ĐỀ THI
1. Điền từ thích hợp vào chỗ chấm trong từng câu sau đây để tạo ra hình ảnh so sánh:
a) Mặt biển sáng trong như...
b) Rừng dương ở ven biển vi vu như...
c) Mặt trời mới mọc đỏ ối như...
d) Mặt trăng lơ lửng trên không như...
e) Mặt hồ phẳng lặng như...
2. Gạch chân các quan hệ từ trong các câu sau:
a) Nó chăm chú theo dõi câu chuyện từ đầu đến cuối
b) Em xin báo một điều vui của cả lớp cho cô mừng.
c) Ếch có ích cho nhà nông vì nó ăn sâu bọ
d) Nhà xa trường nhưng em không bao giờ đến lớp muộn
e) Em thích học văn và thích học âm nhạc
3. Thêm trạng ngữ, định ngữ, bổ ngữ để mở rộng nòng cốt câu sau đây:
Trăng lên.
4. Viết lại đoạn văn sau và dùng dấu chấm, dấu phẩy cho đúng chỗ:
Làng quê tôi đã khuất hẳn nhưng tôi vẫn đăm đắm nhìn theo tôi đã đi nhiều nơi đóng quân nhiều chỗ phong cảnh đẹp hơn đây nhiều nhân dân coi tôi như người làng và cũng có người yêu tôi tha thiết nhưng sao sức quyến rũ nhớ thương vẫn không mãnh liệt dạy dứt bằng mảnh đất cọc cằn này.
(Nguyễn Khải)
5. Trong bài thơ Đàn bò trên đồng cỏ hoàng hôn, nhà thơ Nguyễn Đức Mậu viết:
Đàn bò trên đồng cỏ xanh xanh
Gặm cả hoàng hôn, gặm buổi chiều sót lại
Theo em, hình ảnh nào góp phần nhiều nhất làm nên cái hay trong hai câu thơ trên? Hình ảnh đó đã nói lên điều gì?
6. Dựa vào ý của bài thơ sau, em hãy viết bài văn tả đàn trâu trở về trại trong một buổi chiều êm ả ở nông thôn:
Trâu đồi
Ai thổi sáo gọi trâu đâu đó
Chiều in nghiêng trên mảng núi xa
Con trâu trắng dẫn đàn lên núi
Vểnh đôi tai, nghe sáo trở về
Trâu đực chạy rầm rầm như hổ
Trâu thiến rong từng bước hiền lành
Cổ lừng lừng như chum như vại
Móng hến hằn in mép cỏ xanh
Những chú nghé lông tơ mũm mỉm
Mũi phập phồng dính cánh hoa mua
Cổng trại mở, trâu vào chen chúc.
Chiều rộn ràng trong tiếng nghé ơ.
(Ngô Văn Phú)
----------------------------------
ĐÁP ÁN
1. Điền từ ngữ để tạo ra hình ảnh so sánh:
a) Mặt biển sáng trong như tấm thảm khổng lồ màu ngọc bích
b) Rừng dương ở ven biển vi vu như ai thổi sáo.
c) Mặt Trời mới mọc đỏ ối như chiếc mâm đồng
d) Mặt Trăng lơ lửng trên không như sáo diều
e) Mặt hồ phăng lặng như gương
2. Gạch chân các quan hệ từ trong các câu sau:
a) Nó chăm chú theo dõi câu chuyện từ đầu đến cuối
b) Em xin báo một điều vui của cả lớp cho cô mừng.
c) Ếch có ích cho nhà nông vì nó ăn sâu bọ
d) Nhà xa trường nhưng em không bao giờ đến muộn
e) Em thích học văn và thích học âm nhạc
3. Thêm trạng ngữ, định ngữ và bổ ngữ để mở rộng nòng cốt câu như sau:
Từ phía đằng đông, mặt trăng vàng đang từ từ nhô lên.
4. Đoạn văn được viết lại như sau: ,
Làng quê tôi đã khuất hẳn, nhưng tôi vẫn đăm đắm nhìn theo. Tôi đã đi nhiều nơi, đóng quân nhiều chỗ phong cảnh đẹp hơn đây nhiều, nhân dân coi tôi như người làng và cũng có người yêu tôi tha thiết, nhưng sao sức quyến rũ, nhớ thương vẫn không mãnh liệt day dứt bằng mảnh đất cọc cằn này.
5. Hình ảnh góp phần nhiều nhất làm nên cái hay trong hai câu thơ trên đó là hình ảnh: Gặm cả hoàng hôn, gặm buổi chiều sót lại.
Hình ảnh trên cho ta thấy: đàn bò dường như không chỉ gặm cỏ mà còn gặm cả ánh hoàng hôn đang bao phủ lên đồng cỏ. Chiều muộn, hoàng hôn đã buông xuống nhưng đàn bò vẫn mãi mê gặm cỏ, gậm những tia nắng cuối ngày còn sót lại trên đồng cỏ non xanh. Cảnh vật thật thơ mộng
6. Gợi ý
- Viết đúng thể loại văn tả con vật kết hợp tả cảnh vật
- Nội dung bài viết cần thể hiện:
+ Hình ảnh đàn trâu trở về trại sau khi đã ăn cỏ no nê trên đồi
+ Đặc điểm riêng của từng con trâu trong đàn: trâu trắng, trâu đực, trâu thiến, nghé con...
- Bài viết có cảm xúc, diễn đạt rõ ý, dùng từ đúng, viết câu không sai ngữ pháp và chính tả. Trình bày sạch sẽ.
Bài tham khảo
Thế là hoàng hôn đã xuống, những tia nắng yếu ớt in nghiêng trên mảng núi xa xa. Tiếng sáo ngân vang, đàn trâu vểnh tai nghe rồi rình rịch kéo về.
Cả con đường đường như cũng rung chuyển theo bước chân của chúng... Đi đầu đàn là con trâu trắng, sừng cong và giương ra phía trước có vẻ oai phong lắm. Đằng sau nó là rộn ràng trâu đực, trâu thiến và nghé con mủm mỉm. Trâu đực to, khỏe, chúng chạy rầm rầm như hổ săn mồi. Còn trâu thiến thì thong thả từng bước, cổ của chúng lừng lững như chum vại, bụng no tròn như cái trống, móng chân như cái vỏ hến to hằn lên mép cỏ non xanh. Chúng lững thững từng bước nặng nề, đi lang thang như không mục đích, cái đuôi lắc lư theo nhịp bước đi. Bóng sừng trâu in dưới ánh hoàng hôn, kéo dài lan giữa con đường về trại. Dễ thương nhất là lũ nghé con thơ ngây. Chúng như mang theo ánh hoàng hôn về trong bộ lông tơ mịn màng, mát dịu. Những cái mũi xinh xắn của lũ nghé như những cánh hoa mua, nó đã mang theo hương vị thoang thoảng của cao nguyên, đồng nội. Tất cả cùng tiên về trại, thình thịch như đất trời rung chuyển.
Hãy xem cảnh trang trại náo động đến dường nào! cổng trại đã mở toang để đón chờ đàn trâu trở về. Máng rơm, máng nước đều đầy ắp, chực sẵn. Đàn trâu đã về đến đầu ngõ, chúng tiến bước vào giữa những bụi hoa nắng đã nở tràn trên khắp lối đi. Những bụi hồng rạng rỡ đón chào. Đàn gà tơ trên chuồng cũng phải tỉnh giấc, kêu tục... tục, những chị gà mái thầm thì bàn nhau sẽ thức thâu đêm để lo cho việc ngày mai đẻ trứng. Đàn trâu chen chúc vào chuồng rồi ung dung uống nước, chúng lim dim và đánh một giấc ngon lành.
Đàn trâu thật đáng yêu. Chúng là niềm vui của người lao động. Trâu đem lại lợi ích cho mọi nhà. Trâu là bạn của nhà nông.