+ Hoàn cảnh ra đời và chủ trương thành lập Mặt trận Việt Minh?
- Tháng 9/1940, phát xít Nhật kéo vào Đông Dương, Pháp - Nhật cấu kết chật chẽ với nhau áp bức, bóc lột nhân dân ta rất dã man, tàn bạo. Chỉ trừ một số ít địa chủ, cường hào, quan lại, còn đại bộ phận nhân dân ta bị đẩy vào chỗ khốn cùng. Nhân dân ta rất căm thù chúng, muốn vùng dậy giành độc lập, tự do.
- Chiến tranh thế giới thứ hai sắp bước sang giai đoạn mới, tình hình đòi hỏi ta phải khẩn trương xúc tiến xây dựng lực lượng, chờ thời cơ khởi nghĩa vũ trang cướp chính quyền.
- Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 họp ở Pắc Bó. Cao Bằng (từ ngày 10 đến 19/5/1941) nhận định “mâu thuẫn giữa các dân tộc Đông Dương với đế quốc, phát xít đã trở thành mâu thuẫn chủ yếu nhất”, ... “vận mệnh dân tộc nguy vong không lúc nào bằng và trong lúc này quyền lại của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, dân tộc”. Hội nghị cũng nhận thấy cần phải đưa cách mạng về phạm vi trong nước để tránh âm mưu chia rẽ của địch, đồng thời nhân dân các nước Đông Dương cũng có nhiệm vụ giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc đấu tranh giành độc lập của mình.
Từ nhận định trên. Hội nghị chủ trương thành lập một mặt trận đoàn kết dân tộc rộng rãi lấy tên là “Việt Nam độc lập đồng minh hội” (Gọi tắt là “Việt Minh”) nhằm đoàn kết toàn dân đứng lên đánh Pháp, đuổi Nhật, cứu nước, cứu nhà.
+ Chương trình hành động của Mặt trận Việt Minh thế nào?
Chương trình hành động của Một trận Việt Minh chính là cương lĩnh 10 điểm của mình. Cụ thể, Việt Minh chủ trương:
- Về mục đích: Phản đối xâm lược, tiễu trừ Việt gian, lập nên một nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa hoàn toàn độc lập.
- Về đối nội:
+ Vũ trang nhân dân chống Nhật, mở rộng quân giải phóng Việt Nam.
+ Tịch thu tài sản của lũ giặc bán nước và của Việt gian, tuỳ trường hợp để làm của chung hay chia cho dân nghèo.
+ Bỏ hết thuế khoá, phục dịch do đế quốc đặt ra.
+ Thành lập và mở mang nền kinh tế quốc dân, khuyến khích giúp đỡ công nghiệp, nông nghiệp và thương nghiệp, lập Quốc gia Ngân hàng.
+ Thực hiện quyền tự do dân chủ và quyền phổ thông tuyển cử. Thừa nhận dân tộc bình đẳng, nam nữ bình quyền.
+ Chia lại ruộng công làm cho dân nghèo có ruộng cày cấy, giảm địa tô, giảm lợi tức, hoãn nợ.
+ Thi hành luật làm 8 giờ, đặt luật xã hội bảo hiểm, cứu tế nạn nhân.
+ Chống nạn mù chữ, cưỡng bách giáo dục đến bậc sơ học, đào tạo các hạng nhân tài.
+ Thực hiện nam nữ bình quyền, dân tộc bình đẳng.
- Về đối ngoại:
+ Thân thiện với các nước coi trọng nền độc lập của Việt Nam.
Cương lĩnh 10 điểm này chính là sự vận dụng cụ thể đường lối, chủ trương của Đảng ta, được thì hành ở khu giải phóng Việt Bắc thời kỳ tiền khởi nghĩa và làm cơ sở cho đường lối đốt nội, đối ngoại của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa sau này.
+ Vai trò lịch sử của Mặt trận Việt Minh đối với cách mạng Việt Nam ?
a. Đối với Cách mạng tháng Tám (nét riêng):
Việt Minh ra đời từ ngày 19/5/1941 và tồn tại tới đầu năm 1951, khi đã sát nhập với Mặt trận Liên Việt. Nó có vai trò to lớn đối với cách mạng Việt Nam như:
- Tập hợp lực lượng cách mạng, đoàn kết toàn dân trong một tổ chức chính trị của quần chúng. Việt Minh bao gồm nhiều người thuộc các giai cấp, tầng lớp xã hội khác nhau, không phân biệt giàu nghèo, sang hèn, tôn giáo hay chủng tộc.
Xung quanh Mặt trận Việt Minh gồm nhiều đoàn thể quần chúng có tên chung là “Cứu quốc” nhắc nhở nhiệm vụ chính cho mọi người. Bản thân hai tiếng “Việt Minh” đã có sức hấp dẫn, thu hút, khích lệ lòng yêu nước của đồng bào.
Việt Minh là một tổ chức rất vững vì dựa trên cơ sở liên minh công nông do Đảng lãnh đạo.
- Ngay từ khi ra đời, Việt Minh đã tập hợp được đông đảo quần chúng ở vùng Cao - Bắc - Lạng, Thái Nguyên dần dần phát triển rộng ra khắp cả nước. Việt Minh đã xây dựng căn cứ vững chắc ở Cao - Bắc - Lạng làm cơ sở cho việc xây dựng lực tượng vũ trang.
- Bằng những báo chí của mình, bằng những cuộc hội họp mít tinh. Việt Minh đã tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng trong quần chúng, lên án tội ác của Pháp – Nhật làm quần chúng căm thù giặc, giác ngộ giai cấp, tin tưởng và đi theo cách mạng, tích cực đấu tranh. Việt Minh là sợi dây chuyền nối Đảng với quần chúng.
- Ở khắp nơi Mặt trận Việt Minh đã tổ chức được những đoàn thể Cứu quốc, thu hút được đông đảo quần chúng nông thôn và thành thị, các tầng lớp khác như sinh viên, học sinh, trí thức, tư sản dân tộc, văn nghệ sĩ, hình thành lực lượng chính trị to lớn trong cả nước.
- Trong thời kỳ tiền khởi nghĩa, Việt Minh đã lãnh dạo cao trào kháng Nhật cứu nước, tổ chức những cuộc đấu tranh vũ trang khởi nghĩa từng phần ở các địa phương cùng với nhiều hoạt động khác như: rải truyền đơn, căng biểu ngữ, biểu tình, tuần hành, đánh chiếm kho thóc, đình chỉ thu thuế v.v... Việt Minh đã tập dượt cho quần chúng đấu tranh.
- Ngoài việc giác ngộ quần chúng, xây dựng căn cứ địa, những cán bộ Việt Minh cũng làm nòng cốt cho việc xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng.
- Trong những ngày Tổng khởi nghĩa, Tổng bộ Việt Minh đã đứng ra triệu tập Quốc dân Đại hội ở Tân Trào, đứng ra trực tiếp kêu gọi, tổ chức huy động lực lượng của quần chúng đấu tranh giành chính quyền.
Tóm lại, Việt Minh có vai trò lớn trong việc chuẩn bị và lãnh đạo Tổng khởi nghĩa tháng Tám thắng lợi.
b. Đối với cách mạng Việt Nam (nói chung):
- Trong những ngày đầu sau Cách mạng tháng Tám, đất nước gặp nhiều khó khăn, các cán bộ Việt Minh lại có mặt khắp nơi, hăng hái xung phong lãnh đạo quần chứng diệt đói, diệt dốt, xây dựng đời sống mới, xây dựng củng cố chính quyền, đấu tranh chống thù trong giặc ngoài để giữ vững và củng cố chính quyền cách mạng.
- Trong những năm đầu kháng chiến chống Pháp (1946 - 1951) Mặt trận Việt Minh đã phát huy vai trò của mình, cùng Mặt trận Liên Việt tuyên truyền giác ngộ quần chúng thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng và Chính phủ, làm theo lời dạy của Hồ Chủ tịch, xây dựng khối đoàn kết toàn dân, tích cực đóng góp đưa kháng chiến ngày một thắng lợi. Tới năm 1951, Việt Minh tự nguyện nhập vào Mặt trận Liên Việt làm cho khối đại đoàn kết toàn dân càng được tăng cường.
Tóm lại, Mặt trận Việt Minh có vai trò to lớn trong việc:
- Tập hợp lực lượng cách mạng.
- Xây dựng, chuẩn bị lực lượng chính trị, vũ trang, căn cứ địa cách mạng.
- Lãnh đạo cao trào kháng Nhật cứu nước thời kỳ tiền khởi nghĩa.
- Lãnh đạo Cách mạng tháng Tám.
- Củng cố xây dựng chính quyền, góp phần đưa kháng chiến chống Pháp đến thành công.