I. Việt Nam trong những năm 1929 - 1933
1. Tình hình kinh tế
- Từ năm 1930, kinh tế Việt Nam bước vào thời kì suy thoái. Khủng hoảng trong nông nghiệp. Sản lượng công nghiệp suy giảm. Xuất nhập khẩu đình đốn. Hàng hoá khan hiếm, giá cả đắt đỏ.
- Khủng hoảng kinh tế ở Việt Nam rất nặng nề so với các thuộc địa khác của Pháp cũng như so với các nước trong khu vực.
2. Tình hình xã hội
- Hậu quả lớn nhất của cuộc khủng hoảng kinh tế là làm trầm trọng thêm tình trạng đói khổ của các tầng lớp nhân dân lao động:
+ Nhiều công nhân bị sa thải, người có việc làm thì lương ít ỏi.
+ Nông dân phải chịu cảnh thuế cao, vay nợ nặng lãi. Ruộng đất bị địa chủ người Pháp và người Việt chiếm đoạt. Họ bị bần cùng hoá.
+ Các tầng lớp nhân dân lao động khác cũng không tránh khỏi tác động xấu của khủng hoảng kinh tế.
- Mâu thuẫn xã hội ngày càng sâu sắc, trong đó có hai mâu thuẫn cơ bản là mâu thuẫn giữa dân tộc Việt Nam với thực dân Pháp và mâu thuẫn giữa nông dân với địa chủ phong kiến.
- Vì vậy, trong những năm cuối thập niên 20 của thế kỉ XX, phong trào công nhân và phong trào yêu nước phát triển mạnh mẽ lôi cuốn đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Đầu năm 1930, sau khi cuộc khởi nghĩa Yên Bái bị thất bại, thực dân Pháp tiến hành khủng bố trắng những người yêu nước Việt Nam, làm tăng thêm mâu thuẫn và tình trạng bất ổn định trong xã hội.
II. Phong trào cách mạng 1930 – 1931 với đỉnh cao xô viết Nghệ Tĩnh
1. Phong trào cách mạng 1930 - 1931
- Trong bối cảnh của cuộc khủng hoảng kinh tế và phong trào cách mạng dâng cao, ngay sau khi ra đời, Đảng Cộng sản Việt Nam kịp thời lãnh đạo phong trào đấu tranh của quần chúng công - nông khắp cả nước.
+ Từ tháng 02 đên tháng 04 - 1930, nổ ra nhiều cuộc đấu tranh của công nhân, nông dân. Mục tiêu đấu tranh là đòi cải thiện đời sống: Công nhân đòi tăng lương, giảm giờ làm. Nông dân đòi giảm sưu, giảm thuế. Bên cạnh đó, cũng xuất hiện những khẩu hiệu chính trị.
+ Tháng 5, trên phạm vi cả nước bùng nổ nhiều cuộc đấu tranh nhân ngày Quốc tế Lao động 01-5.
+ Từ tháng 6, 7, 8 năm 1930, liên tục nổ ra các cuộc đấu tranh của công nhân, nông dân và các tầng lớp lao động khác trên phạm vi cả nước.
+ Sang tháng 9, phong trào đấu tranh dâng cao, nhất là ở hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Những cuộc biểu tình của nông dân (có vũ trang tự vệ) với hàng nghìn người tham gia kéo đến huyện lị, tỉnh lị đòi giảm sưu, giảm thuế. Các cuộc đấu tranh này được công nhân Vinh - Bến Thủy hưởng ứng.
- Hệ thống chính quyền thực dân, phong kiến bị tê liệt, tan rã ở nhiều huyện, xã. Nhiều tên tri huyện, lí trưởng bỏ trốn hoặc đầu hàng.
- Trong tình hình đó, nhiều cấp ủy Đảng ở thôn xã lãnh đạo nhân dân đứng ra làm chủ vận mệnh của mình, tự quản lí đời sống chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội ở địa phương, làm chức năng của chính quyền, mà trong lịch sử gọi là Xô viết Nghệ - Tĩnh.
2. Xô Viết Nghệ - Tĩnh
- Tại Nghệ An, Xô viết ra đời ngay sau các cuộc biểu tình từ tháng 9 - 1930 ở các xã huyện Thanh Chương, Nam Đàn, một phần huyện Anh Sơn, Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Diễn Châu. Ở Hà Tình, Xô viết hình thành ở các xã thuộc huyện Can Lộc, Nghi Xuân, Hương Khê vào cuối năm 1930, đầu năm 1931. Các Xô viết đã thực hiện quyền làm chủ của quần chúng, điều hành mọi mặt đời sống xã hội.
+ Về chính trị, quần chúng được tự do tham gia hoạt động trong các đoàn thể cách mạng, tự do hội họp. Các đội tự vệ đỏ và tòa án nhân dân được thành lập.
+ Về kinh tế, thi hành các biện pháp: chia ruộng đất công cho dân cày nghèo; bãi bỏ thuế thân, thuế chợ, thuế đò, thuế muối; xoá nợ cho người nghèo, tu sửa cầu cống, đường giao thông; thành lập các hình thức tổ chức sản xuất để nông dân giúp đỡ nhau.
+ Về văn hoá - xã hội, mở các lớp dạy chữ Quốc ngữ; các tệ nạn xã hội cũ như mê tín, dị đoan, tệ rượu chè, cờ bạc, trộm cắp...bị xoá bỏ. Trật tự trị an được giữ vững; tinh thần đoàn kết, giúp đỡ nhau trong nhân dân được xây dựng.
Xô viết Nghệ - Tĩnh là đỉnh cao của phong trào cách mạng 1930 - 1931 và là nguồn cổ vũ mạnh mẽ quần chúng nhân dân trong cả nước.
3. Hội nghị lần thứ nhất Ban chấp hành Trung ương lâm thời Đảng Cộng sản Việt Nam (tháng 10 - 1930)
- Giữa lúc phong trào cách mạng của quần chúng đang diễn ra quyết liệt, Ban chấp hành Trung ương lâm thời của Đảng Cộng sản Việt Nam họp Hội nghị lần thứ nhất tại Hương Cảng (Trung Quốc) vào tháng 10 - 1930.
- Hội nghị đã quyết định đổi tên Đảng Cộng sản Việt Nam thành Đảng Cộng sản Đông Dương; cử ra Ban Chấp hành Trung ương chính thức do Trần Phú làm Tổng Bí thư và thông qua Luận cương chính trị của Đảng.
- Nội dung của luận cương:
+ Xác định những vấn đề chiến lược và sách lược của cách mạng Đông Dương. Cách mạng Đông Dương lúc đầu là cuộc cách mạng tư sản dân quyền, sau đó sẽ tiếp tục phát triển, bỏ qua thời kì tư bản chủ nghĩa, tiến thẳng lên con đường xã hội chủ nghĩa.
+ Hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng là đánh phong kiến và đánh đế quốc. Hai nhiệm vụ này có quan hệ khăng khít với nhau.
+ Động lực cách mạng là giai cấp công nhân và nông dân. Lãnh đạo cách mạng là giai cấp công nhân với đội tiên phong của nó là Đảng Cộng sản.
+ Luận cương chính trị cũng nêu rõ hình thức và phương pháp đấu tranh, về mối quan hệ giữa cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới.
Tuy nhiên, Luận cương còn có những mặt hạn chế, như chưa nêu được mâu thuẫn chủ yếu của xã hội Đông Dương, không đưa ngọn cờ dân tộc lên hàng đầu mà nặng về đấu tranh giai cấp và cách mạng ruộng đất; đánh giá không đúng khả năng cách mạng của tầng lớp tiểu tư sản dân tộc, khả năng lôi kéo một bộ phận trung, tiểu địa chủ tham gia mặt trận dân tộc thống nhất chống đế quốc và tay sai.
4. Ý nghĩa lịch sử và bài học kinh nghiệm của trào cách mạng 1930 - 1931
- Phong trào khẳng định đường lối đúng đắn của Đảng, quyền lãnh đạo của giai cấp công nhân đối với cách mạng các nước ở Đông Dương.
- Từ phong trào, khối liên minh công - nông hình thành, công nhân và nông dân đã đoàn kết với nhau trong đấu tranh cách mạng.
- Phong trào cách mạng 1930 - 1931 được đánh giá cao trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Quốc tế Cộng sản đã công nhận Đảng Cộng sản Đông Dương là bộ phận độc lập trực thuộc Quốc tế Cộng sản.
- Phong trào cách mạng 1930 - 1931 đã để lại cho Đảng ta nhiều bài học kinh nghiệm quý báu về công tác tư tưởng, về xây dựng khối liên minh công - nông và mặt trận dân tộc thống nhất, về tổ chức và lãnh đạo quần chúng đấu tranh..w.
- Phong trào có ý nghĩa như cuộc tập dượt đầu tiên của Đảng và quần chúng cho Tổng khởi nghĩa tháng Tám sau này.
III. Phong trào cách mạng 1932 - 1935
1. Cuộc đấu tranh phục hồi phong trào cách mạng
- Chính sách của thực dân Pháp: Khi phong trào cách mạng 1930 - 1931 lắng xuống, thực dân Pháp vẫn tiếp tục thi hành chính sách khủng bố và mị dân.
+ Khủng bố: hàng vạn người bị bắt bớ, tù đày. Các trại giam và nhà tù chật ních tù chính trị như nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội), Khám Lớn (Sài Gòn), nhà tù Côn Đảo, Kon Tum, Lao Bảo, Sơn La... Từ năm 1931 đến giữa năm 1932, hầu hết các ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Xứ ủy Bắc Kì, Trung Kì, Nam Kì bị bắt.
+ Mị dân: thực dân Pháp dùng những thủ đoạn mị dân, lừa bịp lôi kéo các tầng lớp quan lại, địa chủ, tư sản, trí thức, mê hoặc nhân dân. Về chính trị, chúng cho tăng số đại diện người Việt vào cơ quan lập pháp cấp Kì; về kinh tế, chúng cho người bản xứ được tham gia đấu thầu một số công trình thủy lợi, cầu đường ; về giáo dục, chúng cho tổ chức lại Trường Cao đẳng Đông Dương và Trường Luật để thu hút con em tầng lớp trên; lợi dụng các giáo phái để chia rẽ phong trào nhân dân.
- Đấu tranh hồi phục phong trào: Những người cộng sản vẫn kiên cường đấu tranh phù hợp với điều kiện của mình. Những đảng viên trong tù kiên trì bảo vệ lập trường, quan điểm cách mạng của Đảng, tổ chức vượt ngục, những đảng viên không bị bắt thì tìm cách gây dựng lại tổ chức Đảng và quần chúng. Một số đảng viên đang hoạt động ở Trung Quốc và Thái Lan trở về nước hoạt động.
- Tháng 6 - 1932, Ban lãnh đạo Trung ương thảo ra chương trình hành động của Đảng. Chương trình hành động nêu chủ trương đấu tranh đòi các quyền tự do dân chủ cho nhân dân lao động, thả tù chính trị, bãi bỏ các thứ thuế bất công, củng cố và phát triển các đoàn thể cách mạng của quần chúng.
- Nhiều cuộc đấu tranh của công nhân đã nổ ra: năm 1932 có 230 cuộc, năm 1933 có 244 cuộc, tập trung ở các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Sài Gòn, Gia Định. Nông dân các tỉnh Gia Định, Long Xuyên, Trà Vinh, Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận, Cao Bằng, Lạng Sơn liên tiếp có các cuộc đấu tranh.
- Đến cuối năm 1933, các tổ chức Đảng dần dần được phục hồi và củng cố. Đầu năm 1934, Ban lãnh đạo Hải ngoại được thành lập do Lê Hồng Phong đứng đầu. Cuối năm 1934 đầu năm 1935, các xứ ủy Bắc Kì, Trung Kì, Nam Kì được lập lại.
- Đầu năm 1935, các tổ chức Đảng và phong trào được phục hồi.
2. Đại hội đại biểu lần thứ nhất Đảng Cộng sản Đông Dương (tháng 3 - 1935)
- Từ ngày 27 đến ngày 31 - 3 - 1935, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất của Đảng họp tại Ma Cao (Trung Quốc).
- Sau khi đánh giá tình hình, Đại hội xác định 3 nhiệm vụ của Đảng trong thời gian trước mắt là: củng cố sự phát triển Đảng; tranh thủ quần chúng rộng rãi; chống chiến tranh đế quốc.
- Đại hội thông qua Nghị quyết chính trị, Điều lệ Đảng, các nghị quyết về vận động công nhân, nông dân, binh lính, phụ nữ; về công tác trong các dân tộc thiểu số, về đội tự vệ và cứu tế đỏ.
- Đại hội bầu ra Ban Chấp hành Trung ương gồm 13 người và bầu Lê Hồng Phong làm Tổng Bí thư của Đảng. Nguyễn Ái Quốc được cử làm đại diện của Đảng bên cạnh Quốc tế Cộng sản.
- Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất của Đảng đánh dấu mốc quan trọng: Đảng đã khôi phục được hệ thống tổ chức từ trung ương đến địa phương, từ trong nước đến ngoài nước, cũng như khôi phục được các tổ chức quần chúng.