Câu 1. Truyện ngắn Hai đứa trẻ là một tác phẩm tiêu biểu cho phong cách của Thạch Lam. Anh (chị) hãy trình bày những nét đặc sắc nghệ thuật của tác phẩm trên.
Câu 2. Phân tích nhân vật viên quản ngục trong truyện ngắn Chữ người tử tù (Nguyễn Tuân) để làm sáng tỏ nhận xét : “Trong hoàn cảnh đề lao, người ta sống bằng tàn nhẫn, bằng lừa lọc, tính cách dịu dàng và lòng biết giá người, biết trọng người ngay của viên quan coi ngục này là một thanh âm trong trẻo chen vào giữa một bản đàn mà nhạc luật đều hỗn loạn xô bồ” (Nguyễn Tuân. Chữ người tử từ, SGK Văn học 11, tập một, NXB Giáo dục, 2000, trang 170).
Câu 3 . Phân tích vẻ đẹp cổ điển và hiện đại trong bài thơ Chiều tối (Nhật ký trong tù) của Hồ Chí Minh :
Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ,
Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không;
Cô em xóm núi xay ngô tối,
Xay hết, lò than đã rực hồng.
(Nam Trân dịch)
HƯỚNG DẪN LÀM BÀI
Câu 1
1. Truyện ngắn Hai đứa trẻ in trong tập Nắng trong vườn (1938) là một trong những truyện ngắn đặc sắc nhất của Thạch Lam. Tác phẩm vừa có giá trị hiện thực cao vừa thấm đượm một giá trị nhân dạo sâu sắc, Qua truyện ngắn này, Thạch Lam cũng thể hiện một tài năng viết truyện ngắn bậc thầy.
2. Truyện ngắn của Thạch Lam thường không có cốt truyện, mỗi truyện như một bài thơ. Thạch Lam có ba truyện ngắn viết về những kỉ niệm thời thơ ấu (Hai đứa trẻ, Nhà mẹ Lê, Gió lạnh đầu mùa), ở truyện ngắn Hai đứa trẻ, toàn bộ câu chuyện chỉ kể về tâm trạng thao thức của hai đứa trẻ Liên và An, mong mỏi chờ đợi một chuyến tàu đêm đi ngang qua. Thế nhưng qua câu chuyện kể tưởng như nhỏ nhặt, đơn giản ấy, Thạch Lam đã thể hiện khá chân thực khung cảnh nghèo nàn, đơn điệu của phố huyện nhỏ, thân phận và những ước mơ, khát vọng của những con người nơi đây,
3. Trong truyện ngắn Hai đứa trẻ, Thạch Lam chú trọng đi sầu vào nội tâm nhân vật với nhũng cảm xúc, cảm giác mơ hồ, mong manh. Những trang viết miêu tả tâm trạng của nhân vật (đặc biệt là nhân vật Liên) rất sâu sắc và tinh tế.
4. Thạch Lam đã sử dụng rất thành công thủ pháp nghệ thuật đối lập tương phản giũa các vùng âm thanh và ánh sáng. Cả một phố huyện chìm sâu vào bóng tối, chỉ còn một vài chấm sáng tù mù quen thuộc xung quanh ngọn đèn con của một chõng hàng nước, cái bếp lửa của hàng phở khuya vắng khách và ngọn đèn vặn nhỏ thưa thớt từng hột sáng lọt qua phên nứa của một cửa hàng tạp hóa. Những ngọn đèn tù mù như ngái ngủ đó tượng trưng cho cuộc sống tù đọng của những người dân quê nghèo khổ nơi phố huyện nhỏ của một vùng trung du.
Trong cái cảnh chìm chìm nhạt nhạt và vắng lặng đó, đêm nào cũng có một đoàn tàu đi qua mang theo những luồng ánh sáng mạnh quét vào hai bên và tiếng ồn ào làm xao động cả một vùng quê yên tĩnh. Đoàn tàu như mang đến một thế giới giàu sang và đầy ánh sáng, một thế giới lí tưởng và ước mơ, đối lập vối cái hiện thực tĩnh lặng và đầy bóng tối nơi phố vắng một huyện nhỏ. Thủ pháp đối lập mà Thạch Lam dùng ở đây cũng là thủ pháp nghệ thuật quen thuộc của các nhà lãng mạn chủ nghĩa.
5. Thạch Lam có một phong cách, một giọng điệu rất riêng - đó là lối kể chuyện thủ thỉ, tâm tình thấm đượm chất thơ. Người đọc thấy ẩn hiện, kín đáo, lặng lẽ sau những hình ảnh, những dòng chữ một tâm hồn Thạch Lam đôn hậu, tinh tế, hết sức nhạy cảm với mọi biến thái của lòng người và tạo vật.
Câu 2
1. Là một người làm nghề coi ngục, là công cụ trấn áp của bộ máy thống trị đương thời, nhưng viên quản ngục lại có thú chơi thanh tao - thú chơi chữ. Ngay từ thời trẻ khi mới “biết đọc vỡ nghĩa chữ thánh hiền” đã có sỏ nguyện “một ngày kia được treo ở nhà riêng mình một đôi câu đôi do tay ông Huấn Cao viết”.
2. Viên quản ngục trân trọng giá trị con người. Điều đó hiện rõ qua hành động “biệt đãi” của ông đối với Huấn Cao:
- Dám chơi chữ của một kẻ đại nghịch là Huấn Cao
- Dám xin chữ tử tù ngay trong nhà ngục
- Kiên trì, nhẫn nhục để có được một bức chữ.
3. Sở nguyện thanh cao muốn có được chữ của Huấn Cao để treo ở nhà riêng của mình bất chấp nguy hiểm, cùng thái độ thành kính đón nhận chữ của Huấn Cao cho thấy tấm lòng “biệt nhỡn liên tài”, biết trân trọng nhũng giá trị văn hóa của viên quản ngục.
4. Diễn biến nội tâm, hành động và cách ứng xử của viên quản ngục cho ta thấy không chỉ Huấn Cao mà cả viên quản ngục cũng là một nhân cách đẹp đẽ, “một tấm lòng trong thiên hạ” tri âm, tri kỉ với Huấn Cao. Đó là “một thanh âm trong trẻo chen vào giữa một bản đàn mà nhạc luật đều hỗn loạn xô bồ”. Cái bản đàn hỗn loạn xô bồ đó là cái xã hội bóc lột cũ (trong đó có nhà tù của giai cấp thống trị) mà có lần Nguyễn Tuân đã gọi là cái xã hội “ối a ba phèng”. Những thanh âm trong trẻo là những con người như Huấn Cao, viên quan coi ngục, những tính cách lãng mạn đứng cao hơn hoàn cảnh, xa lạ với hoàn cảnh.
5. Viên quản ngục là một con người biết giữ “thiên lương”, biết trân trọng những giá trị văn hóa và tài năng, là một người có tâm hồn nghệ sĩ, không có tài nhưng yêu tài, không sáng tạo được cái đẹp nhưng biết yêu và trân trọng thật lòng cái đẹp.
Câu 3
1. Nhật kí trong tù là một tập thơ đặc sắc của Hồ Chí Minh. Qua những bài thơ hay và tiêu biểu của tập thơ, người đọc thấy màu sắc đậm đà nhất của hồn thơ Hồ Chí Minh là màu sắc cổ điển - đó là giàu tình cảm với thiên nhiên, hình tượng nhân vật trữ tình ung dung tự tại, bút pháp chấm phá như muốn ghi lấy linh hồn của tạo vật.,. Nhưng cổ điển mà vẫn gắn bó vói tinh thần của thời đại : hình tượng thơ luôn luôn vận động hướng về sự sống, ánh sáng và tương lai. Trong mối quan hệ với thiên nhiên, con người luôn giữ vai trò chủ thể - không phải là ẩn sĩ mà là chiến sĩ. Bài thơ Chiều tối thể hiện rõ sự kết hợp chất cổ điển và chất hiện đại đó.
2. Vẻ đẹp cổ điển trong bài thơ “Chiều tối”
- Trong bài thơ Chiều tối, Hồ Chí Minh đã sử dụng hình ảnh cánh chim và chòm mây để diễn tả không gian và thời gian lúc hoàng hôn. Đó là những hình ảnh rất quen thuộc trong thơ Đường và thơ ca truyền thống : “Chim bay về núi tối rồi” (ca dao), hay “Chim hôm thoi thót về rừng” (Truyện Kiều - Nguyễn Du),…
- Mặc dù phải trải qua một ngày đi đường vất vả, gian nan, trời đã về chiều mà vẫn chưa được nghỉ, thế nhưng hình ảnh con người hiện lên trong bài thơ vẫn hết sức ung dung, thanh thản.
- Ở bài thơ Chiều tối, chúng ta bắt gặp một bút pháp nghệ thuật rất quen thuộc - đó là bút pháp chấm phá, tả ít gợi nhiều.
3. Vẻ đẹp hiện đại của bài thơ “Chiều tối”
- Trong thơ ca xưa, con người thường trở nên nhỏ bé, nhạt nhòa trước thiên nhiên rộng lớn (bài thơ Qua Đèo Ngang của Bà huyện Thanh Quan là một ví dụ). Nhưng ở bài thơ Chiều tối, hình ảnh người lao động (cô gái xay ngô) nổi bật lên và là hình ảnh trung tâm của bức tranh thiên nhiên.
- Trong bài thơ Chiều tối chúng ta nhận thấy tư tưởng, hình tượng thơ luôn có sự vận động. Đó là sự vận động từ bức tranh thiên nhiên chuyển sang bức tranh đời sống (hai câu thơ đầu), từ nỗi buồn đến niềm vui ấm áp (hai câu thơ sau).
- Bài Chiều tối mang phong vị Đường thi ở hai câu đầu nhưng lại không Đường một tí nào khi kết thúc bằng chữ hồng. Đó là chữ thần (thần tự) mang dấu ấn tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh. Chữ hồng đã làm rạng rỡ, ấm áp cả bài thơ, nó làm thay đổi cái cảm giác mỏi mệt, căng thẳng, vội vã của hai câu thơ đầu. Bài thơ thất ngôn tứ tuyệt 28 chữ, thì chữ hồng có thể cân nặng bằng 27 chữ khác, vẻ đẹp hiện đại của bài Chiều tối tập trung ở chữ hồng mang tư tưởng Hồ Chí Minh.