1. a) Viết 2 câu thành ngữ nói về hòa bình - hữu nghị.
b) Câu thành ngữ “muôn người như một” ý nói gì?
2. a) Tìm cặp từ trái nghĩa trong câu thơ sau:
Nơi hầm tối lại là nơi sáng nhất.
Nơi con nhìn ra sức mạnh Việt Nam
(Dương Hương Li)
b) Em hãy nêu cái hay trong việc sử dụng cặp từ trái nghĩa ở trên của tác giả.
3. Cho các từ: Tổ quốc, mênh mông, bầu trời, niềm vui, núi đồi, nghe, xây dựng, giang sơn, Trái Đất, tương lai, hùng vĩ, bảo vệ, chen chúc, cuồn cuộn, cuộc sống, quê hương, lắng đọng, nhớ, hòa tan, đắng cay, rực rỡ, dịu dàng.
Hãy xếp các từ trên thành các nhóm theo 2 cách:
a) Dựa vào cấu tạo.
b) Dựa vào từ loại.
4. Dựa vào thành phần cấu tạo để phân loại các câu dưới đây:
a) Ngoài vườn, lá khô rơi xào xạc
b) Ngoài vườn, có lá khô rơi
5. Trong bài thơ Vàm cỏ Đông, nhà thơ Hoài Vũ có viết:
Đây con sông như dòng sữa mẹ
Nước về xanh ruộng lúa, vườn cây
Và ăm ắp như lòng người mẹ
Chở tình thương trang trải đêm ngày
Đọc đoạn thơ trên, em cảm nhận được hình ảnh đáng quý của dòng sông quê hương như thế nào?
6. Thay lời nhân vật người con trong bài Lời khuyên của bố, em hãy viết thư thăm bố và nêu rõ sự quyết tâm học tập để xứng đáng với lòng mong đợi của bố.
-------------------------------
ĐÁP ÁN
1. a) Viết 2 câu thành ngữ nói về hòa bình - hữu nghị.
- Bốn bề một nhà
- Chung lưng đấu sức
2. a) Cặp từ trái nghĩa trong câu thơ: tối - sáng
b) Cái hay của việc sử dụng cặp từ trái nghĩa trong câu thơ trên: chữ tối được hiểu theo nghĩa đen, chữ sáng được hiểu theo nghĩa bóng. Nơi những căn hầm tối tăm, thiếu ánh sáng ấy lại là nơi tỏa ra ánh sáng của lòng yêu nước, của chủ nghĩa anh hùng cách mạng - cái đã làm nên sức mạnh Việt Nam.
3. Các từ được xếp theo 2 nhóm sau:
a) Dựa vào cấu tạo:
- Từ đơn: nghe, nhớ
- Từ ghép: Tổ quốc, mênh mông, bầu trời, niềm vui, núi đồi, xây dựng, giang sơn, Trái Đất, tương lai, hùng vĩ, bảo vệ, chen chúc, cuồn cuộn, cuộc sống, quê hương, lắng đọng, hòa tan, đắng cay.
- Từ láy: mênh mông, rực rỡ, dịu dàng, chen chúc, cuồn cuộn.
b) Dựa vào từ loại:
- Danh từ: Tổ quốc, bầu trời, niềm vui, núi đồi, tương lai, cuộc sống, quê hương, giang sơn, Trái Đất.
- Động từ: nghe, xây dựng, bảo vệ, cuồn cuộn, lắng đọng, nhớ, hòa tan, chen chúc.
- Tính từ: mênh mông, hùng vĩ, đắng cay, rực rỡ, dịu dàng.
4. Dựa vào thành phần cấu tạo để phân loại các câu dưới đây:
a) Ngoài vườn, lá khô rơi xào xạc (câu đơn)
b) Ngoài vườn, có lá khô rơi (câu đặc biệt)
5. Hình ảnh đáng quý của dòng sông quê hương đó là:
- Dòng sông quê hương đưa nước về tưới tiêu cho đồng ruộng, vườn cây. Dòng sông giúp cho ruộng lúa, vườn cây xanh tươi để sinh sôi nảy nở và hẹn mùa kết trái, vì vậy, nó được ví như dòng sữa mẹ nuôi dường các con khôn lớn.
- Nước sông không bao giờ cạn, luôn đem lại sự sống cho cây, luôn đầy ắp như tấm lòng người mẹ tràn đầy tình yêu thương, luôn sần sàng chia sẻ cho những đứa con.
6. Gợi ý
-Viết đúng thể loại văn viết thư.
- Nội dung bức thư cần thể hiện:
+ Thăm hỏi bố đang ở xa
+ Nêu rõ quyết tâm học tập của mình để xứng đáng với lòng mong mỏi của bố
+ Bộc lộ ý nghĩa, tình cảm chân thành đối với bố
+ Bài viết phải đảm bảo được các yêu cầu về chữ viết, chính tả, dùng từ, đặt câu, liên kết câu, diễn đạt...
Bài tham khảo
Thành phố... ,ngày... tháng... năm
Bố kính mến!
Nhận được thư của bố gởi về, con mừng không kể xiết. Con vội viết thư thăm bố đây.
Bố ạ!
Dạo này bố có khoẻ không? Công việc của bố có vất vả không ạ? Lúc này trời rét, bố nhớ giữ gìn sức khoẻ nhé!
Còn phần gia đình mình lúc này vẫn bình thường. Mẹ và con vẫn khoẻ. Quê hương mình hiện giờ vẫn là một miền tuyết phủ. Mọi người đều khắc phục mọi khó khăn để làm việc và học tập. Bố biết không? Khi một ngày mới bắt đầu, tất cả trẻ em ở đây đều cắp sách đến trường. Trên các nẻo đường xa xôi ở nông thôn, hay những phố dài của thành thị đông người, mọi trẻ em đều đi học, các em nhỏ bị khuyết tật cũng được đi học. Con luôn vượt qua mọi khó khăn để đến trường với lòng hăng say và niềm phấn khởi như bố đã căn dặn. Bố cứ yên tâm, chớ lo nhiều cho con. Con đã tưởng tượng ra: “nếu phong trào học tập ấy bị ngừng lại thì nhân loại sẽ chìm đắm trong cảnh ngu dốt, trong sự dã man”. Giờ đây, con ra sức học tập và động viên bạn bè của con hãy vươn lên trong học tập. Lời giáo huấn của bố con luôn ghi nhớ, nó là kim chỉ nam cho hành động của con. Con đã thuộc làu làu lời nói của bố trong thư: “Sách vở của con là vũ khí, lớp học của con là chiến trường! Hãy coi sự ngu dốt là thù địch”. Con quyết sẽ không bao giờ là người lính hèn nhát trên mặt trận đầy gian khổ ấy đâu. Hãy tin tưởng ở con bố nhé!
Bố ơi!
Con chỉ có bấy nhiêu lời gởi thăm bố, sự quyết tâm học tập của con sẽ làm bố vui hơn.
Cuối thư, con xin cầu chúc bố mạnh khoẻ, thành công trong mọi việc. Con mãi mãi là con ngoan của bố!
Con của bố
Kí tên