Trước và trong Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, phong trào công nhân Việt Nam đã phát triển mạnh nhưng chỉ mang tính chất tự phát. Từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ nhất trở đi, thực dân Pháp đẩy mạnh cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai ở Đông Dương làm cho số lượng công nhân Việt Nam đông lên hơn trước rất nhiều. Do đó phong trào đấu tranh của họ cũng mạnh hơn nhiều so với thời kỳ trước.
Từ năm 1919 đến năm 1930, phong trào công nhân diễn ra qua hai thời kỳ nhỏ:
a. Từ 1919 đến 1925: Phong trào phát triển ngày càng mạnh.
Dẫn chứng:
- Đấu tranh của công nhân và thuỷ thủ Pháp trên các tàu chiến Pháp ghé vào các cảng Hải Phòng (1919) và Sài Gòn (1920).
- Bãi công của công nhân và viên chức các sở công thương của tư nhân ở Bắc Kỳ đòi chủ tư bản người pháp phải cho họ nghỉ ngày chủ nhật có trả lương (1922). Cũng năm 1922 còn có các cuộc bãi công của công nhân nhà máy dệt, rượu, xay xát gạo ở Nam Định, Hà Nội, Hải Dương, v.v... Chỉ tính trong vòng 6 năm (1919 - 1925), công nhân Việt Nam đã tiến hành được 25 cuộc bãi công lớn nhỏ. Tiêu biểu nhất là cuộc bãi công của công nhân xưởng sửa chữa tàu thuỷ Ba Son ở Sài Gòn nhằm ngăn cản tàu chiến Pháp chở lính sang tham gia đàn áp phong trào đấu tranh của nhân dân và thuỷ thủ Trung Quốc (8/1925).
Về chất lượng: Phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân đã bước đầu đi vào tổ chức. Ví dụ: năm 1920 công nhân Sài Gòn - Chợ Lớn đã biết thành lập “Công hội đỏ” do Tôn Đức Thắng đứng đầu. Tính đến năm 1925 phong trào công nhân đã bước đầu chịu ảnh hưởng của Cách mạng tháng Mười Nga (1917), đã chiếm một vị trí quan trọng trong phong trào yêu nước nói chung nhưng giai cấp công nhân vẫn chưa trở thành người lãnh đạo cách mạng được vì còn thiếu một lý luận cách mạng tiên tiến, thiếu lý luận này thì phong trào công nhân cùng lắm chỉ trở thành phong trào công đoàn mà thôi. Vì thế phong trào công nhân từ năm 1919 đến năm 1925 vẫn chưa vượt khỏi khuôn khổ hình thức đấu tranh tự phát.
b. Từ 1926 đến 1930:
Từ năm 1926 trở đi, phong trào công nhân Việt Nam được điều kiện mới tác động đến. Đó là:
- Những sách báo do Nguyễn Ái Quốc viết ở Pháp (1920 - 1923), ở Liên Xô (1923-1924) được các thuỷ thủ Việt Nam bí mật gửi về nước làm thức tỉnh đồng bào trong nước, tác động tới phong trào công nhân.
- Cách mạng dân tộc, dân chủ ở Trung Quốc mà trung tâm là Quảng Châu phát triển mạnh. Công xã Quảng Châu bùng nổ năm 1927, tiếp đến là vụ phản biến của bọn Quốc dân Đảng Tưởng Giới Thạch đã cung cấp bài học kinh nghiệm về vai trò cách mạng của giai cấp công nhân trong cách mạng dân tộc dân chủ ở các nước thuộc địa và nửa thuộc địa, về tính chất hai mặt của giai cấp tư sản dân tộc.
- Đại hội lần thứ VI của Quốc tế cộng sản ra nghị quyết quan trọng về phong trào cách mạng ở các nước thuộc địa v.v... làm cho phong trào công nhân phát triển mạnh lân.
Dẫn chứng:
+ Năm 1926 -1927 đã nổ ra hàng trăm cuộc bãi công, lớn nhất là cuộc bãi công của công nhân các đồn điền ở Bắc Kỳ (1926) vừa sôi nổi, vừa kéo dài, của công nhân nhà máy sợi (Nam Định), dồn điền cà phê Rayna (Thái Nguyên), dồn điền cao su Phú Riềng (Nam Bộ), của công nhân nhà máy xe lửa Trường Thi (Nghệ An) và công nhân ngành đường sắt toàn Đông Dương (1927). Cuối năm 1928, sau khi có chủ trương “vô sản hoá” nhiều cán bộ của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên đã đi sâu vào các nhà máy, hầm mỏ, đồn điền cùng sinh hoạt và lao động với công nhân, tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin cho công nhân làm cho phong trào công nhân đã có sự chuyển biến dần dần về chất, biểu hiện ở chỗ số lượng các cuộc bãi công ngày một nhiều hơn. Chỉ tính riêng năm 1929, đầu năm 1930 đã có 30 cuộc bãi công quy mô lớn. Giữa các cuộc bãi công từ nơi này đến nơi khác đã có mối liên kết, ủng hộ lần nhau. Ý thức giác ngộ về giai cấp của công nhân đã tăng lên rõ rệt. Phong trào công nhân chuyển mạnh sang tự giác dòi hỏi phải có một tổ chức lãnh đạo mới đủ sức lãnh đạo phong trào, nghĩa là phải tiến tới thành lập Đảng Cộng sản. Từ đó dẫn đến sự phá vỡ các tổ chức Thanh niên và Tân Việt để thành lập ba tổ chức cộng sản tiền thân là Đông Dương Cộng sản Đảng (6/1929), An Nam Cộng sản Đảng (7/1929) và Đông Dương Cộng sản Liên đoàn (9/1929), cuối cùng ba tổ chức này đã hợp nhất thành Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930).
c. Nhận xét:
Việc Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời chứng tỏ rằng giai cấp công nhân Việt Nam đã trưởng thành và đủ sức lãnh đạo phong trào cách mạng ở Việt Nam. Quá trình phát triển của phong trào công nhân Việt Nam từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ nhất đến đầu năm 1930 chính là quá trình đi từ hình thức đấu tranh tự phát tiến tới đấu tranh tự giác.