học.
Suy đi tính lại mãi, cuối cùng cô Tú quyết định để Nhân ở lại trường, ăn - ở trong phòng bảo vệ, đến giờ học thì mang tập sách vào lớp. Mọi chi phí sinh hoạt, ăn uống, học tập của Nhân đều được nhà trường cùng các mạnh thường quân lo.
Tuy nhiên, sau mấy tháng, các thầy cô nhận ra là không thể để Nhân tiếp tục ở lại trường, một phần vì em mặc cảm với bạn bè, phần khác em gặp bất tiện trong sinh hoạt. May sao lúc đó Nhân được bố mẹ Hiếu nhận về nhà ở. Vì khi đó các thầy cô đã thuyết phục được Hiếu quay trở lại trường học...
Lúc bấy giờ Nhân đang ở độ tuổi mà “cái tôi cá nhân” bộc lộ khá cao, cho nên nhiều lúc thầy cô nói em cũng không nghe… Rồi mọi thứ cũng qua đi, Nhân trúng tuyển vào Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ.
“Thời điểm Nhân lên THCS và THPT, chúng tôi rất lo lắng vì sợ em bỏ cuộc giữa chừng. Ngày nhận báo tin em đỗ 3 trường ĐH, chúng tôi vỡ òa niềm vui và xúc động. Đây mới chỉ là một bước ngoặt, sẽ còn nhiều khó khăn mà em phải vượt qua. Nhưng chúng tôi tin, em sẽ vượt qua những chông gai phía trước để sống có ích cho đời”, cô Nguyễn Thị Việt Tú chia sẻ.
Dù đã ra trường nhưng Nhân vẫn gắn bó với Trường THCS Điện Biên, đặc biệt là với cô Tú vì em coi cô như là người mẹ thứ hai. Qua một người quen, cô Tú xin cho Nhân vào Mái ấm Tân Bình (Q.Tân Bình) ở lúc em đang học lớp 11. Ngày đến trường, tối đến Nhân giúp các em nhỏ tại mái ấm học tập.
Từ mái ấm đến trường rất xa nhưng không khi nào Nhân nghỉ học. Nhân cho biết: “Nghị lực đưa bước chân em đi học đều là do trước khi mẹ mất, có nói: “Mày ráng học chứ đừng để mai mốt khổ giống tao”. Hơn nữa, em không muốn phụ lòng thầy cô và các cô chú trong Mái ấm Tân Bình, CLB Khai Tâm… đã lo lắng cho em trong những năm tháng đó”.
Và cuối cùng sự cố gắng của em bước đầu đã gặt hái được thành quả khi em thi đỗ vào Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, ĐH Sài Gòn và đủ điểm để xét vào Trường ĐH Quốc tế (ĐHQG TP.HCM) trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2014. Ban đầu Nhân dự tính vào học Trường ĐH Nông lâm TP.HCM vì em không có tiền học ở Trường Quốc tế, nhưng may mắn là em được một gia đình người Nhật đang sinh sống ở TP.HCM nhận làm con nuôi và muốn em theo học Trường ĐH Quốc tế vì trường này có đào tạo ngành công nghệ - một ngành mà gia đình này đang mở công ty kinh doanh.
Mỏi mòn tìm người thân bên nội Phía nhà nội, do bố mẹ Nhân lấy nhau mà ông bà không đồng ý nên đã từ con trai khi em còn chưa lọt lòng. Nhân chẳng biết ai thân thích bên họ hàng nhà nội, em chỉ nhớ lúc 4-5 tuổi, bố có chở em ra chợ Bà Chiểu (Q.Bình Thạnh) gặp một người bác bán hàng ở đó. Vậy là nhiều ngày liền cô Tú và các thầy cô trong trường đã đưa Nhân đi quanh chợ Bà Chiểu để tìm bác. Do ký ức của Nhân lúc nhỏ quá mơ hồ nên việc tìm lại người bác này như mò kim đáy biển vậy. Cuối cùng mọi người phải đưa Nhân trở lại trường học và cùng nhau tìm cách tháo gỡ khó khăn… |