a. Vì sao Pháp khai thác thuộc địa lần thứ hai ở Đông Dương?
- Bản chất đi xâm lược thuộc địa của bọn đế quốc là vơ vét nguyên liệu và bóc lột nhân công rẻ mạt ở thuộc địa để làm gàu cho chính quốc.
- Thêm vào đó, trong Chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914-1918), Pháp tuy là nước thắng trận song đã bị thiệt, hại nặng nề. Để bù lổ lại những thiệt hại trong chiến tranh và để bóc lột được nhiều hơn. thực dân Pháp một mặt tăng cường bóc lột nhân dân ở chính quốc, mặt khác đẩy mạnh khai thác các thuộc địa, trong đó có cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai ở Đông Dương.
b. Quá trình khai thác
- Thời gian: Từ năm 1919 đến năm 1929.
- Nội dung: So với lần thứ nhất thì cuộc khai thác lần này lớn hơn rất nhiều cả về quy mô vả mức độ. Chỉ tính số vốn chúng đầu tư riêng vào Việt Nam từ năm 1924 đến năm 1929 đã lớn hơn gấp 6 lần so với số vốn đầu tư trong 20 năm trước chiến tranh (1897 - 1918).
Hai ngành được chú ý đầu tư nhất là: công nghiệp và nông nghiệp.
- Trong nông nghiệp, chúng chú ý nhất đến việc tước đoạt ruộng đất của nông dân để lập đồn điền, trong đó chủ yếu trồng lúa và cao su. Ví dụ diện tích trồng cao su năm 1918 là 15.000 ha thì đến năm 1930 đã là 120.000 ha (gấp 8 lần).
- Trong công nghiệp, chúng chú ý nhất đến việc khai khoáng - nhất là khai thác mỏ than và phát triển công nghiệp nhẹ - nhất là công nghiệp dịch vụ và chế biến nông sản.
Sở dĩ chúng chỉ chú ý đầu tư vào những ngành này vì vốn bỏ ra chỉ cần ít nhưng lợi nhuận thu về lại nhiều và nhanh hơn. Chúng không hề chú ý gì đến việc phát triển công nghiệp nặng (nhằm kìm hãm sự phát triển của thuộc địa). Ngoài ra chúng còn dùng bộ máy cai trị hà khắc, lực lượng quân đội mạnh, dựng hàng rào thuế quan nghiêm ngặt, các chính sách văn hoá, giáo dục phản động... để phục vụ việc khai thác.
c. Kết quả
Sau những năm khai thác ở Đông Dương đã đem lại cho bọn tư bản Pháp, nhất là bọn tư bản tài chính Pháp những món lợi kếch xù. (Dẫn chứng: số vốn của Ngân hàng Đông Dương từ năm 1912 đến năm 1930 đã tăng lên gấp 3 lần). Còn đại bộ phận nhân dân ta, nhất là nhân dân lao động ngày càng bị bần cùng hóa. Nền kinh tế nước ta có phát triển một bước, song về cơ bản vẫn chỉ là một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu, kỹ thuật thấp kém, què quặt, ngày càng lệ thuộc chặt, vào nền kinh tế Pháp. Đông Dương dần dần trở thành một thuộc địa và thị trường độc chiếm của Pháp.