I. Mâu thuẫn Đông – Tây và sự khởi đầu của chiến tranh lạnh
- Sau Chiến tranh thế giới thứ II, hai cường quốc Liên Xô và Mĩ nhanh chóng chuyển sang thế đối đầu, dần dần đi tới tình trạng chiến tranh lạnh.
- Trước hết, đó là sự đối lập nhau về mục tiêu và chiến lược giữa hai cường quốc.
+ Liên Xô chủ trương duy trì hoà bình an ninh thế giới, bảo vệ nhũng thành quả của chủ nghĩa xã hội và đẩy mạnh phong trào cách mạng thế giới.
+ Ngược lại, Mĩ ra sức chống phá Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa, đẩy lùi phong trào cách mạng nhằm thực hiện mưu đồ bá chủ thế giới.
- Nhưng cũng sau chiến tranh, Mĩ đã vươn lên thành một nước tư bản giàu mạnh nhất, vượt xa các nước tư bản khác, nắm độc quyền vũ khí nguyên tử. Mĩ tự cho mình có quyền lãnh đạo thế giới.
- Sự kiện được xem là khởi đầu cho chính sách chống Liên Xô gây nên tình trạng Chiến tranh lạnh của Mĩ là bản thông điệp của Tổng thống Truman gửi Quốc hội Mĩ ngày 12 - 3 -1947.
- Vào đầu tháng 6 - 1947, Mĩ đề ra “kế hoạch Mácsan”. Ngày 04 - 4 -1949, Mĩ thành lập khối quân sự - tổ chúc Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
- Trước những hoạt động đe dọa đó, nhất là việc tham gia của CHLB Đức vào NATO, tháng 5 - 1955 Liên Xô và các nước Đông Âu (Anbani, Ba Lan, Hunggari, Bungari, CHDC Đức, Tiệp Khắc, Rumani) đã thành lập tổ chức Hiệp ước Vácsava, một liên minh chính trị - quân sự mang tính chất phòng thủ của các nước xã hội chủ nghĩa châu Âu.
- Sự ra đời của NATO và tổ chức Hiệp ước Vácsava là những sự kiện cuối cùng đánh dấu sự xác lập của cục diện hai cực, hai phe. Chiến tranh lạnh đã bao trùm cả thế giới.
II. Sự đối đầu Đông – Tây và các chuộc chiến tranh cục bộ
1. Cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương của thực dân Pháp (1945 - 1954)
- Ngay sau chiến tranh thế giới thứ II, thực dân Pháp đã quay lại tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia. Đến cuối tháng 12 - 1946, cuộc chiến đã lan rộng trên toàn Đông Dương.
- Vượt qua muôn vàn khó khăn gian khổ, nhân dân ba nước Đông Dương đã kiên cường kháng chiến. Sau khi cách mạng Trung Quốc thành công (01 - 10 - 1949), cuộc kháng chiến của Việt Nam có điều kiện liên lạc và nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ của Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa. Từ năm 1950, Mĩ viện trợ cho Pháp và can thiệp ngày càng sâu vào cuộc chiến tranh Đông Dương. Từ đó, cuộc chiến tranh Đông Dương ngày càng chịu sự tác động của hai phe.
- Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Hội nghị Giơnevơ (7 - 1954) đã công nhận độc lập chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Lào, Campuchia. Cuộc chiến ở Đông Dương đã chấm dứt, nhưng Việt Nam tạm thời bị chia cắt làm hai miền, lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới quân sự.
2. Cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950 - 1953)
- Sau Chiến tranh thế giới thứ II, theo thỏa thuận giữa các nước Đồng minh, quân đội Liên Xô chiếm đóng miền Bắc, quân đội Mĩ chiếm đóng miền Nam, lấy vĩ tuyến 38 làm giới tuyến phân chia tạm thời. Năm 1948, hai chính quyền được thành lập riêng rẽ là Đại Hàn Dân Quốc (8 - 1948) và Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Triều Tiên (9 - 1948).
- Sau hơn ba năm chiến tranh, với những tổn thất nặng nề của cả hai bên, ngày 27 - 7 - 1953, Hiệp định đình chiến được kí kết giữa Trung Quốc - Triều Tiên với Mĩ - Hàn Quốc. Theo đó, vĩ tuyến 38 vẫn là ranh giới quân sự giữa hai miền Bắc, Nam Triều Tiên. Cuộc chiến tranh Triều Tiên là “sản phẩm” của Chiến tranh lạnh và là sự đụng đầu giữa hai phe.
3. Cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của đế quốc Mĩ (1954 - 1975)
- Sau Hiệp định Giơnevơ 1954 về Đông Dương, Mĩ đã nhanh chóng hất cẳng Pháp, dựng lên chính quyền Ngô Đình Diệm, âm mưu chia cắt lâu dài Việt Nam, biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của Mĩ. Nhưng mưu đồ của Mĩ đã vấp phải ý chí quật cường và cuộc đấu tranh anh dũng của nhân dân Việt Nam.
- Chiến tranh Việt Nam đã trở thành cuộc chiến tranh cục bộ lớn nhất phản ánh mâu thuẫn giữa hai phe. Nhưng cuối cùng, mọi chiến lược chiến tranh của Mĩ đều bị phá sản. Tháng 01 - 1973, Hiệp định Pari được kí kết. Theo đó, Mĩ cam kết tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản là độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, rút quân khỏi Việt Nam, cam kết không dính líu hoặc can thiệp về quân sự đối với nước ta.
- Nhân dân ba nước Đông Dương đoàn kết tiến hành cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước, đến năm 1975 giành thắng lợi hoàn toàn.
- Tóm lại, trong thời kì Chiến tranh lạnh, hầu như mọi cuộc chiến tranh hoặc xung đột quân sự ở các khu vực trên thế giới, với những hình thức và mức độ khác nhau, đều liên quan tới sự “đối đầu” giữa hai cực Xô - Mĩ.
III. Xu thế hoà hoãn Đông – Tây và chiến tranh lạnh chấm dứt
1. Xu thế hoà hoãn Đông – Tây
- Đầu những năm 70 xu hướng hoà hoãn Đông – Tây đã xuất hiện với những cuộc gặp gỡ thương lượng Xô - Mĩ.
+ Ngày 9 - 11 - 1972, hai nước Đức: Cộng hoà Dân chủ và Cộng hoà Liên bang đã kí kết tại Bon Hiệp định về những cơ sở của quan hệ giữa Đông Đức và Tây Đức.
+ Cũng trong năm 1972, hai siêu cường Liên Xô, Mĩ đã thỏa thuận về việc hạn chế vũ khí chiến lược và kí Hiệp ước về việc hạm chê hệ thống phòng chống tên lửa (ABM), sau đó là Hiệp định hạn chế vũ khí tiến công chiến lược (gọi tắt là SALT-1).
+ Đầu tháng 8 - 1975, 33 nước châu Âu cùng với Mĩ, Canada đã kí kết Định ước Henxinki, khẳng định những nguyên tắc trong quan hệ giữa các quốc gia như bình đẳng, chủ quyền, sự bền vững của đường biên giới, giải quyết hoà bình các tranh chấp.
2. Chiến tranh lạnh chấm dứt
- Từ đầu những năm 70, hai siêu cường Xô - Mĩ đã tiến hành những cuộc gặp cấp cao, nhất là từ năm 1985 khi Goócbachốp lên cầm quyền ở Liên Xô.
- Tháng 12 - 1989, trong cuộc gặp không chính thức tại đảo Manta (Địa Trung Hải). Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Goócbachốp và Tổng thống Mĩ Busơ đã chính thức cùng tuyên bố chấm dứt Chiến tranh lạnh.
- Chiến tranh lạnh chấm dứt đã mở ra nhiều hướng và những điều kiện giải quyết hoà bình các vụ tranh chấp, xung đột đang diễn ra ở nhiều khu vực trên thế giới.
IV. Thế giới sau chiến tranh lạnh
- Sau nhiều năm trì trệ và khủng hoảng kéo dài, tới những năm 1989 - 1991 chế độ xã hội chủ nghĩa đã bị tan rã ở các nước Đông Âu và Liên bang Xô viết.
- Ngày 28 - 6 - 1991, Hội đồng Tương trợ kinh tế (SEV) tuyên bố giải thể và sau đó ngày 01 - 7 - 1991, tổ chức Hiệp ước Vácsava chấm dứt hoạt động. Với “cực” Liên Xô tan rã, hệ thống thế giới của các nước xã hội chủ nghĩa không còn tồn tại và trật tự thế giới hai cực Ianta đã sụp đổ. Thế “hai cực” của hai siêu cường không còn nữa, Mĩ là “cực” duy nhất còn lại.
- Từ sau năm 1991, tình hình thế giới đã diễn ra những thay đổi to lớn và phức tạp.
Một là, trật tự thế giới hai cực đã sụp đổ nhưng trật tự thế giới mới lại đang trong quá trình hình thành.
Hai Là, sau Chiến tranh lạnh, hầu như các quốc gia đều điều chỉnh chiến lược phát triển, tập trung vào phát triển kinh tế.
Ba là, sự tan rã của Liên Xô đã tạo cho Mĩ một lợi thế tạm thời. Giới cầm quyền Mĩ ra sức thiết lập trật tự thế giới một cực để Mĩ làm bá chủ thế giới.
Bốn là, sau Chiến tranh lạnh, hoà bình thế giới được củng cố, nhưng ở nhiều khu vực tình hình lại không ổn định với những cuộc nội chiến, xung đột quân sự đẫm máu kéo dài.
- Bước sang thế kỉ XXI, với sự tiến triển của xu thế hoà bình, hợp tác và phát triển, các dân tộc hi vọng về một tương lai tốt đẹp của loài người. Nhưng cuộc tấn công khủng bố bất ngờ vào nước Mĩ ngày 11 - 9 - 2001 đã mở đầu cho một thời kì biến động lớn trong tình hình thế giới.