Câu 1. (2 điểm)
Thế nào là từ đồng nghĩa? Phân biệt từ đồng nghĩa hoàn toàn và đồng nghĩa không hoàn toàn?
Câu 2. (3 điểm)
Nhận xét cách dùng từ trong các ví dụ sau:
1. Mẹ tôi được Sở Giáo dục biếu kỉ niệm chương Vì Sự nghiệp Giáo dục.
2. Hôm nay, con mời cả nhà đi đánh chén một bữa cho no nê.
3. Cụ ấy ốm nặng đã băng hà hôm qua rồi.
4. Tội nghiệp. Qua một trận đau, trông thằng bé yếu đuối quá!
Câu 3. (5 điểm)
Dùng kiến thức từ đồng âm, trả lời các câu hỏi:
1. Phân biệt nghĩa của từ đồng âm trong các trường hợp sau đây:
A. Ruồi đậu mâm xôi đậu.
B. Kiến bò đĩa thịt bò.
C. Đá mòn nhưng dạ chẳng mòn; Tào khê nước chảy hãy còn trơ trơ.
2. Từ thực tế nói và viết, muốn sử dụng đúng từ đồng âm, các em phải đặc biệt lưu ý điều gì?
----------------------------------
HƯỚNG DẪN TRẢ LỜI
Câu 1:
a. Từ đồng nghĩa là những từ có nghĩa giống nhau hoặc gần giống nhau. Ví dụ: hi sinh, tử trận, băng hà, bỏ mạng.
b. Phân biệt từ đồng nghĩa hoàn toàn và đồng nghĩa không hoàn toàn.
- Từ đồng nghĩa hoàn toàn là những từ đồng nghĩa về nghĩa biểu vật, biểu niệm, biểu thái có thể thay thế cho nhau.
Ví dụ: - xe lửa, xe hoả, tàu hoả, heo, lợn.
- Từ đồng nghĩa không hoàn toàn gồm những từ có một số nét nghĩa trùng nhau có một số nét nghĩa khác.
Ví dụ:
+ Hi sinh, từ trần.
+ Vui mừng, hí hửng, phấn khởi.
Câu 2:
1. Không dùng “biếu” mà dùng “tặng” vì tặng mang sắc thái nghĩa ghi nhận công sức công hiến của người được tặng.
2. Không dùng “đánh chén” mà “dùng cơm” hoặc “ăn cơm” vì từ “đánh chén” mang sắc thái nghĩa suồng sã, không phù hợp với đối tượng được mời, lời mời.
3. Không dùng “băng hà” mà dùng “qua đời” hoặc “mất, đi”.
4. Không dùng “yếu đuối” mà dùng “yếu ớt”.
Câu 3:
1. Phân biệt các từ đồng âm
- “Đậu”(1) là động từ mang nét nghĩa chỉ trạng thái đứng yên một chỗ tạm thời không di chuyển.
- “Đậu”(2) một loài hạt dùng làm thức ăn.
Hai nghĩa trên không có liên hệ gì với nhau, nên chúng là hai từ đồng âm.
- “Bò”(1) di chuyên ở tư thế nằm sấp (bụng áp xuống đất) bằng cử động của toàn thân hoặc của những chân ngắn.
- “Bò”(2) động vật nhai lại, bốn chân, sừng rỗng và ngắn, nuôi để lấy sức kéo, ăn thịt hay lấy sữa.
Như vậy “bò”(1) và “bò”(2) cũng là hai từ đồng âm.
- “Mòn”(1) chỉ sự hao hớt trên bề mặt do sự cọ xát
- “Mòn”(2) mang nét nghĩa bền bỉ, kiên trung (sự chung thuỷ)
Hai từ “mòn”(1) và “mòn”(2) là từ đồng âm.
* Từ thực tế sử dụng từ đồng âm, các em phải lưu ý đặt từ vào ngữ cảnh, tình huống và đối tượng giao tiếp để hiểu đúng nghĩa của từ.