Tóm tắt diễn biến của Cách mạng tháng Tám.
Do tận dụng tốt yếu tố tình thế, thời cơ cách mạng trên cơ sở chuẩn bị chu đáo về lực lượng, cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám đã diễn ra rất mau lẹ, hầu như không đổ máu nhưng thắng lợi rất lớn. Cụ thể:
- Ngày 16/8/1945 khởi nghĩa giành thắng lợi ở Thái Nguyên - thắng lợi mở đầu cho cuộc Tổng khỏi nghĩa.
- Ngày 19/8/1945 khởi nghĩa thắng lợi ở Hà Nội.
- Ngày 23/8/1945 khởi nghĩa thắng lợi ở Huế.
- Ngày 25/8/1945 khởi nghĩa thắng lợi ở Sài Gòn.
- Từ ngày 26 đến 28/8/1945 các địa phương khác lwfn lượt giành chính quyền.
Ngày 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình - Hà Nội, thay mặt nhân dân cả nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản “Tuyên ngôn độc lập”, trịnh trọng tuyên bố trước toàn thể thế giới khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, đánh dấu thắng lợi hoàn toàn của Cách mạng tháng Tám.
Phân tích tính chất, ý nghĩa lịch sử, nguyên nhân thành công và nêu những bài học kinh nghiệm của Cách mạng tháng Tám?
a. Tính chất
Muốn xác định tính chất của một cuộc cách mạng người ta phải căn cứ vào thời gian nó nổ ra, nhiệm vụ nó phải làm, mục tiêu cần đạt, vai trò lãnh đạo, động lực tham gia; cuối cùng còn phải căn cứ vào kết quả nó đạt được trên thực tế. Từ lý luận soi vào ta thấy Cách mạng tháng Tám trước hết chỉ là cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Song vì giải phóng dân tộc là một nhiệm vụ cơ bản nhất của một trong hai nhiệm vụ cơ bản của một cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, mà nếu hoàn thành được nhiệm vụ này tất yếu sẽ mở đường đi đến hoàn thành nhiệm vụ tiếp theo. Vì thế, chúng ta có thể nói Cách mạng tháng Tám là một cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân.
b. Ý nghĩa lịch sử:
- Đối với trong nước:
+ Đưa nước ta từ một nước thuộc địa nửa phong kiến trở thành một nước độc lập, dân chủ cộng hòa, đưa dân ta từ người nô lệ trở thành người làm chủ đất nước, đưa Đảng ta từ một Đảng bất hợp pháp trở thành một Đảng cầm quyền trong cả nước.
+ Mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc ta - kỷ nguyên độc lập tự do và tiến lên chủ nghĩa xã hội, ghi thêm một trang oanh liệt nữa vào truyền thống đấu tranh chống ngoại xâm anh hùng bất khuất của dân tộc ta.
+ Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám tuy chỉ là bước đầu nhưng đã có ý nghĩa quyết định đối với toàn bộ tiến trình phát triển về sau của lịch sử dân tộc.
- Đối với thế giới:
+ Sự kiện này đã đưa nước ta bước vào hàng ngũ các nước dân chủ nhân dân và chủ nghĩa xã hội trên thế giới, sánh vai với các cường quốc trên toàn cầu.
+ Đây cũng là tháng lợi (lớn, chung) của phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới. Vì thế nó có sức cổ vũ rất lớn lao đối với nhân dân các nước thuộc địa và phụ thuộc, nhất là các nước thuộc địa Pháp, đang nổi dậy đấu tranh giải phóng cho mình.
+ Thắng lợi này đã góp phần làm suy yếu chủ nghĩa đế quốc, nhất là đế quốc Pháp ở Đông Dương. Vì thế nó cũng góp phần lớn vào việc củng cố hòa bình ở khu vực Đông Nam Á nói riêng và trên toàn thế giới nói chung.
Đúng như Hồ Chủ tịch đã nhận xét: Nói đến Cách mạng tháng Tám thì chẳng những nhân dân ta có quyền tự hào mà nhân dân các dân tộc bị áp bức trên thế giới cũng có quyền tự hào vì lần này là lần đầu tiên trên thế giới một dân tộc thuộc địa nhỏ yếu đã tự mình đứng lên đánh đuổi được ách thống trị của bọn đế quốc để giải phóng cho mình.
c. Nguyên nhân thắng lợi:
+ Nhờ nhân dân ta biết kế thừa và phát huy đến cao độ truyền thống đấu tranh chống ngoại xâm anh hùng, bất khuất trong lịch sử hàng ngàn năm của dân tộc.
+ Nhờ có đường lối lãnh đạo sáng suốt của Đảng ta.
+ Một phần nhờ có hoàn cảnh khách quan thuận lợi. Đó là nhờ Hồng quân Liên Xô đánh bại đạo quân Quan Đông của Nhật, buộc Nhật phải đầu hàng quân Đồng minh không điều kiện, tạo thời cơ thuận lợi cho nhân dân ta nổi dậy cướp chính quyền.
Trong ba nguyên nhân trên, thì nguyên nhân có Đảng lãnh đạo là cơ bản nhất, quyết định thắng lợi của Cách mạng tháng Tám.
d. Bài học kinh nghiệm:
+ Biết kết hợp giải quyết một cách đúng đắn mối quan hệ giữa phản đế và phản phong.
+ Biết tập hợp mọi lực lượng yêu nước của dân tộc để xây dựng một Mặt trận dân tộc thống nhất, lấy liên minh công nông làm nền tảng.
+ Biết kiên quyết đi theo con đường cách mạng bạo lực của quần chúng theo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin.
+ Biết kết hợp chuẩn bị lâu dài với việc chớp thời cơ.