Câu 1. Bình giảng một đoạn trong bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu:
“Mình về với Bác đường xuôi
Thưa giùm Việt Bắc không nguôi nhớ Người
Nhớ Ông Cụ mắt sáng ngời
Áo nâu túi vải, đẹp tươi lạ thường
Nhớ Người những sáng tinh sương
Ung dung yên ngựa trên đường suối reo
Nhớ chân Người bước lên đèo
Người đi, rừng núi trông theo bóng Người...”
Câu 2. Một trong những sáng tạo nghệ thuật đặc sắc của Kim Lân trong truyện ngắn Vợ nhặt là đã xây dưng được một tình huống truyện độc đáo và hấp dẫn. Hãy phân tích truyện Vợ nhặt để chứng minh cho ý kiến trên.
HƯỚNG DẪN LÀM BÀI
Câu 1
I. Yêu cầu
Nêu xuất xứ của bài Việt Bắc. Qua trích đoạn thơ, nêu lên những phẩm chất cơ bản của Chủ tịch Hồ Chí Minh
II - Nội dung
1. Tố Hữu viết bài Việt Bắc trong dịp Hồ Chủ tịch, Trung ương Đảng, Chính phủ rời Việt Bắc về Hà Nội, thủ đô được giải phóng (10.10.1954). Tố Hữu đã viết bài Hồ Chí Minh năm 1945 và sau đó Sáng tháng Năm (1950) là những bài thơ rất thành công viết về Bác Hồ. Do đó trong Việt Bắc, chỉ có 8 câu, nhà thơ đã nêu lên được những phẩm chất tốt đẹp của con người Hồ Chí Minh.
2. Trong bài Sáng tháng Năm, Tố Hữu đã viết:
Bác Hồ đó, chiếc áo nâu giản dị
Màu quê hương bền bỉ đậm đà
Trong bài Việt Bắc, nhà thơ lại viết:
Nhớ Ông Cụ mắt sáng ngời
Áo nâu túi vải, đẹp tươi lạ thường
Đó là phẩm chất bình thường, giản dị mà vĩ đại của Hồ Chí Minh - giản dị ở “áo nâu túi vải” nhưng là một con người vĩ đại (“mắt sáng ngời”, “đẹp tươi lạ thường”).
3. Trong bài Sáng tháng Năm, Tố Hữu đã viết:
Bác Hồ đó, ung dung châm lửa hút
Trán mênh mông, thanh thản một vùng trời
Trong bài Việt Bắc, nhà thơ lại viết :
Nhớ Người những sáng tinh sương
Ung dung yên ngựa trên đường suối reo
Đó là phẩm chất ung dung thanh thản, ung dung tự tại của con người Hồ Chí Minh. Bác Hồ cưỡi ngựa đi chiến dịch mà có cái phong thái ung dung thanh thản của một du khách.
4. Hồ Chí Minh là anh hùng dân tộc, là lãnh tụ của quần chúng, có quan hệ chặt chẽ với quần chúng. Đất nước Việt Nam với Hồ Chí Minh là một, quần chúng với lãnh tụ là một. Vì thế nên “Việt Bắc không nguôi nhớ Người”, “rừng núi trông theo bóng Người” (Bác Hồ đã ở Pắc Bó trước 1945 và trong suốt 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, Người ở Việt Bắc - thủ đô của kháng chiến).
5. Thơ trữ tình chủ yếu là lời bình giá của nhà thơ về một đối tượng, việc tái hiện đối tượng chỉ là nhiệm vụ thứ yếu. Tất nhiên ở đây, Tố Hữu đã khắc họa được những nét đẹp của chân dung Hồ Chí Minh, nhưng thành công chủ yếu là chỉ trong 8 câu thơ đã nêu lên được những phẩm chất tốt đẹp cơ bản của Hồ Chí Minh.
Ở đây, con người hài hòa với thiên nhiên nhưng con người là chủ thể, là nhân vật trung tâm của bức tranh.
Câu 2.
I - Yêu cầu chung
- Nắm vững tác phẩm, tập trung phân tích nét đặc sắc của Kim Lân trong việc xây dựng tình huống truyện,
- Chỉ ra ý nghĩa và giá trị nhân đạo cũng như chủ đề tư tưởng của tác phẩm.
II. Nội dung
1. Mở bài
- Kim Lần là nhà văn tài năng. Tác phẩm của ông thường hướng về những người dân nghèo ở nông thôn với tấm lòng thiết tha nhân ái. Truyện của ông thành công ở nghệ thuật khắc họa tâm lí nhân vật và xây dựng cốt truyện độc đáo, bất ngờ.
- Vợ nhặt là một trong những truyện ngắn xuất sắc nhất của ông, rút từ tập Con chó xấu xí, lúc đầu có tên là Xóm ngụ cư, được viết ngay sau Cách mạng tháng Tám, nhưng được nghiền ngẫm lâu dài về nội dung và suy nghĩ kĩ về cách thể hiện.
2. Thân bài
a) Khoảnh khắc (moment) vào truyện
+ Vợ nhặt bắt đầu ỏ cái thòi điểm mà cái đói - tác giả gọi là “hiểm họa” - tràn đến, phản ánh nạn đói khủng khiếp năm Ất Đậu (1945).
+ Trong truyện hiện lên hai loại hình ảnh : con người năm đói, không gian năm đói.
Con người thì “hốc hác, u tối” giống bóng ma (dật dờ, xanh xám như bóng ma). Không gian thì ngổn ngang kẻ sống, người chết, tiếng khóc, tiếng quạ kêu “gào lên từng hồi thê thiết”, “mùi gây của xác người” càng tô đậm thêm cảm giác tang tóc, thê lương.
b) Tình huống Tràng lấy vợ
Tình huống này tạo nên cảnh bi hài (phân tích những nghịch cảnh của việc Tràng lấy vợ trong hoàn cành không bình thường nói trên), Chỉ mấy câu nói đùa mà thành vơ thật, Tràng nghèo và xấu, lấy tiền đâu cưới vợ, lại có người theo về. Nhưng đó là một nghịch cảnh có thật chẳng biết đáng mừng hay đáng lo, đáng vui hay đáng buồn, đáng cười hay đáng khóc...
Ý nghĩa của việc Tràng lấy vợ thể hiện ở sự thật và nghịch lí sau:
+ Do đói khát, cùng quẫn, người đàn bà kia mãi lấy Tràng, vậy cái trớ trêu trở thanh cơ may để Tràng lấy được vợ một cách đáng thương (Vợ nhặt),
+ Dù trong tình huống nào, con người cũng tin ở cuộc sống, tương lai. Niềm khao khát cuộc sống gia đình khiến Tràng vượt qua hoạn nạn để lấy vợ, bản năng tự nhiên giúp con người nghi đến sự sống dù cái chết gần kề.
Đó là ý nghĩa nhân bản và tình cảm nhân đạo của tác phẩm (hoàn cảnh đã làm thay đổi con người).
c) Tình huống dồn nén, bất ngờ
+ Nhan đề Vợ nhặt gây ấn tượng mạnh và độc đáo, giúp Kim Lân xây dựng tình huống kiểu điện ảnh (nhanh, nhiều không gian, thời gian hiện lên) để nói lên tình cảm và cảnh ngộ, tâm lí của nhân vật.
+ Lần đầu Tràng hỏi người đàn bà - sau này là vợ mình - nơi đầu đường, lần hai nơi góc chợ. Rồi tự Tràng “hỏi vợ”, “cưới vợ”, “rước dâu” âm thầm sau khi cả hai đã ăn mấy bát bánh đúc ở chợ. Cô dâu áo quần tả tơi, cái nón cũ nát đang cúi đầu theo Tràng về làm dâu trong sự ngạc nhiên của mọi người. Một đám cưới lạ lùng và đầy xót thương ! (Phân tích diễn biến tâm lí của các nhân vật trong tác phẩm để thấy sự vận động của hình tượng; đi từ ngạc nhiên đến sự thật, từ xa lạ đến gần gũi, từ lo sợ đến hòa hợp, từ buồn tủi đến tươi vui, từ bóng tối đến ánh sáng). Tình yêu thương làm thay đổi con người và làm không gian tỏa sáng.
d) Ý nghĩa của nghệ thuật xây dựng tình huống
Xây dựng các kiểu tình huống như trên, Kim Lân đã đạt được cùng lúc nhiều hiệu quả nghệ thuật.
+ Tố cáo chế độ thực dân, phong kiến đã đẩy xã hội và con người vào bước dường cùng, dẫn đến nạn đói và cái chết khủng khiếp nhất.
+ Dù trong bất kì tình huống về hoàn cảnh nào, con người vẫn không từ bỏ niềm tin vào cuộc sống. Chính tình yêu thương là tất cả ; tất cả là tình thương và khát vọng sống.
3. Kết bài
- Vợ nhặt là một truyện đầy xúc động về tình người, trong đói nghèo, chết chóc vẫn biết sống cho ra người, đến với nhau bằng tình thương yêu sâu nặng.
- Truyện đặc sắc còn ở cách dẫn truyện, phân tích tâm lí nhân vật tinh tế.