1. TRẮC NGHIỆM (3 điểm)
Câu 1: Trong những câu văn sau đây, câu văn nào có nội dung giải thích về đức tính giản dị của Bác Hồ:
A. Chủ tịch Hồ Chí Minh là người Việt Nam, Việt Nam hơn bất cứ người Việt Nam nào hết.
B. Bác suốt đời làm việc, suốt ngày làm việc.
C. Bữa cơm chỉ vài ba món giản đơn, lúc ăn Bác không để rơi vãi một hột.
D. Bác Hồ sống đời sống giản dị, thanh bạch như vậy, bởi vì Người sống sôi nổi, phong phú đời sống và cuộc đấu tranh gian khổ và ác liệt của quần chúng nhân dân.
Câu 2: Nội dung của văn bản nhật dụng?
A. Những vấn đề thời sự đang diễn ra trong cuộc sống hôm nay.
B. Những vấn đề truyền thuyết xa xưa.
C. Những câu chuyện thần thoại của một thời “Một đi không trở lại”.
D. Những câu chuyện tiểu thuyết.
Câu 3: Nội dung nhật dụng của văn bản “Ca Huế trên sông Hương”
A. Đây là chứng nhân lịch sử của kinh đô Huế.
B. Thể hiện vẻ đẹp thâm trầm và mộng mơ của Huế.
C. Ca ngợi và tuyên truyền cho nét đẹp của văn hóa cố đô Huế.
D. Không phải những nội dung này.
Câu 4: Nêu viết: “Bước xuống một con thuyền rồng, có lẽ con thuyền này xưa kia chỉ dành cho vua chúa” thì câu văn sẽ thiếu thành phần nào?
A. Chủ ngữ.
B. Vị ngữ.
C. Trạng ngữ.
D. Bổ ngừ.
Câu 5: Các câu sau đây, câu nào biến đổi được thành câu bị động:
A. Nó rời nhà lúc chiều tối.
B. Thầy giáo nhắc nhở nó không được bỏ học.
C. Nó hỏi thầy giáo khi nào thì được nghỉ hè.
D. Các bạn của em vừa ra khỏi lớp.
Câu 6. Hãy chỉ ra kiểu liệt kê trong câu thơ sau:
Bác ngồi đó lớn mênh mông
Trời xanh, biển rộng, ruộng đồng, nước non
A. Liệt kê theo từng cặp.
B. Liệt kê không theo từng cặp.
C. Liệt kê tăng tiến.
D. Liệt kê không tăng tiến.
2. TỰ LUẬN (7 điểm)
“Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước phải thương nhau cùng”.
Hãy tìm hiểu người xưa muốn nhắn nhủ điều gì qua câu ca dao ấy.
HƯỚNG DẨN TRẢ LỜI
1. TRẮC NGHIỆM (3 điểm) (Mỗi câu đúng được 0.5 điểm).
Câu | 1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 |
Đáp án | D | A | C | A | B | C |
2. TỰ LUẬN
1. Mở bài: Giới thiệu câu ca dao (1 điểm).
2. Thân bài: (5 điểm)
- Giải thích từng câu.
- Ý nghĩa của câu ca dao trong cuộc sống.
3. Kết bài: (1 điểm)
Tình đồng bào và niềm tự hào đối với đất nước ngày càng được đề cao.
Bài làm tham khảo
Ca dao tục ngữ từ xưa đến nay vẫn luôn là những bài học vô cùng quý báu mà ông cha ta đúc kết để lại cho con cháu. Chúng không cũ đi, mà vẫn luôn có giá trị trong cuộc sống của chúng ta hôm nay và mãi mãi về sau. Có những câu ca dao khuyên bảo chúng ta cần phải biết yêu thương gia đình, có những câu cao dao khuyên chúng ta phải biết yêu đất nước, cả dân tộc phải biết đoàn kết.
Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước phải thương nhau cùng
Là một bài ca dao về chủ đề tình yêu quê hương đất nước. Bài ca dao khuyên chúng ta phải biết yêu thương đùm bọc đồng bào của mình, dù không có quan hệ huyết thống, nhưng để là con rồng cháu tiên, cùng chung một nguồn gốc, cùng sống trong một bờ cõi.
Nhiễu điều, đó là tấm vải được phủ lên giá giương khi không sử dụng, nhằm giữ cho giá gương luôn sạch sẽ, không bị bụi bẩn và luôn bền đẹp. Giá gương luôn cần tấm nhiễu, cũng như tấm nhiễu chỉ phát huy được tác dụng của mình khi được phủ lên giá gương. Đó là nghĩa đen của câu ca dao. Và ngay ở câu tiếp theo, ý nghĩa của hai hình ảnh tượng trưng nhiễu điều – giá gương đã trở nên rõ ràng . Đó chính là hình ảnh những người trong một nước. Ông cha ta đã khuyên con cháu rằng phải biết yêu thương, đùm bọc lẫn nhau, phải biết đoàn kết để tạo lên sức mạnh tập thể, cũng như nhiễu điều – giá gương, lúc nào cũng ở bên cạnh, bổ sung cho nhau, khiến cho vật kia trở nên có ý nghĩa hơn, đẹp hơn. Bác Hồ đã dạy chúng ta: “Một cây làm chẳng nên non/ Ba cây chụm lại nên hòn núi cao” để nói lên sức mạnh của đoàn kết, sức mạnh của tập thể.
Theo truyền thuyết, Lạc Long Quân và Âu Cơ đẻ ra đồng bào ta trong bọc trứng. Như vậy, chúng ta đâu phải là người xa lạ. Chúng ta đều có chung tổ tiên, chung nguồn gốc, đều là anh em một nhà trên dải đất hình chữ S. Năm mươi tư dân tộc anh em cùng nhau đoàn kết, chung tay xây dựng và bảo vệ đất nước.
Từ xưa đến nay, nhân dân ta đã có tinh thần đoàn kết vô cùng to lớn. Trong rất nhiều các cuộc kháng chiến, nhân dân ta phải đối mặt với những kẻ thù mạnh hơn, tàn ác hơn gấp nhiều lần. Nhưng bằng tinh thần đoàn kết, sự mưu trí, dũng cảm, mà sau hơn 1000 năm Bắc thuộc, rồi đến những kẻ thù từ phương Tây với những vũ khí tối tân, hiện đại, chúng ta vẫn là một nước tự do, độc lập. Chỉ với những gậy gốc. Rồi những năm kháng chiến gian khổ, mọi hoạt động đều tập trung tại Việt Bắc. Nếu không có sự giúp đỡ của đồng bào và người dân nơi mảnh đất ấy, làm sao kháng chiến có thể thành công, làm sao chúng ta có thể giành được độc lập.
Ngày nay, trong thời đại hòa bình, tinh thần đoàn kết ấy vẫn luôn luôn sáng mãi trong lòng mỗi chúng ta. Chúng ta vẫn cảm thấy đau khi nhìn thấy những đồng bào miền Trung gặp bão lũ. Chúng ta vẫn hết lòng quan tâm, chăm lo cho những người già neo đơn, những em nhỏ cơ nhỡ, những người khó khăn xung quanh ta. Chia sẻ khó khăn với người khác khiến cho chúng ta thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn, mọi người cũng thêm xích lại gần nhau hơn. Trong cuộc đời mỗi chúng ta, không phải lúc nào mọi chuyện cũng thuận lợi. Ai rồi cũng cần người khác giúp đỡ, dù là về vật chất hay tinh thần. Vì vậy, hãy cứ cho đi khi có thể. Rồi một ngày bạn sẽ nhận lại được nhiều hơn những gì bạn cho đi. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết bài hát trong đó có câu: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng. Để làm gì em biết không? Để gió cuốn đi…”
Đoàn kết, yêu thương tạo ra sức mạnh tập thể vô cùng to lớn. Chẳng thế mà chỉ với giáo mác gậy gộc, chúng ta chiến thắng được những đế quốc vô cùng hùng mạnh, tàn ác. Chính lòng yêu thương, sự sẻ chia của những người xung quanh khiến những người có hoàn cảnh khó khăn có một cuộc sống tốt đẹp hơn, ý nghĩa hơn, ấm áp hơn bao giờ hết. Nhờ những tấm lòng, em bé vùng cao có áo ấm, được học cái chữ, được học điều hay. Nhờ những tấm lòng, những cụ già neo đơn không còn phải cô đơn một mình nữa. Nhờ những tấm lòng, kết nối những yêu thương. Những chương trình vô cùng có ý nghĩa như “Áo ấm vùng cao”, “Trung thu cho em”, “ Tết trọn vẹn” đã giúp cho những người có hoàn cảnh khó khăn có được một cuộc sống tốt hơn, và quan trọng hơn, là giúp họ nhận được những sẻ chia, ấm áp của tình người.
Tuy nhiên, vẫn còn có những người thờ ơ với những hoàn cảnh khó khăn xung quanh mình. Đó là khi chúng ta nhìn thấy người đi đường bị đổ xe nhưng không ai chịu dừng lại vài phút để giúp. Hay những cánh tay xua đuổi những em bé ăn xin tội nghiệp. Người ta ngày càng ích kỉ, chỉ biết bo bo giữ mình, sợ bị lừa, sợ bị thiệt. Nhưng may mắn thay, đó chỉ là số ít người trong xã hội mà thôi. Hãy thử nghĩ mà xem, chúng ta sống một cuộc sống mà chỉ biết mình, thì sẽ buồn chán, tẻ nhạt đến thế nào? Không chỉ thế, xã hội không có sự giúp đỡ, sẽ thụt lùi, chậm phát triển. Thật là một hậu quả đáng sợ, đáng suy ngẫm.
Bác Hồ của chúng ta đã từng nói: “Non sông Việt Nam là một. Dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lí đó không bao giờ thay đổi.”. Hãy luôn nhớ rằng dân tộc ta luôn là một thể thống nhất, dù có khác nhau về ngôn ngữ, nhưng các dân tộc vẫn là anh em, vẫn luôn phải đoàn kết để cùng nhau giữ gìn và phát triển đất nước.