1. TRẮC NGHIỆM (3 điểm)
Chọn đáp án đúng nhất.
Câu 1. Tác phẩm trữ tình là:
A. Những văn bản viết bằng thơ.
B. Những tác phẩm kể lại một câu chuyện cảm động.
C. Thơ và tuỳ bút.
D. Những văn bản thể hiện tình cảm, cảm xúc của tác giả.
Câu 2: Bài thơ nào sau đây không thuộc thể thơ thất ngôn tứ tuyệt?
A. Bạn đến chơi nhà.
C. Cảnh khuya.
B. Bánh trôi nước.
D. Xa ngắm thác núi Lư.
Câu 3: Ý nào sau đây nêu đúng vẻ đẹp của mùa xuân ở miền Bắc?
A. Tươi tắn và sôi động.
B. Lạnh lẽo và u buồn.
C. Không gian trong sáng và ấm áp.
D. Thời tiết se lạnh nhưng lòng người ấp áp tình thương.
Câu 4: Từ “và” trong câu “Và không bao giờ có hai màu hoà hợp hơn được nữa” là quan hệ từ dùng để làm gì?
A. Làm chủ ngữ.
B. Nối hai thành phần của chủ ngữ.
C. Liên kết câu đó với câu trước đó.
D. Không có tác dụng liên kết câu.
Câu 5: Vẻ đẹp trong hai câu đầu bài thơ “Cảnh khuya” của Chủ tịch Hồ Chí Minh là gì?
A. Sử dụng có hiệu quả phép so sánh và nhân hoá.
B. Miêu tả âm thanh tinh tế và hình ảnh sinh động.
C. Vận dụng sáng tạo những hình ảnh quen thuộc của Đường thi.
D. Kết hợp giữa miêu tả và biểu cảm trực tiếp.
Câu 6: Hãy chọn cách viết đúng về câu thành ngữ sau:
A. Lên ghềnh, xuống thác.
B. Xuống ghềnh, lên thác.
C. Lên thác xuống ghềnh.
D. Lên núi xuống ghềnh.
2. TỰ LUẬN
1. Tìm một ví dụ về phép điệp ngữ trong bài thơ “Tiếng gà trưa” của Xuân Quỳnh và nêu tác dụng của phép điệp ngữ đó? (2 điểm).
2. Phát biểu cảm nghĩ về bài thơ “Qua Đèo Ngang” của Bà Huyện Thanh Quan (5 điểm).
--------------------------------
HƯỚNG DẪN TRẢ LỜI
1. TRẮC NGHIỆM (Mỗi câu trả lời đúng đạt 0,5 điểm).
Câu | 1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 |
Đáp án | D | A | D | C | B | C |
2. TỰ LUẬN
Bài viết cần đạt những yêu cầu sau:
* Nội dung:
a. Tìm được ví dụ về phép điệp ngữ trong bài thơ “Tiếng gà trưa” của Xuân Quỳnh (1 điểm), nêu tác dụng của phép điệp ngữ vừa tìm được (1 điểm).
b. Bài có thể có nhiều cách trình bày, song phải đảm bảo các yêu cầu và nội dung cơ bản sau:
1. Mở bài:
Giới thiệu hoàn cảnh sáng tác và hoàn cảnh tiếp xúc bài thơ.
2. Thân bài: Những cảm xúc, suy nghĩ do bài thơ gợi lên.
- Đây là một bài thơ hay của Bà Huyện Thanh Quan.
- Bôn câu thơ đầu tả cảnh Đèo Ngang vào lúc chiều tà bóng xế, cảnh đẹp nhưng buồn.
+ Thiên nhiên hoang vu hiểm trở.
+ Con người bé nhỏ thưa thớt.
Cảnh vật ấy đủ để nhà thơ cảm nhận một cách sâu lắng sự buồn vắng, quạnh hiu của buổi chiều tà ở miền sơn cước.
- Bốn câu thơ sau mượn cảnh để tả tình.
+ Nói lên tâm sự của tác giả: nỗi niềm nhớ nước, nhớ quê hương trong niềm cô quạnh, buồn thương man mác của tâm hồn.
+ Khép lại bài thơ là hình ảnh bé nhỏ của nữ sĩ trước một khung cảnh mở rộng đến vô tận “trời, non, nước” khiến nhà thơ càng thấy cô đơn quạnh quẽ “ta với ta” nhưng chỉ có “một mảnh tình riêng”.
3. Kết bài
Thể hiện tình cảm, ấn tượng chung về bài thơ.
* Hình thức:
Bài viết đầy đủ các phần, không sai lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu, chữ viết rõ, trình bày sạch sẽ.