Đề thi cuối học kỳ 2 môn Tiếng Việt lớp 5 năm 2021 (Đề 2)

Thứ ba - 20/04/2021 04:31
Đề thi cuối học kỳ 2 môn Tiếng Việt lớp 5 năm 2021, có đáp án kèm theo. Mời các bạn cùng tham khảo.
1. ĐỌC THÀNH TIẾNG :
Giáo viên yêu cầu học sinh đọc 1 đoạn khoảng 110 tiếng trong các bài Tập đọc SGK TV5 tập 2 từ tuần 19 đến tuần 34 trả lời 1 hoặc 2 câu hỏi về nội dung đoạn vừa đọc.  

2. ĐỌC THẦM : Học sinh đọc thầm bài văn sau và làm các bài tập bên dưới.
TRÊN CÔNG TRƯỜNG KHAI THÁC THAN
Chúng tôi ra bờ moong. Ở đây, tôi nhìn được toàn cảnh của công trường trong một vòng cung cực lớn hình phễu. Những đám mây trắng mỏng và nhẹ bay phất phơ ngang sườn núi trước mặt làm cho những cỗ máy khoan khi ẩn khi hiện, trông giống như một con thuyền đã hạ buồm ...
Dưới đáy moong, tôi đếm có đến chín cái máy xúc, nhác trông có thể ví chúng như những con vịt bầu khó tính hay động cựa, luôn luôn quay cổ từ bên này sang bên kia. Từ những chiếc máy xúc dưới đáy lên đến những cỗ máy khoan trên cùng là con đường vòng xoáy trôn ốc. Không ngớt xe lên, xe xuống. Những chiếc xe ben-la màu xanh lá mạ trông như con cào cào, chạy rất nhanh, chở đất đá bóc trên tầng đổ ra bãi thải. Những chiếc xe gấu màu đen trũi trông như những con kiến đất, cần cù và chắc chắn chở than từ dưới đáy moong đổ ra máng ga, rồi từ máng ga trút xuống những toa xe lửa chở ra cảng. Hoàn toàn không thấy bóng người. Nhưng tôi biết con người có mặt ở khắp mọi nơi trong cái vòng cung hình phễu này.
                                                                                                     Trần Nhun Minh
* Khoanh tròn chữ cái  trước những ý trả lời đúng cho từng câu hỏi dưới đây:
1/ Tác giả đứng ở đâu để quan sát cảnh công trường?
a.  Sườn núi.
b.  Bờ moong.
c.  Cỗ máy khoan.
d.  Dưới đáy moong.
2/ Tại sao những cỗ máy khoan lại “khi ẩn khi hiện”?
a.  Do những đám mây trắng mỏng và nhẹ bay phất phơ ngang sườn núi trước mặt.
b.  Do chúng như những con vịt bầu khó tính hay động cựa, luôn luôn quay cổ từ bên này sang bên kia.
c.  Do công trường là một vòng cung cực lớn hình phễu.
d.  Do sương mù và mưa nhẹ
3/ Tác giả so sánh “chiếc máy xúc” với hình ảnh nào sau đây?
a.  Như một con thuyền đã hạ buồm ...
b. Như những con vịt bầu khó tính hay động cựa, luôn luôn quay cổ từ bên này sang bên kia.
c.  Như những con kiến đất, cần cù và chắc chắn.
d.  Trông như con cào cào, chạy rất nhanh, chở đất đá bóc trên tầng đổ ra bãi thải.
4/ Trên công trường khai thác than có những loại máy móc, loại xe nào làm việc ?
a.  Máy khoan, xe ben-la, xe gấu, xe lửa.
b.  Máy khoan, máy xúc, xe ben-la, xe gấu, xe lửa.
c.  Máy khoan, máy xúc, xe ben-la, xe gấu, xe lửa, xe tải.
d.  Không có xe mà chỉ có máy móc.
5/ Em có suy nghĩ gì về công việc của những công nhân khai thác than?
........................................................................................................................................
........................................................................................................................................
6/ Từ nào đồng âm với từ in đậm trong câu:Tôi đếm có đến chín cái máy xúc. ?
a.  Số chín.
b.  Lên chín
c.  Chín năm
d.  Quả chín
7/ Câu nào dưới đây có dùng quan hệ từ.
a. Không ngớt xe lên, xe xuống.
b. Hoàn toàn không thấy bóng người.
c. Những đám mây trắng mỏng và nhẹ bay phất phơ ngang sườn núi.     
d. Chúng tôi ra bờ moong.  
8/ “Chúng tôi ra bờ moong. Ở đây, tôi nhìn được toàn cảnh của công trường trong một vòng cung cực lớn hình phễu.” Hai câu văn trên sử dụng liên kết câu bằng cách?
a. Lặp lại từ ngữ.
b. Thay thế từ ngữ.
c. Dùng từ ngữ nối.
d. Thay thế và lặp lại từ ngữ.
9/ Trong câu “Những chiếc xe ben-la màu xanh lá mạ trông như con cào cào, chạy rất nhanh, chở đất đá bóc trên tầng đổ ra bãi thải.” dấu phẩy dùng có tác dụng gì?
a. Tách các bộ phận cùng chức vụ trong câu.
b. Tách trạng ngữ với chủ ngữ, vị ngữ trong câu..
c. Tách các vế trong một câu ghép.
d. Tách chủ ngữ với vị ngữ trong câu
10/ Hãy đặt một câu ghép biều thị quan hệ tương phản nói về phẩm chất tốt của học sinh.
.........................................................................................................................................
........................................................................................................................................

3. CHÍNH TẢ:             
Phong cảnh đền Hùng
( Viết đoạn từ “Trước đền Thượng.... hết bài.”Sách TV5 tập 2 trang 69)

4. TẬP LÀM VĂN :           
Đề bài : Đất nước ta trải dài từ Bắc vào Nam đâu đâu cũng có nhiều phong cảnh đẹp. Em hãy viết bài văn tả một cảnh đẹp mà em yêu thích.
 

ĐÁP ÁN

PHẦN A : Đọc thầm mỗi câu 0,5 đ

Câu 1: b
Câu 2: a
Câu 3: b
Câu 4: c
Câu 5: nặng nhọc, vất vả,  siêng năng, chăm chỉ, nghiêm túc...
( Học sinh chỉ cần nêu 2 ý là được )
Câu 6: d
Câu 7: c
Câu 8: d
Câu 9: a
Câu 10: Đặt được câu đúng yêu cầu, đúng ngữ pháp.
 

PHẦN B: Viết

Bài viết chính tả: Phong cảnh đền Hùng
( Viết đoạn từ “Trước đền Thượng.... hết bài.”Sách TV5 tập 2 trang 69)
Tập làm văn: Đảm bảo các yêu cầu sau:
1. Viết bài văn đúng theo yêu cầu: Cảnh biển, sông, suối, hồ...
2.  Chữ viết rõ ràng, trình bày sạch đẹp, đúng chính tả, dùng từ, đặt câu.
Cách chấm điểm :
-Giỏi : 4,5đ – 5đ
-Khá : 3,5đ – 4đ
-Trung bình : 2,5đ – 3đ
-Yếu : 0,5đ – 2đ .   

Bài văn mẫu:  Tả một cảnh đẹp mà em yêu thích.
Cuộc sống có biết bao cái đẹp. Có cái đẹp ta dễ dàng trông thấy, cũng có cái đẹp khuất lấp, có cái đẹp hiện ngay ra trước mắt nhưng vì một lý do nào đó mà ta vô tình quên lãng. Dòng sông quê hương ngày ngày trở phù sa bồi đắp cho ruộng vườn quê hương thêm xanh tốt chính là một trong những vẻ đẹp của quê hương tôi.

Con sông quê tôi hiền hoà lắm. Màu nào, sông cũng lững lờ trôi như thể ngắm thật sâu, thật kĩ vẻ đẹp của quê hương mình vậy. Nước sông lững lờ trôi.

Mùa xuân, khi vạn vật đâm chồi nảy lộc, đơm hoa kết trái và ở bên kia bờ sông cũng thế. Mùa xuân, nước sông trong lắm, chỉ nổi gợn sóng li ti, thậm chí đứng trên bờ tôi còn có thể nhìn thấy những chú cá tung tăng bơi lội ở phía dưới.

Rồi khi hè sang, những tia nắng chiếu xuống mặt sông s nước sông ánh lên một màu vàng nhẹ. Những bác nông dân đi gặt về, giữa cái nắng oi nồng của mọi hè, khi ngày tàn, lại dừng chân nơi dòng sông ngồi nghỉ cho mát. Những đứa trẻ thơ ngày ngày ra dòng sông tắm, nước sông chảy trên người chúng như là quê hương đang nuôi lớn chúng từng ngày, từng năm. Những cây tre bên bờ soi bóng xuống như hình ảnh của những người thiếu nữ đang chải tóc, đang phô diễn vẻ đẹp của mình cho mọi người.

Thu về, nước sông không còn ánh lên màu vàng của nắng nữa. Cây bàng mùa thu thay la, những chiếc lá bàng đỏ in bóng xuống dòng sông khiến một góc dòng sông chuyển sang màu đỏ. Những chiếc lá rơi trên dòng sông quê khiến dòng sông như khoác trên mình một tấm sặc sỡ màu sắc. Khi ấy, dòng sông mới điệu làm sao!

Đông về, những cây cối ven sông đã dần rụng hết lá, chỉ còn lại trơ trụi. Dòng sông khi ấy lạnh hơn, nó mang một sắc thái của mùa đông quê hương. Không rạo rực, sôi nổi như khi hè đến mà dường như có cái gì đó thâm trầm. Và dòng sông như thế có phải là muốn nhắc nhở chúng tôi rằng: mùa đông rồi, hãy giữ ấm, đừng nghịch nước vì có thể bị ốm!

Dòng sông không chỉ là vẻ đẹp của quê hương tôi mà còn trở thành nơi se duyên cho bao người. Nó đã trở thành máu thịt, thành linh hồn của quê hương tôi rồi. Tôi yêu dòng sông như yêu quê hương của mình vậy!​​

  Ý kiến bạn đọc

THÀNH VIÊN

Hãy đăng nhập thành viên để trải nghiệm đầy đủ các tiện ích trên site
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây