* Về lý luận:
Để tiến hành được chiến tranh, mỗi bên tham chiến đều phải đặt cho mình hai vấn để cần giải quyết là hậu phương và tiền tuyến. “Tiền tuyến không thể thắng giặc nếu không có hậu phương vững mạnh vì “hậu phương” là nhân tố thường xuyên quyết định thắng lợi của chiến tranh” (như Lênin dạy).
* Về thực tiễn:
Nhận rõ tầm quan trọng này nên trong quá trình tiến hành kháng chiến, Đảng và Chính phủ ta luôn chú trọng xây dựng hậu phương vững mạnh. Cụ thể là:
- Về chính trị:
+ Đảng và Chính phủ ta ra sức chăm lo củng cố và mở rộng Mặt trận dân tộc thống nhất (dưới hai hình thức: Việt Minh và Liên Việt) để tăng cường khối đoàn kết toàn dân, giữ làng, chống bắt phu, bắt lính, ở vùng tự do mọi người đều tích cực sản xuất, luyện tập quân sự, góp gạo nuôi quân, sẵn sàng chiến đấu.
+ Chính quyền dân chủ nhân dân tiêu biểu là Uỷ ban hành chính kháng chiến các cấp (từ liên khu đến tỉnh, huyện, xã) không ngừng được củng cố và xây dựng theo yêu cầu của cuộc kháng chiến.
+ Đảng ta đã họp Đại hội toàn quốc lần thứ II (từ ngày 11 đến 19/2/1951) tại căn cứ Việt Bắc. Đại hội đã tổng kết những thắng lợi, những kinh nghiệm của cách mạng trong thời gian qua, chính thức thông qua đường lối để đưa kháng chiến đến thắng lợi. Đại hội còn quyết định đưa Đảng ra hoạt động công khai, lấy tên là Đảng Lao dộng Việt Nam kể từ ngày 3/3/1951. Cùng ngày ta cho hợp nhất Việt Minh và Liên Việt thành Mặt trận Liên Việt và cùng với nhân dân Campuchia và Lào thành lập khối liên minh Việt - Miên - Lào. Ba thắng lợi lớn về chính trị trên đã làm cho vai trò lãnh đạo của Đảng được tăng cường, khối đoàn kết dân tộc và khối đoàn kết giữa nhân dân 3 nước Đông Dương càng thêm củng cố, mở rộng Ba sự kiện chính trị ấy đã thổi một luồng không khí phấn khởi mới cho toàn Đảng, toàn dân ta, làm cho thế chính trị của cuộc kháng chiến càng thêm vững chắc.
- Về kinh tế:
+ Đi đôi với việc đấu tranh chống địch thi hành chinh sách “lấy chiến tranh nuôi chiến tranh”, ta ra sức xây dựng kinh tế vùng như: đẩy mạnh phong trào thi đua sản xuất, thực hiện tiết kiệm, xây dựng kinh tế “tự cấp tự túc”. Kết quả đến đầu năm 1949, diện tích trồng trọt ở các vùng tự do dã tăng gấp ba, bốn lần so với trước kháng chiến. Hàng nghìn mẫu đất được khai phá thêm ở các vùng căn cứ Việt Bắc, Đồng Tháp Mười, Cà Mau, v.v...
+ Các cơ sở công nghiệp quốc phòng (xưởng quân giới, xưởng công binh) mọc lên ở nhiều nơi trong vùng tự do và chiến khu của ta với quy mô vừa và nhỏ. Ta đã tự sản xuất được một số loại vũ khí (thuốc nổ, lựu đạn, mìn, súng cối ...) để cung cấp cho bộ đội.
+ Thủ công nghiệp cũng phát triển mạnh, ta tự túc được một phần thuốc men, vải mộc và dụng cụ sản xuất cho nhân dân.
+ Bồi dưỡng nông dân (quân chủ lực của kháng chiến) là một vấn đề có tầm chiến lược, được Đảng và Chính phủ ta rất chú trọng. Ngay sau Cách mạng tháng Tám, Chính phủ ra thông tư quy định giảm tô 25%. Nhưng do điều kiện chính trị lúc bấy giờ nên thông tư này chưa được thực hiện đầy đủ.
Đầu năm 1949, Chính phủ đã ra sắc lệnh quy định việc chia lại công điền, công thổ, tạm cấp ruộng đất của bọn thực dân Pháp, bọn Việt gian và ruộng đất vắng chủ cho nông dân.
Năm 1950, Chính phủ lại ra sắc lệnh giảm tức, xoá nợ và hoãn nợ của nông dân vay địa chủ, han hành quy chế lĩnh canh để bảo vệ quyền lợi của tá điền.
Đầu năm 1952, Đảng và Chính phủ đã phát động cuộc “Đại vận động sản xuất và tiết kiệm” trong toàn Đảng toàn quân, toàn dân thu được nhiều kết quả. Một số chính sách mới về kinh tế và tài chính được ban hành như: ban hành thuế nông nghiệp thu theo cấp luỹ tiến, thành lập hệ thống mậu dịch quốc doanh, xây dựng Ngân hàng Việt Nam, v.v... Những chính sách trên vừa nhằm đấu tranh kinh tế với địch, hạn chế sự bóc lột của bọn địa chủ, cải thiện đời sống cho nhân dân và tạo cơ sở kinh tế cho kháng chiến cũng như xây dựng chế độ mới.
Ngày 1/5/1952 Đảng và Chính phủ đã mở Đại hội chiến sĩ thi đua toàn quốc. Đại hội này đã chọn được 7 anh hùng và hàng chục chiến sĩ thi đua toàn quốc tiêu biểu cho các ngành công, nông, binh và lao dộng trí óc, cổ vũ tinh thần lao động sáng tạo của nhân dân.
Cuộc kháng chiến càng tiến triển, yêu cầu bồi dưỡng sức dân càng lớn, năm 1953 Đảng và Chính phủ đã đề ra chủ trương phát động quần chúng triệt để giảm tô, thực hiện giảm tức và cải cách ruộng đất. Chủ trương này đã được thực hiện bước đầu ở một số nơi (Liên khu Việt Bắc, Liên khu 4) đem lại những kết quả to lớn: hàng nghìn tấn thóc, hàng nghìn mẫu ruộng đất, hàng nghìn con trâu bò thu được của giai cấp địa chủ đem chia cho nông dân. Nông dân được cải thiện một phần đời sống càng hăng hái sản xuất, tích cực đóng góp sức người và của cho tiền tuyến, tạo điều kiện cho quân ta đánh thắng địch ở Điện Biên Phủ.
- Về văn hoá giáo dục:
+ Năm 1948, ta mở Hội nghị văn hoá toàn quốc với báo cáo quan trọng của đồng chí Trường Chinh nhan đề: “Chủ nghĩa Mác - Lênin và vấn đề văn hoá Việt Nam đã giúp cho những người làm công tác văn nghệ nhận rõ lập trường quan điểm của mình.
+ Phong trào Bình dân học vụ tiếp tục phát triển, tính đến năm 1949 ta có khoảng 10 triệu người thoát nạn mù chữ, một số người tiếp tục theo bổ túc văn hoá.
+ Từ năm 1950, ta bắt đầu tiến hành cải cách giáo dục nhằm xoá bỏ tận gốc những di sản của nền giáo dục cũ, xây dựng nền giáo dục mới - nền giáo dục dân chủ nhân dân, đào tạo thanh niên thành những người công dân tốt, lao động tốt, chiến sĩ tốt, cán bộ tốt. Một số trường trung cấp và đại học cũng bắt đầu được xây dựng để đào tạo cán bộ khoa học - kỹ thuật phục vụ nhu cầu kháng chiến và kiến quốc.
+ Những năm 1951 - 1953 công tác văn hoá giáo dục càng được đẩy mạnh hơn. Nhiều văn nghệ sĩ đã đi sâu vào đời sống của quần chúng công nông binh để tự rèn luyện và phục vụ. Tính đến năm 1952 chỉ riêng ở các Liên khu Việt Bắc, Khu 3, Khu 4 và Khu 5 đã có một triệu học sinh các cấp, phong trào bổ túc văn hoá. Các trường trung cấp và đại học ngày càng mở rộng, đào tạo được nhiều cán bộ cho đất nước. Phong trào đời sống mới (vệ sinh phòng bệnh, chống mê tín dị đoan...) ngày càng lan rộng trong nhân dân.
Tóm lại: Song song với việc đẩy mạnh đấu tranh quân sự, ta đã ra sức xây dựng và củng cố hậu phương. Hậu phương của ta không những đáp ứng được nhu cầu bức thiết của cuộc kháng chiến, đẩy mạnh sự nghiệp phản phong, mà còn tạo tiền đề (chính quyền, cơ sở kinh tế, văn hoá - xã hội) để tiến lên chủ nghĩa xã hội sau này.