Câu 1. Anh (chị) hiểu như thế nào về vấn đề “đôi mắt” được đặt ra trong truyện ngắn cùng tên của Nam Cao.
Câu 2. Trong bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng có đoạn viết:
“Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm.
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm
Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh
Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành”.
Anh (chị) hãy bình giảng đoạn thơ trên.
HƯỚNG DẪN LÀM BÀI
Yêu cầu về kiến thức
Trên cơ sở những hiểu biết về hoàn cảnh ra đời và những giá trị của truyện ngắn Đôi mắt của Nam Cao, từ đó nêu vấn đề “đôi mắt” được đặt ra trong tác phẩm này. Bài cần làm rõ các ý chính sau :
1. Đôi mắt của Nam Cao được viết vào năm 1948, thòi điểm nhân dân ta phải đương đầu với cuộc xâm lược lần thứ hai của thực dân Pháp. Lúc này hầu hết các nhà văn “tiền chiến” trong đó có Nam Cao đã đi theo kháng chiến. Tuy nhiên việc nhận thức về kháng chiến, về nhân dân trong một số người vẫn còn có những biểu hiện lệch lạc, xa rời quần chúng, thiếu tin tưởng vào nhân dân và cuộc kháng chiến. Mặt khác, đây đó vẫn có người đề cao quan niệm “nghệ thuật vị nghệ thuật”, đối lập người công tác vối người sáng tác, đối lập nghệ thuật với quần chúng. Do đó lúc này vấn đề “nhận đường”, vấn đề “đôi mắt”, vấn đề lập trường... đang phải đặt ra bức thiết với người nghệ sĩ. Đôi mắt ra đời chính là nhằm góp phần thực hiện yêu cầu đó, Đôi mắt của Nam Cao như một tuyên ngôn nghệ thuật mới của nhà văn cách mạng: Văn nghệ sĩ phải hòa mình vào với nhân dân, lăn lộn với kháng chiến mới có tác phẩm tốt.
2. Vấn đề “đôi mắt” trong truyện ngắn cùng tên của Nam Cao không những chỉ có ý nghĩa với người cầm bút mà còn là với mọi người ; không chỉ có ý nghĩa đương thời mà còn cả với hiện nay, đặc biệt là trong công cuộc Đổi mới của đất nước nói chung và văn học nghệ thuật nói riêng.
Câu 2
1. Yêu cầu về kĩ năng làm bài
Biết bình giảng một đoạn trích trong một bài thơ trữ tình, kết cấu chặt chẽ, bố cục rõ ràng, khả năng cảm thụ thơ có phần nào tinh tế.
2. Yêu cầu về kiến thức
- Trên cơ sở những hiểu biết về tác giả Quang Dũng, hoàn cảnh ra đời, giá trị của bài thơ Tây Tiến, vị trí của đoạn trích đã nêu ở đề ra, bình giảng để làm nổi bật giá trị nội dung và nghệ thuật của đoạn thơ. Từ đó làm nổi bật hình tượng những người lính Tây Tiến trong vẻ đẹp hào hùng, lãng mạn (có sự tương phản giữa ngoại hình và nội tâm, giữa hình thức tiều tụy với sức mạnh tinh thần vững vàng của người lính Tây Tiến). Tác giả sử dụng các thủ pháp nghệ thuật như phóng đại, lí tưởng hóa của phong cách lãng mạn.
- Đó cũng là những người lính trẻ trung, khao khát yêu đương nhưng sẵn sàng tự nguyện xả thân vì lí tưởng, sẵn sàng hi sinh một cách thanh thản, oai hùng vì lí tưởng. Đoạn thơ không gây cảm giác bi lụy, tang thương mà toát lên một âm hưởng bi tráng ( Sông Mã gầm lên khúc độc hành).
- Về nghệ thuật:
Bài thơ được cấu trúc theo dạng hồi tưởng về những kỉ niệm hoạt dộng của người chiến binh với bút pháp lãng mạn và sử dụng thủ pháp đối lập, dùng nhiều từ Hán Việt để khắc họa thành công những nội dung trên.
Thí sinh có thể cảm thụ đoạn thơ theo những cách khác nhau, nhưng phải thể hiện được các nội dung chính trên và bám sát văn bản đoạn thơ.