Câu 1. Bình giảng khổ thơ sau trong bài Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Từ :
“Sao anh không về chơi thôn Vĩ ?
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền”
Câu 2. Phân tích hình tượng nhân vật Hoàng trong truyện ngắn Đôi mắt và nêu nhận xét về nghệ thuật xây dựng nhân vật này của Nam Cao.
HƯỚNG DẪN LÀM BÀI
Câu 1
Bài làm theo đúng thể bình giảng, cần trình bày các ý cơ bản sau :
1. Giới thiệu
Có thể triển khai theo hướng:
- Giới thiệu Hàn Mặc Tử - thi sĩ tiêu biểu của phong trào Thơ mói.
- Giới thiệu bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ và vị trí khổ thơ cần bình giảng.
- Cảm xúc chủ đạo của khổ thơ ; những gợi nhớ, hoài niệm về vườn thôn Vĩ của xứ Huế thơ và mộng.
2. Bình giảng khổ thơ
a) Câu đầu
Sao anh không về chơi thôn Vĩ?
Đây là câu hỏi mang nhiều sắc thái : vừa hỏi, vừa nhắc nhở, vừa mời mọc. Câu thơ không phải là một lời trách cứ mà như lời của người thương mời chào người thương về thăm cảnh đẹp của quê hương.
b) Câu 2
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
+ Câu thơ miêu tả vẻ đẹp của vườn cây thôn Vĩ. Hai từ “nắng” được dùng trong một câu với cách diễn đạt giản dị, song có tác dụng đặc biệt trong việc nhấn mạnh vẻ đẹp cũng như thần thái của sắc nắng ban mai.
+ Cau là thứ cây cao, vì thế là thứ cây đầu tiên nhận được những tia nắng đầu tiên của một ngày. Đọc câu này có thể tưởng tượng cảnh buổi sáng thôn Vĩ, nắng chiếu lấp loáng trên những hàng cau thẳng tắp, tàu cau còn ướt sương đêm. Hàng cau hiện lên trong một khoảnh khắc đặc biệt: vừa trong trẻo, tinh khôi, vừa cụ thể mà cũng rất gợi cảm.
c) Câu 3
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
+ Vườn ai - sử dụng từ phiếm chỉ như một nghi vấn song kì thực là để khẳng định vẻ đẹp của vườn thôn Vĩ.
+ Chữ mướt là từ dùng tinh tế. Nó gợi lên trạng thái nõn nà, mượt mà, óng ả. Ở tầng dưới của những hàng cau thẳng tắp vươn lên đón nắng mai là một không gian mượt mà, xanh tươi với những cành lá mơn mởn, xanh mướt như ngọc.
+ Chữ quá tạo được hiệu quả nghệ thuật riêng. Đây là một từ chỉ mức độ nhưng trong câu này nó mang âm hưởng của một tiếng kêu ngỡ ngàng, một lời trầm trồ buột ra tự nhiên khi chợt nhận ra vẻ đẹp bất ngờ của khư vườn ở một khoảnh khắc đặc biệt.
d) Câu 4
Lá trúc che ngang mặt chữ điền
Đầy là câu thơ mang tính chất cách điệu. Mặt chữ điền tượng trưng cho những người có khuôn mặt đẹp, có tình cảm nhân hậu, thủy chung. Thiên nhiên và con người hài hòa trong một vẻ đẹp địu dằng, kín đáo của xứ Huế. Năm 1936, Hàn Mặc Tử đã có lần tìm đến nhà Hoàng Cúc ở Vĩ Dạ nhưng do bản tính “kín đáo và bẽn lẽn như con gái” nên chàng chỉ đứng lâu ngoài ngõ nhìn vào rồi lặng lẽ ra về. Bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ đến tay Hoàng Cúc khoảng tháng 11-1939, lúc ấy thôn Vĩ chỉ còn là hoài niệm, là nhớ thương da diết của Hàn Mặc Tử ?
3. Kết luận
- Khẳng định giá trị tư tưởng và nghệ thuật của khổ thơ cũng như của cả bài trong sự nghiệp sáng tác của Hàn Mặc Tử và phong trào Thơ mới.
- Khổ thơ miêu tả vẻ đẹp thôn Vĩ Dạ gắn với vùng đất trù phú, cây cối xanh tươi, con người hồn hậu... vẻ đẹp ấy hiện lên trong tâm tưởng, trong tình cảm yêu mến, nhớ thương của nhà thơ với cảnh và người xứ Huế.
- Khổ thơ được viết ra bằng một tâm hồn, cảm xúc thánh thiện, khao khát đến được với vẻ đẹp của cuộc sống và tình vêu trần thế.
Câu 2
Bài làm theo đúng thể văn phân tích, nêu và phân tích được các dẫn chứng cụ thể của tác phẩm để làm nổi bật các ý cơ bản sau.
1. Giới thiệu
Có thể triển khai theo hướng :
- Giới thiệu về thời điểm ra đời của truyện ngắn Đôi mắt và vị trí của tác phẩm này trong nền văn xuôi kháng chiến.
- Hoàng là nhân vật chính được khắc họa thành công trong tác phẩm và được xây dựng bằng một nghệ thuật khá độc đáo.
2. Phân tích hình tượng nhân vật Hoàng
a) Ngoại hình của Hoàng
+ Nam Cao để Hoàng xuất hiện trong tác phẩm như một nhân vật được cá thể hóa với những nét vẽ ngoại hình tỉ mỉ, sinh động và đầy ấn tượng : “bước khệnh khạng, thong thả”, “bởi cánh tay kềnh kệnh ra hai bên”, “những khối thịt ở bên dưới nách kềnh ra và trông tủn ngủn”, “cái áo len trắng nó nịt người anh đến nỗi không còn thở được”... Đặc biệt, trên khuôn mặt “đầy đặn” của Hoàng lại có sự thay đổi; “trên mép một cái vành móng ngựa ria, như một cái bàn chải nhỏ”. Điệu bộ của Hoàng đầy vẻ kịch : “đầu hơi ngửa về đằng sau., miệng hé mở”, “sững người... rồi mới lâm li kêu”.
+ Với biệt tài miêu tả chân dung nhân vật, trong tác phẩm này Nam Cao đã xây dựng thành công chân dung văn sĩ Hoàng, góp phần hé lộ những nét bản chất của một con người no đủ, dư thừa, có phần lạc lõng với cuộc sống chung còn gian khổ, thiếu thốn những năm đầu kháng chiến.
b) Lối sống của Hoàng
+ Trước Cách mạng, Hoàng là một nhà văn, đồng thời cũng là “một tay chợ đen rất tài tình”. Giữa hồi đói khủng khiếp, con chó nhà anh vẫn được ăn vài lạng thịt bò một ngày.
+ Bước vào cuộc kháng chiến gian khổ, Hoàng cũng không chịu thay đổi. Đi tản cư sống giữa những người nông dân nhưng Hoàng vẫn giữ nguyên nếp sống cũ có phần phong lưu, đài các: nuôi chó béc giê, đánh tổ tôm, đọc Tam quốc, hút thuốc lá thơm, ăn mía ướp hoa bưởi…
+ Hoàng tuyệt nhiên không tham gia vào các hoạt động kháng chiến, Anh thà giao du với đám “cặn bã của giới thượng lưu trí thức” còn hơn phải chịu đựng những người dân quê chất phác.
Chủ ý : Nhà văn không có ý định phê phán lối sống cầu kì của vợ chồng Hoàng, song lối sống ấy đã làm cho người đọc nhận rõ bản chất ích kỉ của nhân vật. Cái đáng phê phán ở Hoàng chính là thái độ bàng quan, xa lạ, sinh hoạt lạc lõng và đứng ngoài cuộc đối với kháng chiến.
c) Cách nhìn về cuộc kháng chiến, về nhân dân của Hoàng
Cá tính, bản chất và cách nhìn của Hoàng được thể hiện qua lời lẽ đối thoại. Hoàng có ngôn ngữ sắc sảo, có tài quan sát, nhận xét tinh tế, có khả năng diễn đạt và hài hước, lố bịch hóa những gì mình khinh ghét. Những nhận xét của anh ta đều không phải sai cả nhưng thể hiện cách nhìn một phía, đầy lệch lạc, định kiến.
+ Cách nhìn về người nông dân : là cách nhìn khinh bỉ, miệt thị ra mặt. Anh ta cho rằng người nông dân có đủ mọi tật xấu: dốt nát, ngu ngốc, lỗ mãng, ích kỉ, tham lam, bần tiện, thóc mách,...
+ Cách nhìn về những cán bộ cơ sở: với Hoàng đây là những kẻ “vừa ngố, vừa nhặng xị”, đã dốt lại ra vẻ quyền lực, nguyên tắc.
+ Cách nhìn về lãnh tụ : Hoàng sùng bái lãnh tụ Hồ Chí Mình nhưng đối lập lãnh tụ với nhân dân ; có thể coi đây là cách thức độc đáo để anh ta coi thường và hạ thấp quần chúng.
+ Cách nhìn về kháng chiến : Đi tản cư theo kháng chiến với Hoàng chỉ là một cuộc chạy loạn đơn thuần. Anh nhìn kháng chiến với cái nhìn của người ngoài cuộc, thái độ hoàn toàn bất hợp tác. Thậm chí Hoàng thấy cái “thời này” cũng láo nháo, hài hước, vô nghĩa lí như thời Vũ Trọng Phụng viết Số đỏ.
Tóm lại, Hoàng nhìn cuộc kháng chiến và nhân dân bằng cái nhìn hời hợt, bề ngoài, hơn nữa anh ta thiếu hẳn sự gắn bó, lòng nhiệt thành, lương tâm người cầm bút trước những vấn đề chung, có tính chất sống còn của dân tộc, do đó Hoàng luôn bi quan, không tìm được cảm hứng để sáng tác.
d) Ý nghĩa của hình tượng nhân vật
+ Hoàng tiêu biểu cho lớp người sống trong cuộc kháng chiến mà không đến được với kháng chiến, không biết tin vào sức mạnh của nhân dân, sống bi quan lạc lõng. Kiểu người như anh ta trong cuộc sống rất đáng bị phê phán.
+ Qua nhân vật này, Nam Cao phê phán cái nhìn, lối sống xa lạ với nhân dân, với cuộc kháng chiến của dân tộc.
Thái độ này được xem như một tuyên ngôn nghệ thuật của cả thế hệ nhà văn đi theo cách mạng.
+ Sự phê phán cách nhìn của Hoàng trong tác phẩm là bài học sâu sắc, nhuần nhị về quan điểm quần chúng, quan điểm nhân dân rất cần thiết cho mọi người, đặc biệt trong những năm tháng kháng chiến.
3. Nhận xét về nghệ thuật xây dựng nhân vật Hoàng của Nam Cao
- Hoàng là loại nhân vật trong truyện ngắn luận để nhưng lại không hề công thức, sơ lược. Trái lại Hoàng sinh động, được khắc họa như con người có thật trong cuộc sống.
- Sử dụng nghệ thuật cá thể hóa chân dung, hành vi, ngôn từ một cách đặc sắc (cá thể hóa hành động: “bơi cánh tay kềnh kệnh ra hai bên”; cá thể hóa ngôn từ : “Tài thật ! Tài thật ! Tiên sư anh Tào Tháo !”),
- Hoàng được miêu tả gián tiếp thông qua nhân vật Độ, do đó làm tăng tính khách quan và chân thực của hình tượng. Hoàng được miêu tả trong kết cấu tương phản vối Độ tạo sự so sánh đối chiếu, rút ra bài học về cách nhìn, cách sống.
- Nhân vật Hoàng được đặt trong những quan hệ khác nhau: trong tư cách một công dân, tư cách một nhà văn với kháng chiến.
- Hoàng được xây dựng bằng bút pháp châm biếm. Cách xây dựng nhân vật của Nam Cao khác với lối xây dựng trong văn học truyền thống. Nhân vật phản diện ở đây không bị phóng đại, cường điệu như trong các tác phẩm hoạt kê (Số đỏ) và sự đối lập trong kết cấu ở đây cũng không phải là sự đối lập giữa đen và trắng, thiện và ác, chính và tà, trung và nịnh như trong các truyện dân gian, trong tuồng, chèo. Hoàng không bị quét một màu đen thẫm, anh ta chưa phải là kẻ thù địch : Hoàng cũng tản cư ra kháng chiến và ca ngợi Hồ Chí Minh (theo quan niệm duy tâm lịch sử).
4. Kết luận
- Khẳng định sức sống của nhân vật Hoàng và nghệ thuật xây dựng nhân vật đặc sắc của Nam Cao.
- Khẳng định giá trị nội dung tư tưởng của truyện ngắn Đôi mắt, nhất là ý nghĩa của vấn đề cách nhìn, vấn đề “đôi mắt” đối với sáng tác văn chương hôm nay và mai sau.