a. Các giai cấp cũ phân hoá và xuất hiện các giai cấp mới
Mục đích khai thác của Pháp là nhằm vơ vét nguyên liệu và bóc lột nhân công rẻ mạt để làm giàu cho chính quốc. Nhưng về mặt khách quan mà nói, cuộc khai thác có làm cho nền kinh tế nước ta chuyển biến một bước, đồng thời cũng làm cho xã hội ta phân hoá ngày càng thêm sâu sắc. Những giai cấp cũ vẫn còn, giờ đây xuất hiện thêm những giai cấp và những tầng lớp mới như giai cấp công nhân, giai cấp tiểu tư sản và giai cấp tư sản. Trong các giai cấp mới ấy đáng chú ý nhất là giai cấp công nhân và giai cấp tư sản dân tộc vì họ có hệ tư tưởng riêng của mình và nhất định họ sẽ cứu nước theo con đường riêng của họ.
b. Thái độ chính trị và vai trò của mỗi giai cấp trong lịch sử
Do điều kiện sống và địa vị xã hội khác nhau nên mỗi giai cấp ấy lại có thái độ khác nhau đối với chế độ thống trị của bọn thực dân phong kiến và vai trò khác nhau trong lịch sử.
- Giai cấp địa chủ phong kiến: Số lượng ít (5% dân số), được đế quốc dung dưỡng để làm tay sai. Chúng ôm chân đế quốc, phản bội dân tộc. Chúng là kẻ thù của cách mạng.
- Giai cấp nông dân: Đông đảo nhất trong xã hội (hơn 90% dân số). Họ bị áp bức bóc lột nặng nề, căm thù đế quốc phong kiến, giàu lòng yêu nước, là lực lượng chính của cách mạng.
- Giai cấp tiểu tư sản: Đông đảo và phức tạp, đời sống kinh tế bấp bênh. Tuy không lãnh đạo được cách mạng nhưng vì họ cũng bị đế quốc phong kiến áp bức, bóc lột, khinh rẻ và miệt thị dân tộc, có học thức nên họ là lực lương quan trọng của cách mạng nếu cách mạng có chính sách đối xử đúng đắn đối với họ.
- Giai cấp tư sản: Tuy có hệ tư tưởng riêng nhưng cũng không lãnh đạo được cách mạng vì kinh tế quá non yếu nên về chính trị họ cũng ươn hèn. Họ lại ra đời sau giai cấp công nhân Việt Nam và bị phân hoá thành hai bộ phận (tư sản mại bản và tư sản dân tộc). Bản thân họ lại có hai mặt (tích cực và tiêu cực). Vì thế họ chỉ là một lực lượng trong cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân mà thôi.
- Giai cấp công nhân: Ngoài những đặc điểm chung của giai cấp công nhân thế giới (đại diện cho phương thức sản xuất tiến bộ, có hệ tư tưởng riêng, có tinh thần cách mạng triệt để nhất, thường sống tập trung); họ còn có những đặc điểm riêng của mình (nghèo khổ nhất vì bị ba tầng áp bức, gần gủi và hiểu thấu nguyện vọng của nông dân, được tiếp thu kinh nghiệm của phong trào công nhân thế giới, đặc biệt là kinh nghiệm của cách mạng XHCN tháng Mười Nga (1917), kế thừa truyền thống đấu tranh của dân tộc, v.v...). Vì thế họ là người có đầy đủ khả năng lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Nhưng muốn lãnh đạo được cách mang, giai cấp công nhân phải thành lập được một chính đảng của mình. Đảng đó phải theo chủ nghĩa Mác - Lênin, có đường lối cách mạng đúng đắn, có tổ chức chặt chẽ, kỷ luật nghiêm minh, liên hệ mật thiết với quần chúng và trưởng thành dần trong quá trình đấu tranh cách mạng.