Cuối năm 1926, đầu năm 1927, tại Hà Nội, một nhóm những thanh niên có tư tưởng yêu nước cho ra đời Nam Đồng thư xã, một nhà xuất bản chuyên in những sách báo tiến bộ do anh em Phạm Tuấn Tài, Phạm Tuấn Lâm chủ trương: Dần dần Nam Đồng thư xã đã tập hợp được một số trí thức, công chức, sinh viên, nhân sĩ… trong đó sau này có những người trở thành yếu nhân của Việt Nam Quốc dân đảng như Nguyễn Thái Học, Phó Đức Chính, Đoàn Trần Nghiệp… Sau thời gian vận động chuẩn bị, vào đêm 24 rạng 25-12-1927, một cuộc họp được tổ chức tại số nhà 9 đường 96 phố Trúc Bạch (Hà Nội), quyết định thành lập tổ chức chống Pháp lấy tên là Việt Nam Quốc dân đảng.
а. Sự ra đời: Thành lập 25/12/1927.
b. Về tổ chức, tôn chỉ mục đích và đường lối:
- Đảng lấy chủ nghĩa Tam dân của Tôn Trung Sơn - một trào lưu cách mạng dân tộc dân chủ đang rất thịnh hành ở Trung Quốc lúc bây giờ làm tôn chỉ mục đích của mình.
- Đường lối cách mạng được đề ra một cách chung chung là làm cách mạng dân tộc, xây dựng nền dân chủ, giúp đỡ các dân tộc bị áp bức, nhưng lại không chủ trương đấu tranh giai cấp.
- Thành phần đảng viên rất phức tạp.
- Lãnh đạo Đảng là các ông: Nguyễn Thái Học, Nguyễn Khắc Nhu, v.v...
- Tổ chức bí mật nhưng lỏng lẻo, kỷ luật thiếu nghiêm minh. Việc kết nạp đảng viên diễn ra bừa bãi, thiếu giáo dục, thiếu điều tra kỹ lưỡng. Bọn đế quốc dễ lợi dụng sơ hở này đưa tay chân vào phá hoại Đảng. Chúng đã theo dõi và nắm hết mọi kế hoạch và hoạt động của Đảng. Chúng chỉ chờ khi Đảng hành động là chúng ra tay đàn áp. Đảng đã gây được cơ sở từ Trung ương đến địa phương, chủ yếu là ở các tỉnh Bắc Kỳ.
- Về phương pháp cách mạng: Đảng lấy phương pháp ám sát cá nhân là chủ yếu.
- Về hoạt động: Đảng chỉ gây được một vài vụ ám sát nhỏ, không đáng kể. Duy chỉ có cuộc khỏi nghĩa Yên Bái là hành động có tiếng vang lớn nhất mà thôi. Việt Nam Quốc dân Đảng đại diện quyền lợi của giai cấp tư sản dân tộc và tầng lớp tiểu tư sản bậc trên ở nước ta.