Đường lối kháng chiến chống Pháp của ta xuất hiện từ 4 văn kiện chính sau đây:
- Chỉ thị kháng chiến kiến quốc của Ban Thường vụ Trung ương Đảng (tháng 11/1945).
- Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch (ngày 20/12/1946).
- Chỉ thị toàn dân kháng chiến của Ban Thường vụ Trung ương Đảng (ngày 22/12/1946).
- Một số bài báo của đồng chí Trường Chinh viết hồi đầu kháng chiến để hướng dẫn dân ta kháng chiến, sau tập hợp lại in thành cuốn “Kháng chiến nhất định thắng lợi” (xuất bản lần đầu năm 1947).
Từ những văn kiện chính ấy dần dần đi đến hình thành đường lối kháng chiến cho ta. Đường lối đó là “Kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ và tự lực cách sinh” (về sau ta coi “dựa vào sức mình” là chính).
Những cơ sở để Đảng ta vạch ra đường lối kháng chiến:
Dựa trên cơ sở lý luận và thực tiễn của cuộc kháng chiến. Cụ thể là:
a. Kháng chiến toàn dân, nghĩa là huy động sức mạnh của mọi người dân tham gia vào công cuộc kháng chiến. Sở dĩ như vậy vì cách mạng là sự nghiệp của quần chúng. Còn ta kháng chiến là để bảo vệ độc lập của Tổ quốc, tự do, hạnh phúc của nhân dân, kháng chiến vì dân phải do dân làm. Ta chủ trương kháng chiến toàn diện nên phải kháng chiến toàn dân để mọi người đều được đóng góp tùy theo khả năng và sở trường của mình. Ta chủ trương kháng chiến trường kỳ và tự lực cánh sinh, dựa vào dân mới có tiềm lực đánh lâu dài. Cuối cùng kinh nghiệm lịch sử của dân tộc ta cho thấy, xưa nay tất cả những cuộc kháng chiến chống ngoại xâm thắng lợi đều phải biết dựa vào dân.
b. Kháng chiến toàn diện: nghĩa là kháng chiến về mọi mặt. Sở dĩ như vậy vì sự vật phát triển bao giờ cũng có nhiều mặt. Còn về thực tiễn địch đánh ta toàn diện, ta phải chống lại chúng trên tất cả các mặt. Mặt khác, ta vừa kháng chiến lại phải vừa kiến quốc, xây đựng chế độ dân chủ nhân dân.
c. Kháng chiến trường kỳ: nghĩa là kháng chiến lâu dài. Sở dĩ như vậy vì sự vật phát triển theo một quá trình từ đơn giản đến phức tạp, từ thấp đến cao, từ chưa hoàn thiện đến hoàn thiện, xen kẽ những bước nhảy vọt. Còn về thực tiễn mở đầu của cuộc chiến tranh, địch mạnh hơn ta rất nhiều về quân sự, lại có các đế quốc khác giúp đỡ. Ta đánh lâu dài để vừa đánh vừa tiêu hao dần lực lượng của địch, phát triển dần lực lượng của ta làm cho lực lượng đôi bên chuyển hóa, đến một lúc nào đó, ta mạnh hơn địch mới đánh lại được kẻ địch.
d. Tự lực cánh sinh: nghĩa là hoàn toàn tự mình chứ không phải nhờ vả vào ai. Sở dĩ như vậy vì sự vật phát triển được phải do vận động tự thân là chính. Còn về thực tiễn mở đầu chiến tranh ta bị bao vây tứ phía. Mãi đến cuối năm 1950, sau khi có chiến thắng Biên giới ta mới nhận được viện trợ từ ngoài vào. Tuy nhiên, ta vẫn coi “dựa vào sức mình là chính”.
Nhận xét:
Bốn mặt trên đây của đường lối là một thể thống nhất, hoàn chỉnh, nó liên quan mật thiết với nhau, hỗ trợ cho nhau cùng phát triển. Đường lối đó được tiếp tục bổ sung trong suốt quá trình phát triển của cuộc kháng chiến. Mãi đến tháng 2/1951, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, đường lối ấy mới được đưa ra thảo luận và chính thức thông qua. Đường lối kháng chiến đúng đắn của ta đã có ý nghĩa quyết định đối với thắng lợi của cuộc khống chiến.