I. Những nội dung chủ yếu của lịch sử thế giới từ sau năm 1945
1. Sau Chiên tranh thế giới thứ II, một trật tự thế giới đã được xác lập. Đó là trật tự thế giới hai cực Ianta với đặc trưng nổi bật là thế giới như phân đôi, chia thành hai phe tư bản chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa do hai siêu cường Mĩ và Liên Xô đứng đầu mỗi phe.
2. Với thắng lợi của các cuộc cách mạng dân chủ nhân dân ở các nước Đông Âu, chủ nghĩa xã hội đã vượt ra khỏi phạm vi một nước, trở thành một hệ thống thế giới.
3. Ngay sau Chiến tranh thế giới thứ hai, một cao trào giải phóng dân tộc đã dấy lên mạnh mẽ ở các nước Á, Phi và Mĩ Latinh.
4. Trong nửa sau thế kỉ XX, hệ thống đế quốc chủ nghĩa đã có nhũng biến chuyển quan trọng.
- Mĩ đã vươn lên trở thành nước đế quốc giàu mạnh nhất.
- Nhờ có sự điều chỉnh kịp thời, nền kinh tế các nước tư bản đã tăng trưởng khá liên tục, đưa lại những thay đổi về chất trong cơ cấu cũng như xu hướng phát triển và hình thành các trung tâm kinh tế lớn của thế giới.
- Dưới tác động to lớn của cách mạng khoa học - kĩ thuật, nhất là sự phát triển mạnh mẽ của lực lượng sản xuất, các nước tư bản ngày càng có xu hướng liên kết kinh tế khu vực, tiêu biểu là sự ra đời từ hơn 40 năm qua của Cộng đồng kinh tế châu Âu (EEC) mà ngày nay là Liên minh châu Âu (EU). Mĩ, EU và Nhật Bản đã trở thành ba trung tâm kinh tế lớn của thế giới. Mặc dù có sự phát triển như thế, chủ nghĩa tư bản vẫn không thể khắc phục được những mâu thuẫn vốn có của nó.
5. So với các giai đoạn lịch sử thế giới trước đây, chưa bao giờ các quan hệ quốc tế lại mở rộng và đa dạng như trong nửa sau thế kỷ XX
- Những nét nổi bật của quan hệ quốc tế từ sau Chiến tranh thế giới thứ II là:
+ Tình trạng đối đầu gay gắt giữa hai siêu cường, hai phe mà đỉnh cao là tình trạng Chiến tranh lạnh kéo dài tới hơn bốn thập kỉ.
+ Tuy nhiên, các quốc gia vẫn cùng tồn tại hoà bình, vừa đấu tranh, vừa hợp tác. Cả hai siêu cường cũng như các nước khác đều ý thức về những hiểm họa khủng khiếp không lường hết được của một cuộc chiến tranh hạt nhân. Cuối cùng, chiến tranh lạnh chấm dứt, thế giới chuyển dần sang xu thế hoà hoãn và hoà dịu, đối thoại và hợp tác phát triển.
6. Từ sau Chiến tranh thế giới thứ II, một cuộc cách mạng khoa học - kĩ thuật đã diễn ra với quy mô, nội dung và nhịp điệu chưa từng thấy cùng những hệ quả về nhiều mặt là vô cùng to lớn.
- Sự phát triển của cách mạng khoa học - kĩ thuật, xu thế toàn cầu hoá đã diễn ra như một làn sóng nhanh ra thế giới. Có thể nói toàn cầu hoá đòi hỏi các quốc gia phải có lời giải đáp và sự thích ứng để vừa kịp thời vừa khôn ngoan, tránh việc bỏ lỡ cơ hội và tụt hậu hết sức nguy hiểm.
II. Xu thế phát triển của thế giới ngày nay
- Sau Chiến tranh lạnh, hầu như tất cả các quốc gia đều ra sức điều chỉnh chiến lược phát triển lấy kinh tế làm trọng điểm.
- Sau Chiến tranh, quan hệ giữa các nước lớn theo chiều hướng đối thoại, thỏa hiệp, tránh xung đột trực tiếp nhằm tạo nên một môi trường quốc tế thuận lợi giúp họ vươn lên mạnh mẽ, xác lập một vị trí ưu thế trong trật tự thế giới mới.
- Tuy hoà bình và ổn định là xu thế chủ đạo của tình hình thế giới sau chiến tranh lạnh, nhưng ở nhiều khu vực vẫn diễn ra nội chiến và xung đột.
- Những năm 90 sau Chiến tranh lạnh, thế giới đã và đang chứng kiến xu thế toàn cầu hoá diễn ra ngày càng mạnh mẽ.
- Toàn cầu hoá là xu thế phát triển khách quan. Đối với các nước đang phát triển, đây vừa là thời cơ thuận lợi, vừa là thách thức gay gắt trong sự vươn lên của đất nước.
- Loài người đã bước sang thế kỉ XXI. Mặc dù còn gặp không ít khó khăn gian khổ và thách thức gay gắt, các dân tộc ngày càng có tiếng nói chung, đoàn kết cùng nhau đấu tranh vì một thế giới hoà bình ổn định, hợp tác phát triển vì công bằng hạnh phúc cho mỗi con người, cho mỗi dân tộc trên hành tinh.