Câu 1. Anh (chị) hãy nêu những nét chính về sự nghiệp văn học của Hồ Chí Minh.
Câu 2. Nhà văn Nam Cao có tác phẩm Đôi mắt. Anh (chị) hãy :
a) Phân tích nhan đề tác phẩm.
b) Phân tích “đôi mắt” của nhân vật Hoàng.
Câu 3. Bình giảng đoạn thơ sau trong bài Bên kia sông Đuống của Hoàng Cầm :
“Em ơi buồn làm chi
Anh đưa em về sông Đuống
Ngày xưa cát trắng phẳng lì
Sông Đuống trôi đi
Một dòng lấp lánh
Nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kì
Xanh xanh bãi mía bờ dâu
Ngô khoai biêng biếc
Đứng bên này sông sao nhớ tiếc
Sao xót xa như rụng bàn tay”
HƯỚNG DẪN LÀM BÀI
Câu 1. Bài viết cần trình bày được những nội dung cơ bản sau đây:
1. Hồ Chí Minh (1890 - 1969) không chỉ là một lãnh tụ vĩ dại của dân tộc Việt Nam mà còn là một nhà văn nhà thơ lớn. Sự nghiệp văn học của Người rất phong phú đa dạng về thể loại phong cách mà luôn nhất quán ở tinh thần “thép” của một nghệ sĩ - chiến sĩ vĩ đại.
2.
a) Hồ Chí Minh viết nhiều tác phẩm chính luận mà tiêu biểu là Bản án chế độ thực dân Pháp (1925), Tuyên ngôn độc lập (1946), Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (1946), Không có gì quý hơn Độc lập Tự do (1966),... Đó là những áng văn bất hủ đã đi vào lịch sử và sẽ trường tồn vói dân tộc.
b) Hồ Chí Minh còn có những truyện ngắn và tiểu phẩm viết bằng tiếng Pháp khi người hoạt động ở Pari. Ví như: Pari, Lời than vãn của bà Trưng Trắc, Những trò lố hay là Varen và Phan Bội Châu, Vi hành, sở thích đặc biệt.,.
c) Di sản thơ ca của Hồ Chí Minh có tập Nhật kí trong tù. Đây là tập nhật kí bằng thơ gồm 133 bài viết bằng tiếng Hán. Tập thơ được Người viết trong thời gian hơn một năm trời (8-1942 đến 9-1943) khi bị cầm tù ở nhà lao Quảng Tây (Trung Quốc) dưới thời Tương Giới Thạch. Tập thơ cho thấy một tâm hồn cao đẹp tuyệt vời và một phong cách thơ độc đáo của một lãnh tụ - một nghệ sĩ.
Ngoài tập Nhật kí trong tù, chúng ta còn phải kể đến những bài thơ Bác viết thời kì ở Pắc Bó (1941-1942), như Tức cảnh Pắc Bó, pắc Bó hùng vĩ, Thượng Sơn,... hoặc thời kì ở Việt Bắc (1947-1948) như cảnh khuya, Nguyên tiêu,... những bài thơ thể hiện một phong thái ung dung tự tại của một chiến sĩ mang tâm hồn nghệ sĩ.
3. Di sản văn học của Hồ Chí Minh rất phong phú độc đáo và có giá trị to lớn đặc biệt về nhiều phương diện. Nó chẳng những ảnh hưởng sâu sắc tới tư tưởng, tình cảm của con người Việt Nam mà còn có vị trí quan trọng trong lịch sử văn học nước nhà.
Câu 2
Bài viết cần trình bày những ý cơ bản sau :
1. Đôi mắt là tác phẩm có ý nghĩa đặc biệt của Nam Cao sau Cách mạng, cùng là tác phẩm xuất sắc của văn xuôi Việt Nam giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp. Tác phẩm dược viết năm 1948, lúc đầu có nhan đề Tiên sư anh Tào Tháo, nhưng sau Nam Cao đặt cho nó cái tên khác : “giản dị và đúng đắn: Đôi mắt”. Điều này được chính tác giả ghi lại trong nhật kí ở rừng.
2. Tác giả đặt nhan đề cho tác phẩm như vậy là có dụng ý làm nổi bật ý nghĩa tư tưởng của truyện ngắn này.
“Đôi mắt” ở đây không phải là đôi mắt sinh học, “Đôi mắt” ở đây được Nam Cao dùng như một biểu tượng để nói lên cách nhìn nhận cuộc kháng chiến, nhìn nhận người nông dân, nói một cách khái quát đó là vấn đề thế giới quan, nhân sinh quan của người nghệ sĩ khi cầm bút.
Ý nghĩa sâu xa của Đôi mắt được thể hiện xoay quanh câu chuyện giữa hai nhân vật chính của tác phẩm là Độ (một nhà văn đang làm công tác tuyên truyền kháng chiến) và Hoàng (một nhà văn đàn anh vốn sống ở Hà Nội, nay cùng gia đình tản cư về nông thôn). “Đôi mắt” của mỗi nhân vật dần hiện ra trọn vẹn qua câu chuyện giữa họ về những điều mắt thấy tai nghe.
3. Chỗ yếu nhất trong đôi mắt của Hoàng là chỉ nhìn người, nhìn đời từ một phía.
- Quần chúng lao động (mà cụ thể là những người nông dân) dưới “đôi mắt” Hoàng toàn là những người “ngố”, “nhặng xị” “ích kỉ” và hầu hết “đều ngu độn” (….).
Sắc sảo, tài quan sát nhưng đôi mắt của Hoàng không nhìn ra được bản chất yêu lao động, yêu nước của người nông dân.
- Cách nhìn người ấy tất yếu dẫn đến cách nhìn đời (nhìn cuộc kháng chiến). Hoàng chỉ thây cái ngu dốt, ngây ngô, gàn dở của những người nông dân, Hoàng không thể đặt niềm tin ở họ. Cũng do mất niềm tin ở nông dân - lực lượng chính của cuộc kháng chiến - nên Hoàng mất luôn cả niềm tin rằng quần chúng sẽ đưa cuộc kháng chiến đến thành công. Việc Hoàng không cộng tác với những người kháng chiến, cứ “đóng cửa suốt ngày không dám đi đâu nữa” cũng là hậu quả của “đôi mắt” ấy.
- May mà Hoàng còn niềm tin vào tài năng của Cụ Hồ. Theo Hoàng “cứ cho rằng dân mình có tồi đi nữa, Ông Cụ xoay quanh rồi cũng cứ độc lập như thường”, ở đây lai bộc lộ rõ “đôi mắt” phiến diện, ngây thơ của Hoàng: một cái nhìn đối lập giữa lãnh tụ và dân tộc, giữa vĩ nhân và quần chúng một quan niệm duy tâm lịch sử.
“Đôi mắt” phiến diện của Hoàng có nguyên nhân của nó: đó là do anh sống tách biệt với nhân dân, tách biệt với cuộc sống chiến đấu chung của dân tộc (...).
4. Đôi mắt- đã dể cập được một vấn đề lớn : vấn đề thế giới quan của người nghệ sĩ trong sáng tạo nghệ thuật.
Qua “đôi mắt” của Hoàng, nhà văn phê phán lối sống lạc lõng, xa lạ, cách nhìn phiến diện của một số nhà văn cũ. Qua đó tác giả khẳng định lập trường, trách nhiệm và cách nhìn mới mẻ của người nghệ sĩ cách mạng trước cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc.
Câu 3. Học sinh tự trả lời.