Tập đọc:
Dế mèn bênh vực kẻ yếu (tiếp theo)
1. Trận địa mai phục của bọn nhện đáng sợ như thế nào?
Trả lời:
Trận địa mai phục của bọn nhện rất đáng sợ. Đó là một thiên la địa võng với rất nhiều tơ nhện. Bọn chúng: “chăng từ bèn nọ sang bên kia đường biết bao tơ nhện”, chúng còn bố trí “sừng sững giữa lối đi một anh nhện gộc”. Không những vậy, chúng còn vô số những nhện là nhện nấp kín trong hang đá “đứng im như đá mà coi vẻ hung dữ”.
2. Dế Mèn đã làm cách nào để bọn nhện phải sợ?
Trả lời:
Dế Mèn oai vệ dẫn Nhà Trò đến chỗ bọn nhện phục binh. Mèn đã chủ động hơn lũ nhện, tự xưng là “ta”, đòi gặp kẻ “chóp bu”, giọng oai vệ “cất tiếng hỏi lớn”. Khi nhện cái xuất hiện, trông mụ có vẻ đanh đá, nặc nô. Dế Mèn đã ra oai bằng hành động tỏ rõ sức mạnh “quay phắt lưng”, phóng càng đạp phanh phách.
3. Dế Mèn đã nói thế nào để bọn nhện nhận ra lẽ phải?
Trả lời:
Dế Mèn đã phân tích theo cách so sánh dể bọn chúng nhận ra hành động sai trái của mình.
Bọn nhện |
Nhà Trò |
Giàu có, béo múp béo míp. |
Món nợ bé tẹo, đã mấy đời. |
Kéo bè kéo cánh. |
Đánh đập một cô gái yếu ớt. |
Đe dọa: Thật đáng xấu hổ! Có phá hết các vòng vây đi không? |
4. Em thấy có thể tặng cho Dế Mèn danh hiệu nào trong số các danh hiệu sau đây: võ sĩ, tráng sĩ, chiến sĩ, hiệp sĩ, dũng sĩ, anh hùng?
Trả lời:
Trước khi kết luận nên tặng cho Dế Mèn danh hiệu nào cần phải đi tìm hiểu nghĩa riêng của từng từ:
+ Võ sĩ: Người sống bằng nghề võ.
+ Tráng sĩ: Người có sức mạnh và chí khí mạnh mẽ, đi chiến đấu cho một sự nghiệp cao cả.
+ Chiến sĩ: Người lính, người chiến đấu trong một đội ngủ.
+ Hiệp sĩ: Người có sức mạnh và lòng hào hiệp, sẵn sàng làm việc nghĩa.
+ Dũng sĩ: Người có sức mạnh, dũng cảm dương đầu với khó khăn, nguy hiểm.
+ Anh hùng: Người lập được công trạng lớn đối với nhân dân, đất nước.
Từ việc nắm được rõ nghĩa của các từ trên, ta thấy rằng phong cho Dế Mèn danh hiệu “hiệp sĩ” là hợp lí nhất.
Chính tả
1. Nghe - viết
Mười năm cõng bạn đi học
Ở xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang, ai cũng biết câu chuyện cảm động về em Đoàn Trường Sinh 10 năm cõng bạn đến trường. Quãng đường từ nhà Sinh tới trường dài hơn 4 ki-lô-mét, qua đèo, vượt suối, khúc khuỷu, gập ghềnh. Thế mà Sinh không quản khó khăn, ngày ngày cõng bạn Hanh bị liệt cả hai chân đi về. Nhờ bạn giúp đỡ, lại có chí học hành, nhiều năm liền, Hạnh là học sinh tiên tiến, có năm còn tham gia đội tuyển học sinh giỏi cấp huyện.
Trả lời:
- Học sinh tự tập Nghe - viết.
2. Chọn cách viết đúng từ đã cho trong ngoặc đơn:
Tìm chỗ ngồi
Rạp đang chiếu phim thì một bà đứng dậy len qua hàng ghế ra ngoài. Lát (sau/xau), bà trở lại và hỏi ông ngồi đầu hàng ghế (rằng/rằn):
- Thưa ông! Phải (chăng/chăn) lúc ra ngoài tôi vô ý giẫm vào chân ông?
- Vâng, nhưng (sin/xin) bà đừng (băn khoăn/băn khoang), tôi không (sao/xao) !
- Dạ không! Tôi chỉ muốn hỏi để (sem/xem) tôi có tìm đúng hàng ghế của mình không.
TRUYỆN VUI NƯỚC NGOÀI
Trả lời:
Tìm chỗ ngồi
Rạp đang chiếu phim thì một bà đứng dậy len qua hàng ghế ra ngoài. Lát sau, bà trở lại và hỏi ông ngồi đầu hàng ghế rằng:
- Thưa ông! Phải chăng lúc ra ngoài tôi vô ý giẫm vào chân ông?
- Vâng, nhưng xin bà đừng băn khoăn, tôi không sao !
- Dạ không! Tôi chỉ muốn hỏi để xem tôi có tìm đúng hàng ghế của mình không.
TRUYỆN VUI NƯỚC NGOÀI
3. Giải các câu đố:
a) Để nguyên - tên một loài chim
Bỏ sắc - thường thấy ban đêm trên trời.
Là chữ gì?
Trả lời:
Là chữ sao
b) Để nguyên vằng vặc trời đêm
Thêm sắc - màu phấn cùng em tới trường.
Là chữ gì?
Trả lời:
Là chữ trắng
Luyện từ và câu
Mở rộng vốn từ: nhân hậu - đoàn kết
1. Tìm các từ ngữ:
a) Thể hiện lòng nhân hậu, tình cảm yêu thương đồng loại.
M: lòng thương người
Trả lời:
Thể hiện lòng nhân hậu, tình cảm yêu thương đồng loại. lòng thương người, yêu thương, xót thương, tha thứ, lòng vị tha, lòng nhân ái, bao dung, thông cảm, đồng cảm, yêu quý,...
b) Trái nghĩa với nhân hậu hoặc yêu thương.
M: độc ác
Trả lời:
Trái nghĩa với nhân hậu hoặc yêu thương: độc ác, hung dữ, tàn bạo, cay độc, ác nghiệt, dữ dằn, dữ tợn, hung ác, tàn ác,...
c) Thể hiện tinh thần đùm bọc, giúp đỡ đồng loại.
M: cưu mang
Trả lời:
Thể hiện tinh thần đùm bọc, giúp đỡ đồng loại: cưu mang, bảo bọc, bảo vệ, che chở, nâng đỡ, ủng hộ, bênh vực, cứu giúp, cứu trợ, hỗ trợ,...
d) Trái nghĩa với đùm bọc hoặc giúp đỡ.
M: ức hiếp
Trả lời:
Trái nghĩa với đùm bọc hoặc giúp đỡ: ức hiếp, hà hiếp, hiếp đáp, hành hạ, đánh đập, lấn lướt, bắt nạt,...
2. Cho các từ sau: nhân dân, nhân hậu, nhân ái, công nhân, nhân loại, nhân đức, nhân từ, nhân tài. Hãy cho biết:
a) Trong những từ nào, tiếng nhân có nghĩa là “người”?
Trả lời:
Từ có tiếng nhân có nghĩa là “người”: nhân dân, công nhân, nhân loại, nhân tài.
b) Trong những từ nào, tiếng nhân có nghĩa là “lòng thương người’?
Trả lời:
Từ có tiếng nhân có nghĩa là “lòng thương người”: nhân hậu, nhân ái, nhân đức, nhân từ.
3. Đặt câu với một từ ở bài tập 2.
Trả lời:
Nhân loại trên thế giới đều yêu thích hòa bình.
Bác Hồ giàu lòng nhân ái với các cháu.
Nhân dân Việt Nam đời đời nhớ ơn Bác Hồ.
4. Các câu tục ngữ dưới đây khuyên ta điều gì, chê điều gì?
a) Ở hiền gặp lành.
Trả lời:
Ở hiền gặp lành - Khuyên người ta ăn ở hiền lành, nhân hậu, yêu thương mọi người. Bởi vì sống như thế ta sẽ thấy hạnh phúc và gặp nhiều điều tốt đẹp.
b) Trâu buộc ghét trâu ăn.
Trả lời:
Trâu buộc ghét trâu ăn - Phê phán những người có tính xấu hay ghen tị, ghen ghét với hạnh phúc và thành công của người khác.
c) Một cây làm chẳng nên non
Ba cây chụm lại nên hòn núi cao.
Trả lời:
- Khuyên người ta đoàn kết, bảo bọc, yêu thương lẫn nhau. Đoàn kết sẽ tạo nên sức mạnh.
Kể chuyện
Kể chuyện đã nghe, đã đọc
Đọc bài thơ dưới đây rồi kể lại bằng lời của em:
Xưa có bà già nghèo
Chuyên mò cua bắt ốc
Một hôm bà bắt được
Một con ốc xinh xinh
Vỏ nó biêng biếc xanh
Không giống như ốc khác
Bà thương không muốn bán
Bèn thả vào trong chum.
Rồi bà lại đi làm
Đến khi về thấy lạ:
Sân nhà sao sạch quá
Đàn lợn đã được ăn
Cơm nước nấu tinh tươm
Vườn rau tươi sạch cỏ.
Bà già thấy chuyện lạ
Bèn cố ý rình xem
Thì thấy một nàng tiên
Bước ra từ chum nước
Bà già liền bí mật
Đập vỡ vỏ ốc xanh
Rồi ôm lấy nàng tiên
Không cho chui vào nữa
Hai mẹ con từ đó
Rất là thương yêu nhau...
PHAN THỊ THANH NHÀN
Nàng tiên ốc
(Trích)
Ngày xưa có một bà lão rất nghèo, sống một mình. Thường ngày, bà phải mò cua, bắt ốc kiếm sống qua ngày.
Một hôm, bà bắt được một con ốc rất xinh. Bà ngắm ốc không biết chán, vỏ nó xanh biêng biếc với những đường vân mềm mại. Bà bỗng động lòng thương ốc. Về nhà, bà không nỡ đem ốc bán đi mà thả vào trong chum nước.
Từ đó, mỗi khi đi làm về, bà lại thấy nhà cửa có nhiều điều khác lạ: sân nhà sạch tinh tươm, đàn lợn đã được cho ăn đầy đủ, cơm nước đã có bàn tay khéo léo nào đấy nấu sẵn, vườn rau tươi cũng đã sạch cỏ,... Bà lão lấy làm lạ lắm, quyết tâm rình xem ai là người đã giúp mình.
Một hôm, bà lão vẫn dậy sớm đi làm như mọi khi. Nhưng đi đến giữa đường, bà quay trở về nhà, nhẹ nhàng nấp sau cánh cửa. Bà bỗng thấy một chuyện kì lạ: từ trong chum nước, một nàng tiên xinh đẹp bước ra. Nàng quét dọn nhà cửa, cho đàn lợn ăn, làm cơm cho bà lão rồi ra vườn sau nhặt cỏ. Bà lão hiểu ra mọi chuyện. Bà chạy đến chum nước, lấy vỏ ốc xanh đập vỡ đi. Nàng tiên giật mình quay lại nhưng không kịp nữa. Vỏ ốc đã bị bà lão đập vỡ rồi. Bà lão bước đến ôm lấy nàng tiên và dịu dàng bảo:
- Con gái ơi, ở lại cùng già nhé!
Từ đó, hai mẹ con bà lão sống bên nhau vô cùng đầm ấm.
Tập đọc
Truyện cổ nước mình
1. Vì sao tác giả yêu truyện cổ nước mình?
Trả lời:
Tác giả yêu truyện cổ nước mình bởi vì:
+ Truyện cổ của nước mình rất nhân hậu, ý nghĩa sâu xa.
+ Truyện cổ giúp ta nhận ra những phẩm chất quý báu của cha ông: công bằng, thông minh, độ lượng, đa tình, đa mang,...
+ Truyện cổ chuyển tải lời khuyến bảo của cha ông từ ngàn xưa: sống thật nhân hậu, công bằng, thông minh,...
2. Bài thơ gợi cho em nhớ đến những truyện cổ nào?
Trả lời:
Bài thơ gợi cho em nhớ đến các truyện cổ:
+ Tấm Cám (Thị thơm thị giấu người thơm...)
+ Đẽo cày giữa đường (Đẽo cày theo ý người ta...)
3. Tìm thêm những truyện cổ khác thế hiện lòng nhân hậu của người Việt Nam ta.
Trả lời:
Một số câu truyện cổ thể hiện lòng nhân hậu của người Việt Nam: Sọ Dừa, Thạch Sanh, Sự tích hồ Ba Bể, Ăn khế trả vàng, Tấm Cám,...
4. Em hiểu ý hai dòng thơ cuối bài như thế nào?
Trả lời:
Hai dòng thơ cuối bài ý nói truyện cổ chính là những bài học, lời răn về đạo lí sống, đạo lí làm người mà cha ông để lại, đó là: phải biết thương người, sống tình nghĩa, thủy chung, chăm chỉ, nhân hậu, độ lượng,...
Tập làm văn
Kể lại hành động của nhân vật
I - Nhận xét
1. Đọc truyện sau:
Bài văn bị điểm không
- Ba đã bao giờ thấy một bài văn bị điểm không chưa, ba?
Tôi ngạc nhiên:
- Đề bài khó lắm sao?
- Không. Cô chỉ yêu cầu: “Tả bố em đang đọc báo”. Có đứa bạn con bảo ba nó không đọc báo, nhưng rồi nó bịa ra, cũng được 6 điếm.
Tôi thở dài:
- Còn đứa bị điểm không, nó tả thế nào?
- Nó không tả, không viết gì hết. Nó nộp giấy trắng cho cô. Hôm trả bài, cô giận lắm. Cô hỏi: “Sao trò không chịu làm bài?” Nó cứ làm thinh. Mãi sau nó mới bảo: “Thưa cô, con không có ba.” Nghe nó nói, cô con sững người. Té ra ba nó hi sinh từ khi nó mới sanh. Cô mới nhận lớp nên không biết, ba ạ. Cả lớp con ai cũng thấy buồn. Lúc ra về, có đứa hỏi: “Sao mày không tả ba của đứa khác?” Nó chỉ cúi đầu, hai giọt nước mắt chảy dài xuống má.
Chuyện về cậu học trò có bài văn bị điểm không đã để lại trong tôi một nỗi đau, nhưng cũng để lại một bài học về lòng trung thực.
Theo NGUYỄN QUANG SÁNG
2. Ghi lại vắn tắt những hành động của cậu bé bị điểm không trong chuyện. Theo em, mỗi hành động của cậu bé nói lên điều gì?
Trả lời:
Mỗi hành động trên của cậu bé nói lên tính trung thực, đồng thời nói lên tình yêu của cậu đối với cha.
3. Các hành động nói trên được kể theo thứ tự như thế nào?
Trả lời:
Các hành động nói trên được kể theo thứ tự: a-b-c
Nhận xét: hành động xảy ra trước thì kể trước, hành động xảy ra sau thì kể sau.
II - Luyện tập
Chim Sẻ và Chim Chích là đôi bạn thân, nhưng tính tình khác nhau. Chích xởi lởi, hay giúp bạn. Còn sẻ thì đôi khi bụng dạ hẹp hòi. Dưới đây là một số hành động của hai nhân vật ấy trong câu chuyện Bài học quý. Em hãy điền tên nhân vật (Chích hoặc sẻ) vào trước hành động thích hợp và sắp xếp các hành động ấy để thành một câu chuyện:
1. Một hôm, …… được bà gửi cho một hộp hạt kê.
2. Thế là hằng ngày …… nằm trong tổ ăn hạt kê một mình.
3. …… đi kiếm mồi, tìm được những hạt kê ngon lành ấy.
4. Khi ăn hết, …… bèn quẳng chiếc hộp đi.
5. ….. không muốn chia cho cùng ăn.
6. ……. bèn gói cẩn thận những hạt kê còn sót lại vào một chiếc lá, rồi đi tìm người bạn thân của mình.
7. Gió đưa những hạt kê còn sót trong hộp bay xa.
8. ……. vui vẻ đưa cho …… một nửa.
9. ……. ngượng nghịu nhận quà của ….. và tự nhủ: “ ….. đã cho mình một bài học quý về tình bạn.”
Trả lời:
1. Một hôm, Sẻ được bà gửi cho một hộp hạt kê.
2. Thế là hằng ngày Sẻ nằm trong tổ ăn hạt kê một mình.
3. Chích đi kiếm mồi, tìm được những hạt kê ngon lành ấy.
4. Khi ăn hết, Sẻ bèn quăng chiếc hộp đi.
5. Sẻ không muốn chia cho Chích cùng ăn.
6. Chích bèn gói cẩn thận những hạt kê còn sót lại vào một chiếc lá, rồi đi tìm người bạn thân của mình.
7. Gió đưa những hạt kê còn sót trong hộp bay xa.
8. Chích vui vẻ đưa cho Sẻ một nửa.
9. Sẻ ngượng nghịu nhận quà của Chích và tự nhủ: “Chích đã cho mình một bài học quý về tình bạn.”
Sắp xếp thành câu chuyện theo thứ tự :
1 – 5 – 2 – 4 – 7 – 3 – 6 – 8 – 9 .
Luyện từ và câu
Dấu hai chấm
I - Nhận xét
Trong các câu văn, câu thơ sau đây, dấu hai chấm có tác dụng gì?
a) Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành.” Nguyện vọng đó chi phối mọi ý nghĩ và hành động trong suốt cuộc đời của Người.
Theo TRƯỜNG CHINH
Trả lời:
Dấu hai chấm báo hiệu bộ phận đứng sau là câu nói của Bác Hồ. Ở câu này, dấu hai chấm dùng phối hợp với dấu ngoặc kép.
b) Tôi xoè cả hai càng ra, bảo Nhà Trò:
- Em đừng sợ. Hãy trở về cùng với tôi đây.
TÔ HOÀI
Trả lời:
Dấu hai chấm báo hiệu bộ phận đứng sau là lời nói của Dế Mèn. Ở câu này, dấu hai chấm dùng phối hợp với dấu gạch đầu dòng.
c) Bà thương không muốn bán
Bèn thả vào trong chum.
Rồi bà lại đi làm
Đến khi về thấy lạ:
Sân nhà sao sạch quá.
Đàn lợn đã được ăn
Cơm nước nấu tinh tươm
Vườn rau tươi sạch cỏ.
PHAN THỊ THANH NHÀN
Trả lời:
Dấu hai chấm báo hiệu bộ phận đứng sau là lời giải thích cho bộ phận đứng trước.
II - Luyện tập
1. Trong các câu sau, dấu hai chấm có tác dụng gì?
a) Tôi thở dài:
- Còn đứa bị điểm không, nó tả thế nào?
- Nó không tả, không viết gì hết. Nó nộp giấy trắng cho cô.
Hôm trả bài, cô giận lắm. Cô hỏi: “Sao trò không chịu làm bài?”
NGUYỄN QUANG SÁNG
Trả lời:
Dấu hai châm thứ nhất có tác dụng báo hiệu bộ phận đứng sau là lời nói của nhân vật “tôi”.
Dấu hai châm thứ hai có tác dụng báo hiệu bộ phận đứng sau là câu hỏi của cô giáo.
b) Dưới tầm cánh chú chuồn chuồn bây giờ là lũy tre xanh rì rào trong gió, là bờ ao với những khóm khoai nước rung rinh. Rồi những cảnh tuyệt đẹp của đất nước hiện ra: cánh đồng với những đàn trâu thung thăng gặm cỏ; dòng sông với những đoàn thuyền ngược xuôi.
Theo NGUYỄN THẾ HỘI
Trả lời:
Dấu hai chấm có tác dụng giải thích cho bộ phận đứng trước. Phần đi sau làm rõ cho lời nhận xét những cảnh tuyệt đẹp của đất nước.
2. Viết một đoạn văn theo truyện Nàng tiên Ốc, trong đó chỉ có ít nhất hai lần dùng dấu hai chấm:
- Một lần, dấu hai chấm dùng để giải thích.
- Một lần, dấu hai châm dùng để dẫn lời nhân vật.
Trả lời:
Ngày xưa có một bà lão nghèo. Một hôm bà bắt được một con ốc màu xanh rất đẹp. Thương ốc, bà không nỡ đem bán mà thả nó vào chum nước. Sau đó khi đi làm về, bà thấy lạ vô cùng: nhà cửa tinh tươm, gà lợn đã được cho ăn, cỏ trong vườn rau đã sạch. Bà quyết tâm rình xem chuyện gì đã xảy ra. Hôm sau, thay vì đi làm, bà chỉ đi đến nửa đường rồi quay về. Bà thấy nàng tiên từ trong vỏ ốc chui ra. Bà bèn ôm chầm lấy nàng tiên và nói: “Con gái ơi, ở lại cùng già nhé!”
Tập làm văn
Tả ngoại hình của nhân vật trong bài văn kể chuyện
I - Nhận xét
Đọc đoạn văn sau và trả lời câu hỏi:
Chị Nhà Trò đã bé nhỏ lại gầy yếu quá, người bự những phấn, như mới lột. Chị mặc áo thâm dài, đôi chỗ chấm điểm vàng, hai cánh mỏng như cánh bướm non, lại ngắn chùn chùn. Hình như cánh yếu quá, chưa quen mở, mà cho dù có khỏe cũng chẳng bay được xa. Tôi đến gần, chị Nhà Trò vẫn khóc.
Theo TÔ HOÀI
1. Ghi vắn tắt vào vở đặc điểm ngoại hình của chị Nhà Trò:
- Sức vóc: ...
- Cánh: ...
- “Trang phục”: ...
Trả lời:
- Sức vóc: gầy yếu, bự những phấn như mới lột.
- Cánh: mỏng như cánh bướm non; ngắn chùn chùn; rất yếu, chưa quen mở.
- “Trang phục”: chiếc áo thâm dài, đôi chỗ chấm điểm vàng.
2. Ngoại hình của chị Nhà Trò nói lên điều gì về tính cách và thân phận của nhân vật này?
Trả lời:
Ngoại hình của chị Nhà Trò nói lên tính cách yếu đuối và thân phận đáng thương, dễ bị bắt nạt.
II - Luyện tập
1. Đọc đoạn văn miêu tả ngoại hình của một chú bé liên lạc cho bộ đội trong kháng chiến. Tác giả đã chú ý miêu tả những chi tiết nào? Các chi tiết ấy nói lên điều gì về chú bé?
Tôi nhìn em. Một em bé gầy, tóc húi ngắn, hai túi của chiếc áo cánh nâu trễ xuống đến tận đùi như đã từng phải đựng nhiều thứ quá nặng. Quần của em ngắn chỉ tới gần đầu gối để lộ đôi bắp chân nhỏ luôn luôn động đậy. Tôi đặc biệt chú ý tới đôi mắt của em, đôi mắt sáng và xếch lên khiến người ta có ngay cảm giác là một em bé vừa thông minh vừa gan dạ.
Theo VŨ CAO
Trả lời:
a. Tác giả đã chú ý miêu tả ngoại hình của chú bé liên lạc: người gầy, tóc húi ngắn, hai túi áo trễ xuống tận đùi, quần ngắn đến đầu gối, mắt sáng và xếnh, đôi bắp chân nhỏ luôn động đậy.
b.
Chi tiết |
Tác dụng |
- Thân hình gầy gò/ hai túi của chiếc áo cánh nâu trễ xuống đến tận đùi. |
Cho ta thấy hoàn cảnh sống của chú bé: con của một gia đình nghèo, quen chịu đựng vất vả. |
- Hai túi của chiếc áo cánh nâu trễ xuống đến tận đùi như đã từng phải đựng nhiều thứ quá nặng. |
Cho ta thấy chú bé là người hiếu động, đã từng đựng rất nhiều đồ chơi của trẻ con nông thôn/ cũng có thể chú bé đựng tài liệu, lựu đạn trong khi đi liên lạc. |
- Đôi bắp chân nhỏ luôn luôn động đậy. |
Đôi mắt mắt sáng và xếch. Cho ta thấy chú bé rất nhanh nhẹn, hiếu động, thông minh, gan dạ. |
2. Kể lại câu chuyện Nàng tiên Ốc, kết hợp tả ngoại hình của các nhân vật.
Học sinh tự kể.