I. Kiến thức cơ bản
1. Sự thành lập vương triều
- Lợi dùng tình hình Tây Sơn đang dồn sức giải quyết các công việc ở Bắc Hà, Nguyễn Ánh đem quân trở về đánh chiếm Gia Định, biến vùng này thành căn cứ mở các cuộc tấn công chống lại Tây Sơn.
- Tháng 6 - 1801, Nguyễn Ánh tấn công Phú Xuân (Huế), Nguyễn Quang Toàn chống cự không nổi phải bỏ chạy ra Thăng Long.
- Ngày 21 - 6 - 1802, Nguyễn Ánh đánh chiếm Thăng Long. Quang Toàn và triều đình Tây Sơn chạy đến Xương Giang (Bắc Giang) thì bị bắt. Vương triều Tây Sơn chấm dứt. Nguyễn Ánh lên ngôi Hoàng đế, đặt niên hiệu là Gia Long, lập nên vương triều Nguyễn (1802 - 1945)
2. Tổ chức vương triều
- Công việc đầu tiên mà Nguyễn Ánh tập trung giải quyết là thiết lập một hệ thống cai trị từ trung ương tới các địa phương trên một lãnh thổ rộng lớn, tương đương với lãnh thổ Việt Nam hiện nay. Nguyễn Ánh quyết định xây dựng một thể chế quân chủ quan liêu chuyên chế, trong đó vua là người đứng đầu triều đình và toàn quyền quyết định mọi công việc hệ trọng của đất nước. Dưới vua có 6 bộ (Lại, Hộ. Lỗ, Binh, Hình, Công), đứng đầu mỗi bộ là Thượng thư. Dưới bộ có các ti chuyên trách.
- Đến thời Minh Mạng, tổ chức bộ máy nhà nước được hoàn thiện chặt chẽ hơn. Ngoài 6 bộ còn có các viện và các cơ quan chuyên trách như Đô sát viện, Nội các, Cơ mật viện...
- Phú Xuân (Huế) được chọn làm kinh đô là trung tâm đầu não của cả nước.
- Để bảo vệ quyền uy tuyệt đối của Hoàng đế, nhà Nguyễn không đặt chức Tể tướng, không lấy đỗ Trạng nguyên, không lập Hoàng hậu và không phong tước vương cho người ngoài họ.
- Nhà Nguyễn rất coi trọng luật pháp. Năm 1815, bộ Hoàng Việt luật lệ (hay còn (gọi là Luật Gia Long) gồm 398 điều, chia thành 7 chương, được chính thức ban hành.
- Nhà Nguyễn chủ trương xây dựng một đội quân thường trực mạnh với khoảng trên 20 vạn quân, được chia làm 4 binh chủng (bộ binh, thuỷ binh, pháo binh và tượng binh).
3. Chính sách đối ngoại
- Nhà Nguyễn chủ trương thần phục nhà Thanh. Năm 1803, Gia Long cử sứ bộ sang Trung Quốc xin quốc hiệu và cầu phong. Năm sau, nhà Thanh sai sứ sang phong vương cho Gia Long. Từ đó nhà Nguyễn phải định kì cống nộp. Trong khi đó, các vua Nguyễn lại sử dụng lực lượng quân sự bắt Cao Miên và Lào thần phục, thậm chí có lúc còn thiết lập chế độ bảo hộ ở Cao Miên.
- Đối với các nước phương Tây, trong giai đoạn đầu, Gia Long thi hành chính sách tương đối cởi mở với Pháp và đạo Thiên chúa. Nhưng sang đến thời Minh Mạng (1820 - 1840), triều Nguyễn khước từ dần những quan hệ với phương Tây, thậm chí bắt đầu thi hành chính sách đàn áp Công giáo và “đóng cửa”, ngăn cản ảnh hưởng của người phương Tây trên đất Việt Nam.
II. CÂU HỎI TRẮC NGHIỆM
Câu 1: Tháng 6 - 1801, Nguyễn Ánh tấn công vào đâu, Quang Toàn chống cự không nổi phải bỏ chạy ra Thăng Long?
A. Phú Xuân (Huế).
B. Gia Định.
C. Tam Điệp (Ninh Bình).
D. Quảng Nam.
Đáp án: A
Câu 2: Nguyễn Ánh đánh chiếm Thăng Long vào thời gian nào?
A. 20 - 07 - 1802.
B. 21- 06 - 1801.
C. 21 - 06 - 1802.
D. 12 - 06 - 1802.
Đáp án: C
Câu 3: Khi Nguyễn Ánh đánh chiếm Thăng Long, Quang Toàn chạy đến đâu thì bị bắt?
A. Xương Giang (Bắc Giang).
B. Tam Diệp (Ninh Binh).
C. Sông Gianh (Quảng Bình).
D. Biện Sơn (Thanh Hoá).
Đáp án: A
Câu 4: Nguyễn Ánh lên ngôi Hoàng đế vào năm nào? Đặt niên hiệu là gì?
A. Năm 1801 - Niên hiệu là Gia Long.
B. Năm 1802 - Niên hiệu là Gia Long.
C. Năm 1804 - Niên hiệu là Càn Long.
D. Năm 1806 - Niên hiệu là Minh Mạng.
Đáp án: B
Câu 5: Vương triều Nguyễn tồn tại trong khoảng thời gian nào? Có bao nhiêu đời vua?
A. Từ 1801 đến 1945. Có 13 đời vua.
B. Từ 1802 đến 1858. Có 12 đời vua.
C. Tư 1802 đến 1885. Có 13 đời vua.
D. Từ 1802 đến 1945. Có 13 đời vua.
Đáp án: D
Câu 6: Khi lên ngôi Hoàng đế, công việc đầu tiên mà Nguyễn Ánh tập trung giải quyết là gì?
A. Trả thù phong trào Tây Sơn.
B. Xây dựng cung đình nguy nga, tráng lệ.
C. Thiết lập một hệ thống cai trị từ trung ương tới các địa phương.
D. Xây dựng quân đội hùng mạnh.
Đáp án: C
Câu 7: Sau vua Gia Long, đời vua nào nối tiếp của triều Nguyễn?
A. Tự Đức.
B. Minh Mạng.
C. Thiệu Trị.
D. Dục Dức.
Đáp án: B
Câu 8: Dưới triều Nguyễn, địa danh nào được chọn làm kinh đô là trung tâm đầu não của cả nước?
A. Thăng Long (Hà Nội).
B. Phủ Quy Nhơn.
C. Phú Xuân (Huế).
D. Gia Định (Sài Gòn).
Đáp án: C
Câu 9: Tổ chức bộ máy cai trị ở địa phương dưới thời Minh Mạng như thế nào?
A. Tỉnh, phủ, huyện và xã
B. Tỉnh, phủ, huyện, châu, tông và xã
C. Tỉnh, huyện, phủ, tông và xã.
D. Tỉnh, phủ, huyện, châu và xã.
Đáp án: B
Câu 10: Dưới thời nhà Nguyễn, bộ Hoàng Việt luật lệ được ban hành vào năm nào?
A. Năm 1814.
B. Năm 1815.
C. Năm 1816.
D. Năm 1817.
Đáp án: B
Câu 11: Nhà Nguyễn chủ trương thần phục triều đại nào ở Trung Quốc?
A. Nhà Minh.
B. Nhà Tống.
C. Nhà Nguyễn.
D. Nhà Thanh.
Đáp án: D
Câu 12: Năm 1803, Gia Long cử sứ bộ sang Trung Quốc để làm gì?
A. Xin quốc hiệu và cầu an.
B. Xin quốc hiệu và câu phong.
C. Xin cống nạp và cầu phong.
D. Xin giản hoà.
Đáp án: B
Câu 13: Các vua nhà Nguyễn sử dụng lực lượng nhân sự bắt các nước nào phải thần phục?
A. Cao Miên và Lào
B. Cao Miên, Lào, Thái Lan.
C. Mà Lai, In-đô-nê-xi-a.
D. Các nước Đông Nam Á.
Đáp án: A
Câu 14: Đến thời Minh Mạng, triều Nguyễn quan hệ với các nước phương Tây như thế nào?
A. Khước từ dần quan hệ đối với các nước phương Tây.
B. Đặt quan hệ thân thiện với các nước phương Tây.
C. Thực hiện chính sách “mở cửa” để quan hệ với phương Tây.
D. Thi hành chính sách tương đối cởi mở đối với các nước phương Tây.
Đáp án: A