Câu 1
“Ôi con sóng ngày xưa
Và ngày sau vẫn thế
Nỗi khát vọng tình yêu
Bồi hồi trong ngực trẻ
Trước muôn trùng sóng bể
Em nghĩ về anh, em
Em nghĩ về biển lớn
Từ nơi nào sóng lên ?
Sóng bắt đầu từ gió
Gió bắt đầu từ đâu ?
Em cũng không biết nữa
Khi nào ta yêu nhau
Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nước
Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được
Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức”
(Sóng - Xuân Quỳnh, Văn học 12, tập một, NxbGiáodục”2000)
Anh (chị) hãy phân tích đoạn thơ trên để làm nổi rõ sức gợi cảm phong phú, bất ngờ của hình tượng “sóng” trong sự liên hệ, đối sánh với nhân vật trữ tình “em”.
Câu 2. Anh (chị) hãy nêu tóm tắt tình huống “nhặt” vợ trong truyện Vợ nhặt của Kim Lân, từ đó nhận xét về thái độ của nhà văn đối với con người và thực trạng xã hội đương thời được bộc lộ qua tình huống truyện độc đáo này.
HƯỚNG DẪN LÀM BÀI
Câu 1
I - Yêu cầu chung
Trong khi phân tích đoạn thơ, thí sinh phải làm nổi rõ được sức gợi cảm phong phú, bất ngờ của hình tượng “sóng” trong sự liên hệ, đối sánh với nhân vật trữ tình “em”.
- Thí sinh tỏ rõ được năng lực cảm thụ tốt đoạn thơ, phân tích đoạn thơ theo định hướng của đề thi.
II - Những ý chính cần có
1. Sức gợi cảm phong phú của hình tượng “sóng” trong sự liên hệ, đối sánh với nhân vật trữ tình “em” (ý trọng tâm).
- Sóng là một cái gì vĩnh cửu (sóng ngày xưa và ngày sau vẫn thế) thì khát vọng tình yêu của “em” cũng sẽ “bồi hồi trong ngực trẻ” của mọi thời đại. Tình yêu là một đề tài vĩnh cửu.
- Sóng bắt nguồn từ đâu cũng như “em” không biết khi nào ta yêu nhau ? Đây là câu hỏi muôn đời của những cặp tình nhân, một câu hỏi rất khó trả lời cho chính xác, mà thực sự cũng không cần trả lời. Nhà thơ Nguyễn Đình Thư ở Huế đã có lần trả lời như sau :
Tôi yêu là bởi tôi yêu
Cầm tay cô hỏi, hỏi nhiều làm chi ?
Khi yêu không đắn đo gì
Phân phô chừ biết nói vì cớ sao ?
Huống hồ yêu tự khi nào
Hôm qua lòng thấy ngọt ngào mới hay...
- Sóng luôn thao thức vì “nhớ bờ” cùng như “em” luôn thao thức vì “nhớ đến anh”. Sóng nhớ bờ, có con sóng chìm và con sóng nổi, lòng em nhớ anh cả trong ý thức và trong tiềm thức (“Cả trong mơ còn thức”).
2. Sự liên hệ, so sánh giữa “sóng” và “em” cũng tạo nên những liên tưởng, cảm xúc bất ngờ (thật ra cũng không có gì thật bất ngờ lắm - PCĐ).
- “Sóng” và “em” cùng gợi nên một ý niệm về muôn thuở, muôn đời, cùng gợi một nỗi thao thức khôn nguôi, cùng gợi những băn khoăn tìm kiến đến ngọn nguồn, sóng là sự sống của biển thì nỗi nhớ cũng là bạn đồng hành của tình yêu của “em”. Những liên hệ so sánh như vậy thật mới mẻ.
- “Bất ngờ” ngay cả trong chỗ khác nhau giữa “sóng” và “em”. Sóng nhớ bờ thao thức cả ngày lẫn đêm, nhưng đó vẫn là nỗi nhớ trong thời gian hiện thực, còn “em” nhớ anh, thao thức từ cõi “thực” cho đến cõi “mơ” (cả trong mơ còn thức). (Trong Đáp án có nhiều tìm tòi của hai bạn Lê Thu – Nguyễn Thành, Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh có ghi thêm:
“Thí sinh có thể liên hệ, phân tích thêm để làm rõ việc Xuân Quỳnh dùng sóng trong trạng thái động để gợi tả tình yêu của người phụ nữ là một bất ngờ vì xưa nay thơ ca thường nhìn tình yêu của giới nữ ở trạng thái tĩnh, thụ động; đặt “sóng” và “em” cạnh nhau trong sự đối sánh tương đồng làm cho “em” mang thêm nhiều đặc tính của “sóng” cũng như “sóng” sẽ mang thêm những trạng thái cảm xúc đầy nữ tính của “em” : “Sóng” không chỉ ồn ào, dữ dội mà còn dịu êm, lặng lẽ, không chỉ vỗ trên mặt nước mà còn vỗ dưới lòng sâu..). Những sự so sánh như trên của Xuân Quỳnh thực ra không thật “bất ngờ” lắm. Thơ ca trung đại thời kì phong kiến đúng là “thường nhìn tình yêu của giới nữ ở trạng thái tĩnh, thụ động” nhưng Nguyễn Du cũng có lúc tả Kiều “Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình” và trong truyện Nôm khuyết danh Phạm Tải Ngọc Hoa thì Ngọc Hoa luôn luôn chủ động trong tình yêu và trong mọi ứng xử, còn Phạm Tải là một chàng trai luôn luôn thụ động và không có bản lĩnh. Còn trong tình yêu thời kì hiện đại thì giới nữ không phải lúc nào cũng ở trạng trái tĩnh, thụ động, mà trong nhiều trường hợp, họ đã chủ động bộc lộ tình yêu của mình (Xuân Quỳnh trong bài Sóng là một thí dụ). Chính đây là một nét hiện đại trong thơ Xuân Quỳnh.
Không phải đặt trong sự đối sánh tương đồng giữa “sóng” và “em” thì “sóng” sẽ mang thêm những trạng thái cảm xúc đầy nữ tính của “em”, bởi vì khi biển động thì sóng ồn ào, dữ dội nhưng khi biển lặng thì sóng lại dịu êm, lặng lẽ. Và ngoài sóng trên biển thì còn có sóng ngầm dưới lòng sâu. Đó là những hiện tượ ng bình thường của biển. 0 - 4 câu đầu bài, Xuân Quỳnh muốn nói : sóng có lúc ồn ào, dữ dội cũng có lúc dịu êm, lặng lẽ, giống như người con gái đang yêu, họ rơi vào những trạng thái đối cực, mất thăng bằng trong tình cảm.
Câu 2
I - Yêu cầu chung
- Thí sinh nêu tóm tắt tình huống “nhặt” vợ trong truyện ngắn Vợ nhật của Kim Lân.
- Nhận xét, phân tích thái độ của tác giả đối với con người và thực trạng xã hội đương thời.
II - Những yêu cầu cụ thể
1. Tóm tắt tình huống truyện
- Tràng là một chang trai ngụ cư, nghèo mà lại xấu xí, tưởng không thể nào lấy được vợ. Thế mà Tràng lại “nhặt” được vợ một cách dễ dàng chỉ nhờ mấy câu bông đùa “tầm phơ tầm phào”, mấy bát bánh đúc ngoài chợ tỉnh.
- Tình huống truyện diễn ra ở một khoảnh khắc (moment) đặc biệt : nạn đói khủng khiếp năm 1945 đang đe dọa cuộc sống từng con người trong mỗi gia đình, mỗi làng xóm (người chết như ngả rạ và trong đêm tân hôn “mùi đốt đống rấm ở những nhà có người chết theo gió thoảng vào khét lẹt... Giữa sự im lặng của đôi vợ chồng mới có tiếng ai hờ khóc ngoài xóm lọt vào tỉ tê lúc to lúc nhỏ”). Bản thân Tràng làm lụng nuôi thân mình và mẹ già đã khó, nay lại “đèo bòng” thêm một người vợ “nhặt”. Tình huống Tràng “nhặt” được vợ đã gây ngạc nhiên cho cả xóm ngụ cư, cho bà cụ Tứ và cho cả Tràng nữa. Đối với bà cụ Tứ, việc con trai “nhặt” được vợ vừa vui lại vừa buồn, vừa mừng lại vừa lo (“Biết rằng chúng nó có nuôi nổi nhau, sống qua được cơn đói khát này không”). Đây thực sự là một tình huống nghệ thuật độc đáo.
2. Nhận xét thái độ của tác giả bộc lộ qua tình huống truyện
- Kim Lân đã thể hiện thái độ cảm thông sâu sắc và tấm lòng trân trọng chân tình đối vối người lao động. Ông thực sự xót xa, ái ngại trước cảnh con người bị đói khổ, rẻ rúng và bị cái chết bủa vây. Hơn thế, ông còn khẳng định dược những phẩm chất tốt đẹp của người lao động ngay trong hoàn cảnh sống ngặt nghèo, tối tăm. Họ yêu thương, đùm bọc lẫn nhau và hi vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn. Niềm hi vọng của họ mang màu sắc của chủ nghĩa lạc quan dân gian (sông có khúc, người có lúc; ai giàu ba họ, ai khó ba đời), Tuy nhiên, ở cuối tác phẩm, niềm tin của họ đã có cơ sở hiện thực (Tràng đã thấy lá cờ đỏ hiện lên trên đê Sộp). (Đây là cái nhìn nhân đạo của Kim Lân).
- Nhà văn đã phê phán sâu sắc xã hội thực dân phong kiến lúc bấy giờ. Thực dân Pháp và phát xít Nhật đã đẩy 2 triệu rưỡi người vào cảnh chết đói, dồn con người vào bước đường cùng. Tác giả không dùng đao to búa lớn mà chỉ đưa ra một tình huống : nạn đói đã hạ thấp giá trị con người, chỉ cần mấy bát bánh đúc mà người ta có thể “nhặt” được vợ giữa đường giữa chợ (Đây là cái nhìn kiện thực của Kim Lân, một nhà văn hiện thực từ những năm 40 của thế kỉ XX).