1. Những thuận lợi:
- Thế giới:
+ Cuối năm 1945, Chiến tranh thế giới lần thứ II kết thúc, hàng loạt các nước dân chủ nhân dân và xã hội chủ nghĩa ở châu Á, châu Âu ra đời, hợp cùng với Liên Xô thành một hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa trên thế giới.
+ Phong trào giải phóng dân tộc lên cao, nhất là ở châu Á, châu Phi và Mỹ La-tinh.
+ Phong trào đấu tranh vì hòa bình và quyền sống, vì tự do dân chủ của giai cấp công nhân và nhân dân lao động các nước tư bản chủ nghĩa phát triển mạnh, tất cả tạo thành ba dòng thác cách mạng tiến công vào chủ nghĩa đế quốc, có lợi cho cách mạng Việt Nam.
- Trong nước:
+ Ta có Đảng lãnh đạo, có lãnh tụ thiên tài là Hồ Chủ tịch.
+ Ta có chính quyền - một công cụ bạo lực để tổ chức và xây dựng chế độ mới, chế độ dân chủ nhân dân.
+ Ta có dân, dân ta rất phấn khởi vì sau hơn 80 năm phải làm nô lệ, giờ đây mới được hưởng không khí độc lập tự do, vì thế dân ta cũng không từ chối một sự hy sinh nào để giữ vững độc lập tự do của Tổ quốc.
+ Dân tộc ta có truyền thống đấu tranh chống ngoại xâm kiên cường, bất khuất, cần cù sáng tạo trong lao động xây dựng đất nước.
2. Những khó khăn:
* Thế giới:
Ta bị đế quốc bao vây chống phá một cách quyết liệt và dai dẳng, gây khó khăn rất lớn cho ta.
* Trong nước, ta gặp muôn vàn khó khăn:
- Về kinh tế và tài chính: Ta phải tiếp thu một gia tài mục nát do hậu quả của nhiều năm cai trị của đế quốc, phong kiến để lại, sản xuất đình đốn, nạn đói vẫn còn đang tiếp diễn, gạo ở Nam Bộ không chở ra được vì Pháp đã gây ra chiến tranh xâm lược Nam Bộ từ ngày 23/9/1945 làm cho giao thông tắc nghẽn, quân Tưởng kéo vào miền Bắc bắt ta nộp mỗi ngày 40 vạn cân gạo, vụ mùa năm 1945 miền Bắc lại bị lụt lớn, 6 tỉnh đồng bằng vựa lúa bị thất thu, nạn thất nghiệp lan tràn.
Nguồn tài chính của đất nước hầu như cạn kiệt (ngân quỹ nhà nước chỉ còn 1,23 triệu đồng rách, Ngân hàng Đông Dương còn nằm trong tay Nhật, ta không phát hành được giấy bạc, quân Tưởng tung tiền Quan kim mất giá của chúng bắt ta tiêu làm rối loạn thị trường).
- Về văn hoá xã hội: Hơn 90% dân ta mù chữ, các hủ tục cũ còn đầy rẫy, nạn mê tín, dị đoan hoành hành, bệnh dịch lan tràn, thuốc men thiếu thôn nạn phân biệt chủng tộc, trọng nam khinh nữ, tảo hôn còn phổ biến khắp mọi nơi.
- Về chính quyền: Sau Cách mạng tháng Tám đã có chính quyền nhưng chỉ là chính quyến lâm thời, chưa có cơ sở pháp lý để tồn tại. Quân đội vừa mới xây dựng, trang bị kém cỏi, vũ khí thô sơ, thiếu kinh nghiệm tác chiến.
- Về đối ngoại: Cùng một lúc ta phải chống lại hàng loạt kẻ thù:
+ Từ vĩ tuyến 16 ra Bắc 20 vạn quân Tưởng và bọn quan thầy Mỹ;
+ Từ vĩ tuyến 16 vào Nam hơn 1 vạn quân Anh, núp sau quân Anh là quân Pháp;
+ 6 vạn quân Nhật vẫn còn nguyên vũ khí;
+ Hàng loạt bọn Việt gian đủ các loại hình (tiêu biểu nhất là bọn Việt Nam Quốc dân Đảng (gọi tắt là Việt Quốc) và Việt Nam cách mạng đồng minh hội (gọi tắt là Việt Cách). Nhìn chung, ta thấy: khó khăn tuy nhiều và lớn song chỉ là trước mắt và tạm thời, thuận lợi vẫn là cơ bản và lâu dài. Nếu có chính sách đúng đắn về đối nội cũng như về đối ngoại thì ta có thể khắc phục được khó khăn, phát huy được thuận lợi, củng cố giữ vững được chính quyền, xây dựng được một nền móng cho chế độ mới và thúc đẩy cách mạng tiến lên.
Những chủ trương và biện pháp đối phó của ta:
* Giải quyết khó khăn về đối nội:
- Về kinh tế và tài chính:
+ Về nạn đói: Trước mắt ta chủ trương dựa vào dân bằng cách vận động đồng bào tương trợ giúp đỡ lẫn nhau, tổ chức phong trào “hủ gạo tiết kiệm”, “ngày đồng tâm”. Hồ Chủ tịch ra lời kêu gọi toàn dân cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa để lấy gạo giúp người đói, cả nước làm theo. Còn về lâu dài ta vận động đồng bào đẩy mạnh tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, trồng cây ngắn ngày xen kẽ cây dài ngày.
+ Về tài chính: Chính phủ chủ trương dựa vào dân bằng cách vận động đồng bào ủng hộ cách mạng. Ta tổ chức quyên góp, vận động đồng bào mua phiếu, mua công trái quốc gia, vận động nhân dân xây dựng “Quỹ độc lập” và phong trào “Tuần lễ vàng”. Ngày 31/1/1946, Chính phủ ra sắc lệnh phát hành tiền Việt Nam và đến ngày 23/11/1946, Quốc hội quyết định cho lưu hành tiền Việt Nam trong cả nước.
- Về văn hoá xã hội: Trước mắt phải xóa nạn mù chữ. Ngày 8/9/1945, Chính phủ ban hành sắc lệnh thành lập Nha bình dân học vụ và phát động phong trào thi đua diệt giặc dốt. Ta mở các lớp bổ túc văn hoá cho người lớn, các lớp phổ thông (chủ yếu là ở bậc tiểu học) cho trẻ em. Ta đấu tranh chống các hủ tục cũ, bài trừ mê tín dị đoan, vận động nhân dân xây dựng đời sống mới, phát triển báo chí, thông tin văn hoá, văn nghệ. Tất cả nhằm xây dựng cơ sở xã hội cho chính quyền ta.
- Về củng cố chính quyền: Để tạo cơ sở pháp lý cho chính quyền, ta tổ chức tổng tuyển cử (6/1/1946) để bầu Quốc hội chính thức. Quốc hội bầu ra Chính phủ, Quốc hội cũng cử ra ban Dự thảo Hiến pháp và công bố Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (10/1946).
Để tạo chỗ dựa cho chính quyền, một mặt ta ra sức củng cố Mặt trận Việt Minh và các đoàn thể cứu quốc, mặt khác ta cho thành lập thêm một mặt trận mới lấy tên là “Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam” (gọi tắt là Mặt trận Liên Việt) nhằm thu hút thêm một số trí thức và một số người thuộc tầng lớp trên chưa vào Mặt trận Việt Minh, làm cho khối đoàn kết dân tộc thêm mở rộng. Ta ra sức phát triển lực lượng vũ trang để làm công cụ bảo vệ chính quyền.
Đến đây, ta đã xây dựng được cơ sở vật chất, cơ sở xã hội và cơ sở pháp lý cho chính quyền, tức xây dựng được nền móng cho chế độ mới, tạo được thực lực cho ta để đấu tranh chống giặc ngoài có kết quả, vì “ta có thực lực họ mới đếm xỉa đến, còn nếu ta không có thực lực thì ta chỉ là một khí cụ trong tay của kẻ khác, dầu kẻ đó là người bạn đồng minh của ta vậy”.