A.PHẦN ĐỌC( 7 điểm): Đọc thầm và chọn ý đúng trong các câu trả lời dưới đây và làm các bài tập
Hoa học trò
Phượng không không phải là một đóa, không phải vài cành: phượng đây là cả một loạt, cả một vùng, cả một góc trời đỏ rực. Mỗi hoa chỉ là một phần của cả xã hội thắm tươi; người ta quên đóa hoa, chỉ nghĩ đến cây, đến hàng, đến những tán hoa lớn xòe ra như muôn ngàn con bướm thắm đậu khít nhau.
Nhưng hoa càng đỏ, lá lại càng xanh. Vừa buồn mà lại vừa vui mới thực sự là nỗi niềm bông phượng. Hoa phượng là hoa học trò. Mùa xuân, phượng ra lá. Lá xanh um, mát rượi, ngon lành như lá me non. Lá ban đầu xếp lại, còn e ấp, dần dần xòe ra cho gió đưa đẩy. Lòng cậu học trò phơi phới làm sao! Cậu chăm lo học hành, rồi lâu cũng vô tâm quên mất màu lá phượng. Một hôm, bỗng đâu trên những cành cây báo một tin thắm: Mùa hoa phượng bắt đầu. đến giờ chơi, cậu học trò ngạc nhiên trông lên: Hoa nở lúc nào mà bất ngờ vậy?
Bình minh của hoa phượng là màu đỏ còn non, nếu có mưa, lại càng tươi dịu. Ngày xuân dần hết, số hoa tăng lên, màu cũng đậm dần. Rồi hòa nhịp với mặt trời chói lọi, màu phượng mạnh mẽ kêu vang: Hè đến rồi! Khắp thành phố bỗng rực lên như đến Tết nhà nhà đều dán câu đối đỏ.
Theo XUÂN DIỆU
Câu 1. Hoa phượng có màu gì?
A. màu vàng
B. màu đỏ
C. màu tím
Câu 2. Mùa xuân lá phượng như thế nào?
A. Xanh um, mát rượi, ngon lành như lá me non.
B. Lá bắt đầu dụng.
C. Ngon lành như lá me non.
Câu 3. Vì sao tác giả gọi hoa phượng là hoa học trò?
A. Vì hoa phượng cho ta bóng mát.
B. Hoa phượng gắn với kỉ niệm của rất nhiều học trò về mái trường.
C. Vì phượng có hoa màu đỏ.
Câu 4. Nội dung của bài văn nói lên điều gì?
A. Tả vẻ đẹp đọc đáo của hoa phượng, loài hoa gắn với những kỉ niệm và niềm vui của tuổi học trò.
B. Nói về tuổi học trò.
C. Tình cảm của tác giả với cậu học trò.
Câu 5. Tác dụng của dấu gạch ngang trong đoạn văn sau đây là gì?
Sau một thời gian ngắn, quả nhiên Hai – nơ khỏi bệnh . Ông ngạc nhiên hỏi bác sĩ:
- Bây giờ tôi mới biết táo cũng là vị thuốc quý.
A. Dùng để đánh dấu phần chú thích trong câu
B. Dùng để đánh dấu các ý trong một đoạn liệt kê
C. Dùng để đánh dấu chỗ bắt đầu lời nói của nhân vật
Câu 6. Chủ ngữ trong câu sau “ Hoa phượng là hoa học trò” là:
A. Hoa phượng
B. Là hoa học trò
C. Hoa
Câu 7. Câu “ Lòng cậu học trò phơi phới làm sao!” thuộc kiểu câu gì?
A. Ai là gì ?
B. Ai thế nào ?
C. Ai làm gì ?
Câu 8 . Trong các từ sau từ cùng nghĩa với từ “Dũng cảm” là:
A. Gan dạ
B. Hiền lành
C. Chăm chỉ
Câu 9: Tìm từ ngữ trong ngoặc đơn hớp với mỗi chỗ trống ở đoạn văn sau:
Anh Kim Đồng là một ...... rất......... . Tuy không chiến đấu ở.......... , nhưng nhiều khi đi liên lạc, anh cũng gặp những giây phút hết sức..... . Anh đã hi sinh, nhưng.... sáng của anh vẫn còn mãi mãi.
(can đảm, người liên lạc, hiểm nghèo, tấm gương, mặt trận)
Câu 10: Em hãy đặt 1 câu trong đó có sử dụng trạng ngữ chỉ nơi chốn
B. BÀI KIỂM TRA VIẾT
1. Chính tả : (Nghe – viết) (2,0 điểm)
Cây trám đen
Cùi trám đen có chất béo, bùi và thơm. Trám đen rất ưa xào với tóp mỡ. Trám đen còn được làm ô mai, phơi khô để ăn dần. Người miền núi rất thích món trám đen trộn với xôi hay cốm.
Chiều chiều, tôi thường ra đầu bản nhìn lên những vòm cây trám. Người bản tôi nhìn lên cái ô xanh treo lơ lửng lưng trời ấy mà biết được sức gió. Xa quê đã ngót chục năm trời, tôi vẫn nhớ da diết những cây trám đen ở đầu bản.
2. Tập làm văn : (5,0 điểm)
Đề bài: Tả một loại cây mà em yêu thích.
ĐÁP ÁN PHẦN ĐỌC
CÂU | 1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 |
Ý ĐÚNG | B | A | B | A | C | A | B | A | người liên lạc, can đảm, mặt trận, hiểm nghèo, tấm gương | Học sinh đặt được câu hoàn chỉnh có trạng ngữ chỉ nơi chốn. |
Số diểm | 0,5 | 0,5 | 0,5 | 1 | 1 | 0,5 | 0,5 | 0,5 | 1 | 1 |