I. KIỂM TRA ĐỌC: (10 điểm)
1. Kiểm tra đọc thành tiếng: (3 điểm)
Học sinh bốc thăm đọc 1 đoạn văn trong 5 bài tập đọc và trả lời một câu hỏi liên quan nội dung bài đọc do giáo viên yêu cầu:
1. Bài Đường đi Sa Pa Đoạn 1 – TLCH (TV4 tập 2 trang 102)
2. Bài Hơn một nghìn ngày vòng quanh trái đất Đoạn 1 – TLCH (TV4 tập 2 trang 114)
3. Bài Ăng-co Vát Đoạn 1 – TLCH (TV4 tập 2 trang 123)
4. Bài Tiếng cười là liều thuốc bổ Đoạn 1 – TLCH (TV4 tập 2 trang 153)
5. Bài Con chuồn chuồn nước Đoạn 1 – TLCH (TV4 tập 2 trang 127)
2. Đọc thầm: (7 điểm-30 phút) Đọc thầm bài: “ Hơn một nghìn ngày vòng quanh trái đất” TV 4 tập 2 và trả lời các câu hỏi dưới bài:
Hơn một nghìn ngày vòng quanh trái đất
Ngày 20 tháng 9 năm 1519, từ cảng Xê-vi-la nước Tây Ban Nha, có năm chiếc thuyền lớn giong buồm ra khơi. Đó là hạm đội do Ma-gien-lăng chỉ huy, với nhiệm vụ khám phá con đường trên biển dẫn đến những vùng đất mới.
Vượt Đại Tây Dương, Ma-gien-lăng cho đoàn thuyền đi dọc theo bờ biển Nam Mĩ. Tới gần mỏm cực nam thì phát hiện một eo biển dẫn tới một đại dương mênh mông. Thấy sóng yên biển lặng, Ma-gien-lăng đặt tên cho đại dương mới tìm được là Thái Bình Dương.
Thái Bình Dương bát ngát, đi mãi chẳng thấy bờ. Thức ăn cạn, nước ngọt hết sạch. Thuỷ thủ phải uống nước tiểu, ninh nhừ giày và thắt lưng da để ăn. Mỗi ngày có vài ba người chết phải ném xác xuống biển. May sao, gặp một hòn đảo nhỏ, được tiếp tế thức ăn và nước ngọt, đoàn thám hiểm ổn định được tinh thần.
Đoạn đường từ đó có nhiều đảo hơn. Không phải lo thiếu thức ăn, nước uống nhưng lại nảy sinh những khó khăn mới. Trong một trận giao tranh với dân đảo Ma-tan, Ma-gien-lăng đã bỏ mình, không kịp nhìn thấy kết quả công việc mình làm.
Những thuỷ thủ còn lại tiếp tục vượt Ấn Độ Dương tìm đường trở về châu Âu. Ngày 8 tháng 9 năm 1522, đoàn thám hiểm chỉ còn một chiếc thuyền với mười tám thuỷ thủ trở về Tây Ban Nha.
Chuyến đi đầu tiên vòng quanh thế giới của Ma-gien-lăng kéo dài 1083 ngày, mất bốn chiếc thuyền lớn, với gần hai trăm người bỏ mạng dọc đường. Nhưng đoàn thám hiểm đã hoàn thành sứ mạng, khẳng định trái đất hình cầu, phát hiện Thái Bình Dương và nhiều vùng đất mới.
Theo TRẦN DIỆU TẦN và ĐỖ THÁI
Khoanh tròn vào chữ cái trước ý trả lời đúng của các câu 1, 2, 3, 5, 8.
Câu 1: (M –0,5đ) Đoàn thám hiểm do Ma-gien-lăng chỉ huy bắt đầu khởi hành vào ngày tháng năm nào?
A. 20 / 7/1519.
B. 20 / 9/1519.
C. 20 / 8/1519.
Câu 2:(M2-0,5đ) Ma-gien-lăng thực hiện cuộc thám hiểm với mục đích gì ?
A. Khám phá con đường trên biển dẫn đến những vùng đất mới.
B. Khám phá những loại cá mới sống ở Đại Tây Dương.
C. Khám phá vùng biển Thái Bình Dương.
Câu 3:(M1-0,5đ) Khi trở về, đoàn thám hiểm còn bao nhiêu chiếc thuyền ?
A. Không còn chiếc nào.
B. Còn 1 chiếc.
C. Còn 2 chiếc.
Câu 4: (M2-0,5đ) Vì sao đoàn thám hiểm chỉ còn 18 thuỷ thủ còn sống sót trở về?
....................................................................................................................................................
....................................................................................................................................................
....................................................................................................................................................
Câu 5: (M3-0,5đ) Hạm đội của Ma-gien-lăng đã đi theo hành trình nào :
A. Châu Âu – Đại Tây Dương – Châu Mĩ – Châu Âu
B. Châu Âu – Đại Tây Dương – Thái Bình Dương – Châu Á – Châu Âu
C. Châu Âu – Đại Tây Dương – Châu Mĩ – Thái Bình Dương – Châu Á - Ấn Độ Dương – Châu Âu
Câu 6: (M3–1đ) Đoàn thám hiểm đã đạt những kết quả gì ?
....................................................................................................................................................
....................................................................................................................................................
....................................................................................................................................................
Câu 7: (M1-1đ) Tìm 1 câu có trạng ngữ chỉ thời gian trong bài:
....................................................................................................................................................
....................................................................................................................................................
Câu 8: (M2-0.5đ) Những hoạt động nào được gọi là thám hiểm?
A. Đi tìm hiểu về đời sống của người dân.
B. Đi thăm dò, tìm hiểu những nơi xa lạ, khó khăn, có thể nguy hiểm.
C. Đi chơi xa để xem phong cảnh.
Câu 9 : (M3–1đ) Đặt câu khiến phù hợp với tình huống sau :
Em đóng vai một thủy thủ trong đoàn thám hiểm và đi xin người dân ở đảo thức ăn, nước uống.
....................................................................................................................................................
....................................................................................................................................................
Câu 10: (M4-1đ) Đặt một câu cảm nói về các thủy thủ tham gia đoàn thám hiểm.
....................................................................................................................................................
....................................................................................................................................................
II. Kiểm tra viết: (10 điểm)
HS viết chính tả và làm tập làm văn vào giấy ô li.
1. Chính tả ( nghe – viết) ( 2 điểm – 15 phút)
Bài: Ăng – co Vát ( Từ đầu đến như xây gạch vữa) TV4 tập 2 trang 123
Ăng - co Vát là một công trình kiến trúc và điêu khắc tuyệt diệu của nhân dân Khơ-me được xây dựng từ đầu thế kỉ XII.
Khu đến chính gồm 3 tầng với những ngọn tháp lớn. Muốn thăm hết khu đền chính phải đi qua 3 tầng hành lang dài gần 1500m và vào thăm 398 gian phòng. Suốt cuộc dạo xem kì thú đó, du khách sẽ cảm thấy như lạc vào thế giới của nghệ thuật chạm khắc và kiến trúc cổ đại Khơ-me. Đây là những cây tháp lớn được dựng bằng đá ong và bọc ngoài bằng đá nhẵn. Đây, những bức tường buồng nhẵn bóng như mặt ghế đá, hoàn toàn được ghép bằng những tảng đá lớn đẽo gọt vuông vức và lựa ghép vào nhau kín khít như xây gạch vữa.
2. Tập làm văn: (8 điểm - 35 phút)
Đề bài: Tả con vật mà em yêu thích.
ĐÁP ÁN VÀ THANG ĐIỂM
MÔN TIẾNG VIỆT LỚP 4 CUỐI HỌC KÌ II
I. KIỂM TRA ĐỌC: (10 điểm)
1. Đọc thành tiếng: (3điểm)
a. Đọc: (2 điểm)
- Đọc đúng tốc độ 85 chữ/phút, rõ ràng rành mạch, phát âm chính xác, ngắt nghỉ đúng hơi đúng ở các dấu câu (2 điểm)
- Đọc chậm nhưng rõ ràng, phát âm chính xác, nghỉ hơi đúng ở các dấu câu (1,75 điểm)
- Đọc chậm nhưng rõ ràng, phát âm chính xác, nghỉ hơi chưa đúng ở các dấu câu (1,5 điểm)
- Đọc chậm nhưng rõ ràng, phát âm chính xác, một số tiếng còn phải đánh vần, ngắt nghỉ hơi đúng ở các dấu câu (1 điểm)
- Đọc chậm, một số tiếng còn phải đánh vần, phát âm chưa chính xác, nghỉ hơi không đúng ở các dấu câu (0,5 điểm)
*(Tùy vào mức độ đọc sai sót của học sinh về dấu thanh, dấu câu,cách ngắt nghỉ hơi
. . . mà giáo viên trừ điểm cho phù hợp)
b. Trả lời câu hỏi (1 điểm)
Trả lời đúng câu hỏi có liên quan về nội dung đoạn đọc giáo viên ghi 1 điểm.
Nếu HS trả lời đúng nhưng chưa đủ ý ghi 0,5 điểm.
II. Đọc hiểu – Kiến thức Tiếng Việt: (7 điểm)
Khoanh đúng mỗi câu ghi 0.5 điểm
Câu |
1 |
2 |
3 |
5 |
8 |
Đáp án |
B |
A |
B |
C |
B |
Câu 4 : (1 điểm)
Vì họ bị chết đói, chết khát và giao tranh với dân đảo.
Câu:6 (1 điểm)
Đoàn thám hiểm đã hoàn thành sứ mạng, khẳng định trái đất hình cầu, phát hiện Thái Bình Dương và nhiều vùng đất mới.
Câu 7: (0.5 điểm)
Ví dụ: Ngày 20 tháng 9 năm 1519
Ngày 8 tháng 9 năm 1522
(Lưu ý: HS tìm được trạng ngữ khác cũng ghi 0,5 điểm)
Câu 9: ( 1điểm)
- Xin hãy cho tôi một chút thức ăn và nước uống!
- Làm ơn hãy cho tôi xin một chút thức ăn và nước uống!
- …….
(Lưu ý: HS đặt được câu khác đúng cũng ghi 0,5 điểm)
Câu 10: (1điểm) ví dụ
- Các thủy thủ tham gia thám hiểm thật là dũng cảm!
- Đoàn thủy thủ thật là giỏi!
- ............
(Lưu ý: HS đặt được câu khác đúng cũng ghi 0,5 điểm)
PHẦN II: KIỂM TRA VIẾT: (10 điểm)
1. Chính tả ( nghe – viết) ( 2 điểm – 15 phút)
Bài: Ăng – co Vát (TV4 tập 2 trang 123)
- Bài viết không mắc lỗi chính tả, chữ viết rõ ràng, sạch sẽ : 2 điểm.
- Cứ sai 6 lỗi (sai - lẫn phụ âm đầu hoặc vần, thanh, không viết hoa đúng quy định) trừ 1 điểm
- Chữ viết không rõ ràng hoặc trình bày bẩn … trừ 0,5 điểm toàn bài.
II. Tập làm văn: (8 điểm)
Bài làm đúng thể loại, đúng nội dung, bố cục rõ ràng, biết dùng từ đặt câu đúng ngữ pháp, từ ngữ sinh động; có sử dụng biện pháp so sánh và nhân hóa trong bài tả, không sai lỗi chính tả. Bài viết có sáng tạo (8 điểm).
Cụ thể:
Mở bài: (1 điểm)
- Giới thiệu được con vật theo yêu thích. (con vật định tả) (1điểm)
Thân bài: (4 điểm)
- Tả bao quát về hình dáng con vật (Tả bao quát: vóc dáng, bộ lông hoặc màu da...)
(1 điểm)
- Tả chi tiết các đặc điểm của con vật (Tả từng bộ phận: đầu, tai, mắt..., thân hình, chân, đuôi... ) (1 điểm)
- Nêu được một số hoạt động của con vật đó: bắt mồi, ăn, kêu (gáy, sủa...) (1 điểm)
- Biết sử dụng từ hợp lí, kết hợp với các hình ảnh so sánh, nhân hóa ngữ phù hợp.
(1 điểm)
Kết bài: (1 điểm)
Nêu được ích lợi của con vật và tình cảm của bản thân đối với con vật đó.
Cách trình bày: 2 điểm
- Chữ viết đẹp, đúng chính tả: 0,5 điểm
- Dùng từ hay, đặt câu đúng: 0,5 điểm
- Câu văn sáng tạo: 1 điểm
Lưu ý: trong bài viết sai 5 lỗi chính tả trừ 0,25 điểm. Tùy vào khả năng diễn đạt, mức độ sai sót của học sinh mà trừ điểm cho phù hợp.
Bài văn mẫu:
Một chú chó đáng yêu
Chủ nhật vừa rồi, ông ngoại em đem đến tặng hai chị em em một con chó nhỏ rất xinh xắn. Em bế chú ta lên tay và đặt cho chú ta một cái tên không đẹp lắm, nhưng đúng với màu lông của chú ta: Luốc Luốc.
Luốc Luốc quả là có bộ lông không đẹp tí nào, màu lông gồm ba màu đen, vàng sậm và xen một ít lông màu nâu. Đầu chú ta như một quả bóng nhỏ. Hai tai luôn dỏng lên nghe ngóng. Đôi mắt chú ta tròn xoe như hai hòn bi ve, đen láy, tinh nhanh. Mũi chú đen bóng, lúc nào cũng ươn ướt như được đánh son bóng. Lưỡi của Luốc Luốc thường vắt sang một bên, màu đỏ hồng, để lộ mấy chiếc răng nanh, nhọn hoắt, trắng tinh. Đuôi chú có lông dày, trong như cây chổi phất trần nhà lúc nào cũng rung rung thật ngộ nghĩnh. Ngực chú nở nang, bốn chân thon chắc, có móng đeo. Mấy hôm đầu, vì phải xa mẹ, lại chưa quen, nên chú ta cứ lấm la lấm lét có vẻ rất sợ sệt, nhưng chỉ sau mấy ngày, được sự quan tâm chăm sóc của em và cu Minh chú ta đã có vẻ bạo dạn hơn, đến bữa ăn, em cho cơm vào cái bát nhỏ, trộn thêm một tí đầu cá, chỉ cần gọi: Luốc Luốc, ra đây chị cho ăn nào, ngoan chị sẽ tắm cho... chỉ cần gọi đến tên, cậu ta lon ton chạy ra, âu yếm hít tay em và vẫy đuôi như muốn nói: Cô chủ tốt quá, cảm ơn cô chủ, tôi sẽ là một chú chó ngoan, sẽ bảo vệ cô chủ và tài sản của gia đình cô chủ.
Luốc Luốc là một chú chó rất tinh khôn, mỗi lần có khách đến nhà chơi, nếu em bảo: Luốc Luốc vào nhà đi, người quen đó. thế là chú ta vẫy đuôi chào, và chạy về chỗ của mình một cách ngoan ngoãn. Nhưng nếu là người lạ, chú ta sẽ sủa to và nhe hàm răng nhọn hoắt ra, những kẻ có hành vi mờ ám sẽ sợ hãi mà bỏ đi. Khác với những chú chó khác, Luốc Luốc có biệt tài đặc biệt, đó là tài leo qua hàng rào để đi dạo chơi, có thể các bạn không tin, nhưng hàng rào của gia đình em cao khoảng 2m, thế mà khi cần thiết, nó có thể leo qua một cách dễ dàng và thiện nghệ để đi qua khiến mọi người chứng kiến phải ồ lên kinh ngạc: hơn cả đặc công.
Em rất yêu Luốc Luốc, về hình dáng, chú ta không phải là một chú chó đẹp, nhưng Luốc Luốc là một chú cho tinh khôn. Từ ngày có chú ta, gia đình em yên tâm vì có một vệ sĩ trung thành và giỏi giang ngày đêm canh giấc ngủ ngon cho gia đình.