Câu hỏi: Những nguyên nhân nào đã dẫn đến sự bùng nổ của cao trào cách mạng 1930 - 1931 ở nước ta?
Có 3 nguyên nhân:
- Do bị đế quốc và phong kiến bóc lột lâu ngày, thêm vào đó từ 1929 đến 1933 thế giới lại diễn ra một cuộc khủng hoảng kinh tế của chủ nghĩa tư bản. Cuộc khủng hoảng này ảnh hường đến tất cả các nước, làm cho đời sống của nhân dân càng thêm khốn khổ, nhất là nhân dân lao động ở các nước thuộc địa trong đó có Đông Dương, mâu thuẫn xã hội càng thêm gay gắt. Tình hình ấy, khiến nhân dân ta nhận thấy chỉ còn có một con đường là phải vùng lên đấu tranh chống lại ách áp bức, bóc lột của bọn thực dân phong kiến mới hy vọng thoát khỏi cuộc đời trâu ngựa được.
- Đầu năm 1930 cuộc khởi nghĩa Yên Bái của Việt Nam Quốc dân Đảng bùng nổ và thất bại (9/2/1930). Bọn đế quốc đã vin vào cớ này để đàn áp cách mạng, làm cho không khí chính trị ở Đông Dương vốn đã căng thẳng lại càng thêm căng thẳng.
- Ngày 3/2/1930 Đảng được thành lập và công bố Luận cương chính trị của mình. Luận cương đề ra hai khẩu hiệu chiến lược là “Độc lập dân tộc” và “ruộng đất dân cày”, đáp ứng được nguyện vọng của đại đa số nhân dân, nhất là nông dân. Đảng lại chủ trương phát động quần chúng nổi dậy đấu tranh thực hiện theo cương lĩnh của Đảng.
Từ ba nguyên nhân trên đã dẫn đến sự bùng nổ của cao trào cách mạng 1930 - 1931 ở nước ta. Trong ba nguyên nhân ấy thì nguyên nhân có Đảng lãnh đạo là nguyên nhân cơ bản quyết định sự bùng nổ của cao trào.
Câu hỏi: Tóm tắt chủ trương của Đảng, diễn biến kết quả và ý nghĩa sử của cao trào cách mạng 1930 - 1931? a. Chủ trương của Đảng: Luận cương chính trị của Đảng (10/1930) chỉ rõ:
- Cách mạng Việt Nam phải trải qua 2 giai đoạn:
“Tư sản dân quyền là thời kỳ dự bị để làm xã hội cách mạng”.- Cuộc cách mạng này phải do Đảng lãnh đạo, lấy liên minh công nông làm gốc, tiến hành bằng phương pháp cách mạng bạo lực, đặt cách mạng Việt Nam thành một bộ phận của cách mạng thế giới.
- Phát dộng một phong trào đấu tranh chống đế quốc và phong kiến với hai khẩu hiệu
“Độc lập dân tộc” và
“Ruộng đất dân cày”.
- Chủ trương lập
“Hội phản đế đồng minh Đông Dương”, chủ yếu là công nông.
b. Diễn biến:Từ tháng 2 đến 4/1930 phong trào đấu tranh sôi sục trên toàn quốc, mạnh nhất ở Bắc Kỳ.
+ Từ tháng 5 đến 8/1930 đấu tranh kinh tế ở 3 miền, trung tâm phong trào chuyển vào miền Trung.
+ Từ tháng 9/1930 tiến lên đấu tranh vũ trang, lập ra chính quyền Xô Viết.
Đặc điểm: Phong trào sâu rộng ở cả 3 miền. Lực lượng chủ yếu là công nông, hình thức đấu tranh chủ yếu là vũ trang, bất hợp pháp. Địa bàn chủ yếu là ở nông thôn. Đây là cuộc tổng diễn tập lần thứ nhất cho Cách mạng tháng Tám.
c. Kết quả và ý nghĩa lịch sử:Dưới sự lãnh đạo của Đảng từ đầu năm 1930 đến giữa năm 1931 ở nước ta diễn ra một cao trào cách mạng sôi sục, có ý nghĩa lớn:
+ Nói lên lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần đấu tranh chống ngoại xâm kiên cường, bất khuất của nhân dân ta.
+ Nó khẳng định sức mạnh to lớn của quần chúng nhân dân nước ta, nhất là của công nông, một khi được Đảng phát động và lãnh đạo.
+ Nó khẳng định khả năng và vai trò lãnh đạo của giai cấp công nhân đối với cách mạng Việt Nam. Chính vì thế đến cuối năm 1931 Đảng ta được Quốc tế Cộng sản thừa nhận là một chi bộ chính thức của Quốc tế Cộng sản.
+ Có thể nói đây là cuộc tổng diễn tập lần thứ nhất cho Cách mạng tháng Tám.