Câu 1. Phân tích những nét chung của cảm hứng về quê hương đất nước của các nhà thơ kháng chiến chống Pháp được thể hiện qua các bài : Bên kia sông Đuống (Hoàng cầm), Việt Bắc (Tố Hữu), Đất nước (Nguyễn Đình Thi).
Câu 2. Thử chọn và phân tích một chi tiết trong truyện mà theo em là độc đáo và có nhiều ý nghĩa trong việc làm nổi bật chủ đề tác phẩm Đôi mắt của nhà văn Nam Cao.
HƯỚNG DẪN LÀM BÀI
Câu 1. Bài làm có thể theo nhiều cách khác nhau, trình tự trình bày khác nhau, nhưng phải đảm bảo các nội dung chính sau đây:
1. Các nhà thơ kháng chiến chống thực dân Pháp đều rung động với thiên nhiên tươi đẹp, thấm đượm chất trữ tình của đất nước:
Nhớ gì như nhớ người yêu
Trăng lên đầu núi nắng chiều lưng nương
Nhớ từng bản khói cùng sương
Sớm khuya bếp lửa người thương đi về
Nhớ từng rừng nứa bờ tre
Ngòi Thia, sông Đáy, suối Lê vơi đầy...
(Việt Bắc)
Thiên nhiên thường được tái hiện từ cái nhìn toàn cảnh, tạo nên một cái nền thích hợp cho những vấn đề to lớn được nói tới trong thơ.
2. Các nhà thơ thường thể hiện ý thức làm chủ đối với quê hương đất nước vì họ là những công dân mới của một đất nước có chủ quyền :
Trời xanh đây là của chúng ta
Núi rừng đây là của chúng ta...
(Đất nước)
Quê hương lúc này đồng nghĩa với Đất nước, Tổ quốc, tên các địa danh của đất nước thường được nhắc đến với cảm xúc tự hào :
Ai về ai có nhớ không ?
Ta về ta nhớ Phủ Thông, đèo Giàng
Nhớ sông Lô, nhớ phô Ràng
Nhớ từ Cao Lạng, nhớ sang Nhị Hà...
(Việt Bắc)
3. Các nhà thơ đều nói đến bề sâu lịch sử và truyền thống văn hóa của quê hương, đất nước khiến cho hình tượng miêu tả có thêm chiều sâu :
Bên kia sông Đuống
Quê hương ta lúa nếp thơm nồng
Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong
Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp...
Ở đây thơ kháng chiến đã kế thừa được truyền thống tốt đẹp của thơ văn yêu nước thời trung đại.
4. cảm hứng về quê hương đất nước mang màu sắc chính trị, xã hội rõ nét. Hình ảnh quê hương đất nước không chỉ mang màu sắc muôn đời như trong “thơ mới” lãng mạn mà còn là hình ảnh đang vận động, biến đổi theo từng bước phát triển của cách mạng, của kháng chiến. Có hình ảnh quê hương quật khởi. Có hình ảnh quê hương sáng đẹp trong một tương lai gần :
Súng nổ rung trời giận dữ
Người lên như nước vỡ bờ
Nước Việt Nam từ máu lửa
Rũ bùn đứng dậy sáng lòa
(Đất nước)
5. Cảm hứng về quê hương, đất nước vừa mang màu sắc trữ tình thơ mộng, vừa mang màu sắc anh hùng ca, Nói đến trữ tình là nói đến thế giới nội tâm, đến sự cảm thụ thẩm mĩ mang màu sắc chủ quan của cái “tôi”, đến một thiên nhiên đầy thanh sắc và cảm xúc. Âm hưởng chính của bài thơ Việt Bắc là âm hưởng trữ tình. Hai khổ đầu của bài thơ Đất nước (“Sáng mát trong... nói cười thiết tha”) đậm đà chất trữ tình. Nhưng khổ thơ tiếp theo (“Trời xanh đây... vọng nói về”) mang âm hưởng anh hùng ca, cảm hứng anh hùng ca là cảm hứng về sức mạnh bất diệt của nhân dân, về những chiến công oai hùng trong lịch sử. Sự kết hợp giữa trữ tình và anh hùng ca là đặc trưng của hai bài thơ có khuynh hướng muốn đưa ra một cái nhìn toàn cảnh về 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp :
Những đường Việt Bắc của ta
Đêm đêm rầm rập như là đất rung
Quân đi điệp điệp trùng trùng
Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan
Dân công đỏ đuốc từng đoàn
Bước chân nát đá muôn tàn lửa bay
Nghìn đêm thăm thẳm sương dày
Đèn pha bật sáng như ngày mai lên...
(Việt Bắc)
Nhìn chung, những nét tương đồng trong cảm hứng về quê hương, đất nước được nêu ở trên cũng chính là những nét mới mà thơ kháng chiến đã mang lại cho thơ ca Việt Nam.
Thơ kháng chiến quả đã đánh dấu bước chuyển của một nền thơ, theo hướng gắn bó với dân tộc và cách mạng, với những vấn đề liên quan tới cả cộng đồng.
Câu 2
Yêu cầu:
- Nắm chắc tư tưởng - chủ đề của tác phẩm, từ đó bám sát vào cốt truyện và nhân vật để tìm ra một chi tiết tiêu biểu làm sáng tỏ tư tưởng - chủ đề ấy.
- Biết cách phân tích một chi tiết để làm nổi bật vấn đề.
Ví dụ : Thí sinh có thể chọn chi tiết anh Hoàng hỏi đường đi chợ huyện khi gặp anh thanh niên vác bó tre lên Thượng
“cản cơ giới hóa tối tân của địch”.
Nam Cao đã để anh Hoàng kể lại chi tiết ấy một cách rất sinh động, đầy sắc thái châm biếm, mỉa mai người thanh niên. Tiếp theo Là việc chỉ đường cho anh Hoàng “rất lôi thôi rắc rối, nhiều bên trái, bên phải quá”. Cuối cùng là việc đọc thuộc lòng bài “ba giai đoạn” (trong kháng chiến chống thực dân Pháp, mọi người đều học bài ba giai đoạn : phòng ngự, cầm cự, tổng phản công).
Dưới mắt anh Hoàng, người thanh niên “ngố không chịu được” làm anh “ngạc nhiên quá, không còn cười được”.
Rõ ràng anh Hoàng đã quen nhìn đời, nhìn người một phía thôi. Anh trông thấy anh thanh niên bề ngoài rất buồn cười, rất ngố ấy và chỉ trông thấy có thể. Anh cũng chỉ nhìn thấy cái bề ngoài việc anh thanh niên đọc thuộc lòng như “con vẹt biết nói”, mà anh đã không “nhìn thấy cái nguyên cớ thật đẹp đẽ bên trong” (bản chất yêu nước, yêu lao động của nông dân).
Nam Cao đã phê phán cách nhìn lệch lạc về nông dân và kháng chiến của một bộ phận trí thức, văn nghệ sĩ cũ và đặt vấn đề; văn nghệ sĩ cách mạng phải có một đôi mắt mới, một thế giới quan mới.