Câu 1. Phân tích bài thơ Chiều tối trong Nhật kí trong tù của Hồ Chí Minh, từ đó làm rõ vẻ đẹp tâm hồn của nhà thơ.
Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ,
Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không ;
Cô em xóm núi xay ngô tối,
Xay hết lò than đã rực hồng
(Nam Trân dịch)
Câu 2. Phân tích diễn biến tâm trạng và hành động của Chí Phèo (trong truyện ngắn cùng tên của Nam Cao) từ khi gặp thị Nở cho tới khi kết thúc cuộc đời.
HƯỚNG DẪN LÀM BÀI
Câu 1. Học sinh tự làm.
Câu 2
1. Giới thiệu sơ lược tác giả Nam Cao và tác phẩm “Chí Phèo”
Chí Phèo gặp thị Nở, “phần người trong hắn bừng sáng lên”, cuộc gặp gỡ đánh thức dậy những ánh sáng lương thiện còn lại trong tâm hồn một con người đã bị lưu manh hóa.
2. Khi gặp thị Nở
a) Gặp thị Nở và trận ốm đã làm cho con người hắn có sự thay đổi
- Sáng hôm sau hắn “thấy miệng đắng và lòng mơ hồ buồn”.
- Sau khi đi tù về, lần đầu tiên hắn lắng nghe được nhịp đập của cuộc sống bên ngoài (tiêng chim hót ngoài vườn, tiếng gõ mái chèo đuổi cá, tiếng nói chuyện của nhũng người đi chợ).
- Hắn mơ ước một cuộc sống gia đình (nuôi một con lợn, có dăm ba sào ruộng làm...).
- Trận ốm nhắc cho hắn biết “hắn đã tới cái dốc bên kìa của đời”, “Chí Phèo hình như đã trông thấy trước tuổi già của hắn, đói rét và ốm đau, và cô độc”.
b) Những thay đổi về sinh lí đã dẫn đến những thay đổi vô tâm lí
Xưa nay hắn chỉ sống bằng cướp giật và dọa nạt. Nếu không còn sức mà giật cướp, dọa nạt nữa thì sao ? Bấy giờ mới nguy.
- “Hắn thèm lương thiện, hắn muốn làm hòa với mọi người biết bao!”. Thị Nở sẽ mở đường cho hắn.
c) Nhưng bà cô thị Nở đã buộc thị cự tuyệt mối tình của hắn, xã hội cự tuyệt hắn, bi kịch ập đến khiến hắn bị giằng xé dữ dội, đi đến những hành động quyết liệt.
3. Đến nhà bá Kiến trong trạng thái vừa say vừa tỉnh
- Bị thị Nở cự tuyệt, Chí phẫn uất thành ý chí trả thù, “phải đến cái nhà con đĩ Nở kia, đến để đâm chết cả nhà nó, đâm chết cái con khọm già nhà nó”.
- Phải uống thật say để trả thù, nhưng càng uống hắn càng tỉnh ra (càng uống càng ngửi thấy mùi cháo hành). Đây là lần say sau khi vừa tỉnh, khác với cơn say dài mênh mông trước đó.
- Ra đi nhưng không rẽ vào nhà thị Nở mà thẳng đường tới nhà bá Kiến.
- Cuộc đối thoại với bá Kiến, đây là giây phút tỉnh táo nhất từ sau khi đi tù về. Tỉnh táo trong câu nói : “Ai cho tao lương thiện ? Làm thế nào cho mất được những vết mảnh chai trên mặt này?”. Tỉnh táo trong hành động tự sát sau khi đã giết bá Kiến vì hắn biết rằng bọn cường hào ở làng Vũ Đại sẽ không để yên cho hắn.
Đó là đỉnh cao của bi kịch, cũng là đỉnh cao của ý thức.
4. Qua việc miêu tả diễn biến tâm trạng và hành động của Chí Phèo, người đọc nhận ra ngòi bút nhân đạo sâu sắc của Nam Cao.
- Ngay trong tâm hồn những lớp người ở “dưới đáy”, Nam Cao vẫn chắt chiu những ánh sáng lương thiện còn sót lại, đánh thức dậy những ước mơ trong sáng của họ.
- Những câu nói của Chí Phèo trước khi chết như một lời kêu cứu: Phải gấp rút thay đổi hoàn cảnh xã hội, nếu không hàng loạt con người sẽ bị đẩy vào trạng thái phi nhân tính. Hãy cứu lấy con người.