Câu 1. Vẻ đẹp truyền thống và hiện đại trong bài thơ Chiều tối (Mộ) của Hồ Chí Minh :
Phiên âm :
Quyển điểu quy lâm tầm túc thụ,
Cô vân mạn mạn độ thiên không;
Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc,
Bao túc ma hoàn, lô dĩ hồng.
Dịch thơ:
Chim moi về rừng tìm chốn ngủ,
Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không;
Cô em xóm núi xaỵ ngô tối,
Xay hết, lò than đã rực hồng.
(Nam Trân dịch)
(Văn học 12, tập một, Nxb Giáo dục, 2001)
Câu 2. Phân tích hình tượng sông Đà trong tuỳ bút Người lái đò Sông Đà, qua đó làm nổi bật những thủ pháp nghệ thuật đặc sắc mà Nguyễn Tuân đã vận dụng để biểu hiện hình tượng ấy.
HƯỚNG DẪN LÀM BÀI
Câu 1. Học sinh tự giải
Câu 2
1. Giới thiệu đôi nét về Nguyễn Tuân và hoàn cảnh ra đời bài tuỳ bút “Người lái đò Sông Đà”
- Nguyễn Tuân (1910 - 1987) là một phong cách nghệ thuật tài hoa, độc đáo, đã từng nổi tiếng trước cách mạng với tác phẩm Vang bóng một thời, Thiếu quê hương. Sau cách mạng, Nguyễn Tuân vẫn tiếp tục nổi tiếng với những tập kí và tùy bút viết về chủ nghĩa xã hội (Sông Đà) và về cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước (Hà Nội ta đánh Mĩ giỏi).
- Người lái đò Sông Đà rút trong tập tuỳ bút Sông Đà của Nguyễn Tuân, xuất bản lần đầu năm 1960, nằm trong mạch những sáng tác viết về đề tài xây dựng cuộc sổng mới ở miền Bắc nước ta hồi bấy giờ (Tiếng hát con tàu của Chế Lan Viên, Mùa lạc của Nguyễn Khải, v.v...).
2. Phân tích hình tượng Sông Đà
Thí sinh cần dựa vào tác phẩm để nêu được một số ý sau đây :
a) Cùng với “người lái đò”, dưới ngòi bút Nguyễn Tuân, hình tượng Sông Đà đã hiện lên như một nhân vật đầy sức sống, có tính cách riêng độc đáo, gây cảm xúc đặc biệt cho người đọc :
+ Sông Đà với tính cách “hùng vĩ” và “hung bạo” (thác đá, vách đá dựng đứng ; “nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió... gầm ghè suốt năm như lúc nào cũng đòi nợ bất cứ người lái đò sông Đà nào” ; những cái hút nước ghê rợn .v..v...).
+ Sông Đà “thơ mộng” và “trữ tình” : “tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn mù khói núi Mèo đốt nương xuân”...; với mỗi người, theo Nguyễn Tuân, Sông Đà gợi cảm một cách : khi thì “như một cố nhân”, khi thì “hồn nhiên như một nỗi niềm cổ tích tuổi thơ”, khi thì một “dòng xanh ngọc bích”, khi thì lóe lên một “màu nắng tháng ba Đường thi”, v..v...
b) Hình tượng Sông Đà được cảm thụ thẩm mĩ dưới nhiều góc nhìn và cách nhìn khác nhau :
+ Tác giả gợi lại lịch sử Sông Đà và cuộc sống con người Tây Bắc từ góc nhìn văn hoá, lịch sử.
+ Tác giả luôn thay đổi cách nhìn, nhằm phát hiện tính cách độc đáo, nhiều vẻ của Sông Đà (khi thì đi trên sông, khi nhìn từ đôi bờ, khi muốn truyền cảm giác lạ cho khán giả qua ống kính điện ảnh từ đáy sâu hút nước, khi nhìn từ trên máy bay,..).
+ Từ những góc nhìn và cách nhìn ấy, tác giả đem đến cho người đọc một quan niệm mới vê vẻ đẹp thiên nhiên : thiên nhiên không chỉ là “rừng vàng, bể bạc”, mà còn là một thách thức trước khát vọng không nguôi của con người trong cuộc đấu tranh vật lộn đầy thông minh và tài trí để giành quyền sống.
3. Những thủ pháp nghệ thuật đặc sắc mà Nguyễn Tuân đã vận dụng để làm nổi bật hình tượng sông Đà
- Phối hợp một cách linh hoạt, tài tình các thủ pháp nghệ thuật : ẩn dụ, tỉ dụ, nhân hoá (thí sinh cần nêu được một vài dẫn chứng cụ thể từ trong tác phẩm).
- Cách hành văn độc đáo, đầy biên hoá, đầy sức gợi tả, gợi cảm.
- Vận dụng tri thức của nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau để vừa miêu tả vừa bộc lộ cảm xúc (kiến thức âm nhạc khi nghe âm thanh tiếng thác ; kiến thức hội họa khi quan sát màu sắc, đường nét dòng sông và đôi bờ ; kiến thức thi ca khi tạo nên những liên tưởng bất ngờ đầy gợi cảm ; kiến thức điện ảnh như đưa ống kính vào cận cảnh, khi thì từ xa ; đặc biệt là kiến thức vô cùng phong phú, giàu có về ngôn từ...).